BSCKII Vũ Thị Lừu: Cách điều trị bệnh cước tay chân

Cần biết - 11/24/2024

Cước là một dạng tổn thương da do lạnh, thường xuất hiện ở ngón tay, ngón chân, phổ biến vào mùa đông.

BSCKII Vũ Thị Lừu: Cách điều trị bệnh cước tay chân

Biểu hiện thường thấy của bệnh cước là: tay, chân sưng tấy, ngứa ngáy, da rộp hoặc nứt, đau buốt.

Theo Đông y, nguyên nhân gây bệnh cước là do khí độc ở ngoài xâm nhập vào cơ thể. Các loại khí độc này là hàn (lạnh) và thấp (ẩm ướt) khí.

Bệnh nhân sống ở vùng ẩm ướt, hay tiếp xúc với nước lạnh (đồng ruộng, chế biến thực phẩm đông lạnh mà không dùng găng, ủng), khí hậu lạnh, hay đi chân đất, nằm ngồi hoặc ngủ dưới đất lâu ngày.

Vào mùa mưa hoặc mùa lạnh thì bệnh thường phát nặng hơn. Bệnh gây sưng đau các ngón tay, chân, gót chân; bắp chân đến đầu gối, khớp đau buốt.

Bệnh cước có thể xuất hiện và gây nhiều tác hại đối với sức khỏe nếu như bạn không biết cách phòng chống và điều trị.

Để điều trị bệnh cước, BSCKII. Vũ Thị Lừu - Bệnh viện E khuyên người bệnh nên thực hiện một số phương pháp đơn giản như sau:

- Tập thể dục tại nhà: Đây là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh cước. Nên kiên trì tập luyện, tăng cường khả năng chịu lạnh, sức đề kháng của cơ thể.

- Giữ ấm: Đây là điều kiện tốt nhất giúp chân tay không bị ảnh hưởng bởi khí độc bên ngoài môi trường, không bị không khí lạnh buốt làm tổn thương và gây cước.

- Ngâm chân nước muối ấm: Hàng ngày trước khi đi ngủ, ngâm chân vào nước nóng ấm với muối khoảng 15-30 phút (có thể hòa nước với gừng giã nhỏ rồi ngâm) để giúp máu lưu thông và giảm bớt đi cảm giác buốt và đau đớn ở chân, tay.

- Ngâm chân bằng cây lá lốt nấu lên với một chút muối.

Lưu ý: Hạn chế tối đa việc gãi. Nếu thấy không chịu được, cần đi khám để bác sĩ cho thuốc giảm triệu chứng này. Hạn chế các chất liệu dễ gây kích ứng da như len, bố. Tránh mặc quá chật vì sẽ gây cọ xát, kích thích tại chỗ.

- Uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây và hạn chế chất kích thích (rượu bia, cà phê, thuốc lá).

- Tránh tiếp xúc với các chất tẩy rửa. Nên đeo găng tay khi rửa bát, giặt giũ, lau nhà… Khi tắm và rửa tay, tốt nhất là dùng các sản phẩm được bác sĩ kê đơn. Bác sĩ cũng có thể giới thiệu các loại kem bôi để giữ ẩm, làm mềm da và dịu cơn ngứa.

- Tắm bằng nước ấm để cân bằng nhiệt độ, tăng tuần hoàn cho da.

- Không nên dùng các thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản..

>>Xem thêm: Hỏi đáp về bệnh chân tay lạnh

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!