Nhức mỏi khớp là tình trạng khá hay gặp, có thể xảy ra ở một số vị trí khớp như gối, cột sống cổ, cột sống thắt lưng hay nhức mỏi các xương dài như xương đùi, cẳng chân, cánh tay, cẳng tay, trong đó khớp gối rất phổ biến vì khớp này luôn phải chịu căng để giữ cơ thể đứng vững, xoay và di chuyển.
Thông thường người bệnh cảm thấy nhức mỏi, buồn bực, tê nhức ở khớp nhưng đau có vẻ mơ hồ, không có điểm đau rõ ràng, không có các triệu chứng sưng, nóng, đỏ ở khớp.
Chứng bệnh này hay gặp ở phụ nữ hơn ở nam giới, phụ nữ sau sinh đẻ, đang cho con bú, người già, người mới ốm dậy, những người làm việc văn phòng ít vận động hoặc sau khi vận động nhiều hơn lượng vận động bình thường hàng ngày trước đó.
Tình trạng đau mỏi này có thể liên quan tới nhiều yếu tố như thay đổi nội tiết, thay đổi thời tiết, bệnh loãng xương, thiếu một số chất cần thiết như can xi, vitamin nhóm B... Tuy nhiên, một số ít người có thể ban đầu khởi phát đau mỏi, buồn bực khó chịu, về sau các triệu chứng rõ ràng hơn thành một số bệnh xương khớp thật sự như thoái hóa, loãng xương, viêm xương, viêm khớp hay u xương...
Để điều trị chứng bệnh nhức mỏi khớp BS. Nguyễn Vũ Cẩm Tú– Viện Pháp y Quốc gia cho biết: 'Người bệnh có thể thử điều trị bằng các biện pháp vật lý trị liệu, xoa bóp, chườm mát hay chườm nóng; thay đổi chế độ vận động một cách hợp lý; bổ sung can xi, vitamin.
Có thể dùng các thuốc giảm đau thông thường như bôi tại chỗ thuốc giảm đau như mỡ salisylate, mỡ diclofenac, uống paracetamol 1-2g/ngày hoặc thuốc chống viêm giảm đau như diclofenac, meloxicam... trong 3-5 ngày (chú ý: Dùng thuốc này cần thận trọng với những người mắc bệnh gan, thận, dạ dày...).
Trường hợp không đỡ, người bệnh nên đến khám tại các cơ sở chuyên khoa xương khớp để xác định chẩn đoán và điều trị thích hợp'.
>>Xem thêm: Hỏi đáp về bệnh nhức mỏi khớp
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!