Các biện pháp điều trị sỏi thận

Bài thuốc dân gian - 05/17/2024

Các loại thuốc nam có tác dụng bào mòn sỏi như kim tiền thảo, hạt chuối hột, dứa... được áp dụng cho bệnh nhân có sỏi nhỏ.

Sỏi thận là một bệnh lí phổ biến. Khoảng 5% phụ nữ và khoảng 10% nam giới sẽ mắc ít nhất trong một giai đoạn trước tuổi 70.

Một người đã từng có sỏi thận thông thường sẽ lại có trong tương lai. Sỏi thận phổ biến ở những trẻ sinh non. Sỏi thận có thể không tạo ra các triệu chứng cho tới khi chúng di chuyển xuống niệu quản, gây đau.

Những chia sẻ của BS Trần Thị Bích Lan, Chuyên khoa Thận - Tiết niệu, Bệnh viện E Trung ương sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh này.

Câu hỏi 1: Thưa bác sĩ! Tôi tên Thanh, năm nay 30 tuổi. Thận trái của tôi có sỏi kích thước 0,7mm và đã uống thuốc 4 năm rồi nhưng không khỏi. Hiện nay thận phải của tôi lại bị sỏi nhỏ khiến tôi rất lo lắng. Vậy, tôi nên chữa trị như thế nào và chữa ở bệnh viện nào là tốt nhất?

Trả lời:

Bạn đã điều trị sỏi thận trái 4 năm nhưng không khỏi. Hiện nay thận phải của bạn lại có thêm sỏi. Như vậy cơ thể bạn đã có rối loạn chuyển hóa, bạn nên đến bệnh viện để được tư vấn cẩn thận, tránh cho quá trình tạo sỏi ngày một nhiều sẽ ảnh hưởng đến chức năng thận.

Điều trị sỏi thận hiện nay đã có rất nhiều các phương pháp:

- Chữa trị theo y học cổ truyền: các thuốc nam có tác dụng bào mòn sỏi như kim tiền thảo, hạt chuối hột, dứa… Được áp dụng cho các trường hợp sỏi nhỏ ở vị trí thuận lợi dễ trôi ra theo nước tiểu khi bệnh nhân đi tiểu.

Ngoài ra cần thay đổi chế độ ăn có nhiều chất canxi như tôm, cua… cần uống nhiều nước để tạo điều kiện thuận lợi cho sỏi trôi ra ngoài, tránh cho cơ thể hình thành các sỏi mới.

- Chữa trị tại bệnh viện có các chuyên khoa thận tiết niệu: Bệnh viện Bạch Mai , Bệnh viện E Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Sài Gòn…Các bác sĩ có chuyên khoa sâu về tiết niệu sẽ khám và tư vấn cho bạn các phương pháp điều trị phù hợp nhất: tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi laser hoặc phải phẫu thuật.

Nếu điều trị sỏi thận giai đoạn sớm chưa có biến chứng nhiễm trùng, suy thận thì rất tốt, không ảnh hưởng tới thận.

Các biện pháp điều trị sỏi thận

Uống nhiều nước rất tốt cho bệnh sỏi thận - Ảnh minh họa

Câu hỏi 2: Thưa bác sĩ, tôi muốn hỏi việc điều trị sỏi thận bằng phương pháp laser có ảnh hưởng tới thận không ạ?

Trả lời:

Hiện nay điều trị sỏi thận bằng phương pháp laser có rất nhiều ưu điểm: sỏi nhanh chóng được lấy ra khỏi cơ thể, ít có biến chứng, thời gian phải nằm viện ngắn, ít phải dùng thuốc hỗ trợ.

Tuy nhiên, quyết định dùng phương pháp laser để tán sỏi thận còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố: Tính chất của sỏi, kích thước của sỏi, vị trí cúa sỏi ở đâu, đã có biến chứng gây ảnh hưởng đến chức năng thận chưa?

- Nếu sỏi nhỏ hơn 2mm, ở vị trí thuận lợi như niệu quản, bàng quang... thì phương pháp điều trị sỏi bằng laser là tốt nhất, không có ảnh hưởng hay biến chứng gì tới thận.

- Nếu sỏi lớn hơn 2mm, ở vị trí không thuận lợi, hoặc đã có những biến chứng nhất định: nhiễm khuẩn, suy thận… thì tán sỏi laser không còn được phát huy tác dụng cao nhất. Lúc đó nên được các bác sĩ tư vấn cho từng trường hợp cụ thể để hạn chế tối đa ảnh hưởng không có lợi cho người bệnh.

Chúc bạn gặp nhiều may mắn!

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!