Các yếu tố nguy cơ bị bốc hỏa gồm: Phụ nữ béo phì mặc dù có nồng độ estrogen nội sinh cao do chuyển đổi androstenedion từ mô mỡ, tuy nhiên, họ lại có khả năng bị bốc hỏa cao hơn so với người bình thường. Hút thuốc có liên quan với tăng nguy cơ bốc hỏa. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm: ít hoạt động thể chất; gặp các sang chấn tâm lý...
Bốc hỏa thường khởi đầu đột ngột bằng cảm giác bốc hỏa mặt, phần trên ngực và sau đó nhanh chóng lan ra toàn thân. Cảm giác nóng kéo dài từ 2 - 4 phút, thường đi kèm với toát mồ hôi, thỉnh thoảng đánh trống ngực và sau đó là lạnh run.
Cường độ của cơn bốc hỏa thay đổi rất nhiều, từ sự đỏ mặt thông thường đến cơn bốc hỏa mạnh làm thay đổi gương mặt. Đỏ từ thân lên và kèm theo đổ mồ hôi rất nhiều. Tần số xuất hiện của cơn bốc hỏa thay đổi tùy theo mỗi phụ nữ. Có người thỉnh thoảng chỉ bị một cơn, nhưng có người bị liên tục và rất khó chịu. Những cơn bốc hỏa có thể xảy ra trước thời kỳ mãn kinh và kéo dài sau đó đến chục năm.
Cơn bốc hỏa thường xảy ra trong khi ngủ và do đó gây mất ngủ mạn tính. Ban đêm, những cơn bốc hỏa thường làm bệnh nhân thức giấc, có khi phải thay áo hay khăn trải giường vì thấm ướt mồ hôi.
Ban ngày, cơn bốc hỏa có thể gây phiền phức trong sinh hoạt vì những xúc động, những thay đổi nhiệt độ của môi trường bên ngoài xảy ra ngoài ý muốn.
Ngoài ra, khó ngủ thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt (tối đa trong giai đoạn đầu chu kỳ và giai đoạn hoàng thể muộn, khi nồng độ estrogen trong huyết thanh thấp nhất).
Tâm lý và triệu chứng vận mạch cũng góp phần gây nên rối loạn giấc ngủ. Ngoài ra, phụ nữ quanh tuổi mãn kinh kèm các cơn bốc hỏa có nhiều khả năng bị trầm cảm. Rối loạn giấc ngủ nguyên phát cũng khá thường gặp ở đối tượng này.
Nguyên nhân của các cơn bốc hỏa chưa được khẳng định rõ ràng. Đa phần các giả thuyết là do rối loạn chức năng điều nhiệt, khởi đầu ở mức vùng dưới đồi do giảm sút nồng độ estrogen.
Nghiên cứu sinh lý học đã xác định rằng các cơn bốc hỏa là do rối loạn chức năng điều nhiệt: các mạch máu ngoại biên bị giãn bất thường, đổ mồ hôi dẫn đến mất nhiệt nhanh chóng và giảm nhiệt độ cơ thể thấp hơn bình thường, run rẩy, sau đó là cơ chế bình thường để khôi phục lại thân nhiệt như cũ.
Phụ nữ có triệu chứng nhẹ thường không cần can thiệp bằng thuốc. Các phương pháp có thể áp dụng như thay đổi lối sống (bao gồm cả việc giữ mát cơ thể và tập thể dục thường xuyên, thiền và thư giãn cơ thể).
Trường hợp phụ nữ bị bốc hoả thường xuyên và liên tục thì nên tham khảo bác sĩ để bổ sung các sản phẩm bổ sung isoflavone (từ đậu nành hoặc cỏ ba lá đỏ, thiên ma) hoặc vitamin E để giảm các triệu chứng khó chịu.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!