Chữa sỏi thận bằng cách 'truyền miệng', người đàn ông phải chạy thận suốt phần còn lại
Thận sưng như quả dừa, hút ra hơn lít mủ đặc quánh
Sỏi thận là bệnh lý phổ biến ở Việt Nam với tỷ lệ 2 người/1000 mắc, có thể mắc sỏi hệ tiết niệu, trong đó có sỏi thận, sỏi niệu quản với rất nhiều biến chứng. Đáng ngại là người dân vẫn giữ thói quen tự chữa bệnh bằng cách 'rỉ tai', 'truyền miệng' hoặc tìm đến thầy lang bốc thuốc khiến cho bệnh trở nên trầm trọng.
Chia sẻ với phóng viên, Ths. BS Nguyễn Đình Liên, Trưởng khoa Ngoại Thận-Tiết niệu, Bệnh viện E Hà Nội cho biết, Phổ biến nhất là việc người dân hay uống các loại lá, cây, cỏ theo kinh nghiệm dân gian để tự chữa sỏi thận.
'Nhưng người dân không hiểu được tại sao, có những sỏi sau uống thuốc lá một ngày có thể tiểu ra được nhưng có những loại sỏi uống hàng tấn thuốc cũng không thể ra.
Hay với những loại sỏi dù rất nhỏ nhưng có mảng bám gai xương rồng cắm vào mô của thận, hay niêm mạc của niệu quản thì không bao giờ ra được dù rất nhỏ.
Thậm chí có những sỏi đã can xi hoá không bào mòn được thì sẽ gây hỏng thận một cách rất nhanh chóng', BS. Nguyễn Đình Liên nói.
Trong khi người bệnh sau thời gian uống thuốc lá thấy những cơn đau giảm đi hoặc tiểu được ra sỏi cứ ngỡ là khỏi liền …bỏ qua mà không đi khám. Kết quả là, lâu ngày sỏi nhỏ tích tụ thành sỏi to.
'Về lâu về dài thận sẽ hỏng hẳn. Hoặc một số trường hợp sỏi càng ngày càng to lên gây viêm nhiễm, nhiều trường hợp biến chứng chuyển thành ung thư trên sỏi thận. Đây là những vấn đề mà người dân rất dễ chủ quan', BS Liên cảnh báo.
Trường hợp nam bệnh nhân ở Lào Cai là ví dụ điển hình. Bệnh nhân bị sỏi thận đã lâu nhưng không điều trị. Anh bảo nghe mọi người mách anh chỉ mua lá mã đề, râu ngô sắc uống hàng ngày.
Vốn là người chịu đau tốt nên những cơn đau thoáng qua ở vùng hố chậu anh đều không quan tâm. Gần đây, cơn đau trở nên dữ dội hơn, tiểu ra máu anh mới chịu đến viện.
Tại Bệnh viên E, qua thăm khám các bác sĩ nhận thấy nam bệnh nhân có sỏi san hô kích thước lớn ở hai thận. Hình ảnh siêu âm cho thấy hai thận ứ nước độ 4, ứ mủ.
'Chúng tôi phải tiến hành mổ cấp cứu và thực sự ái ngại khi nhìn thấy hai thận của bệnh nhân to như quả dừa. Chọc dẫn lưu hút ra hơn lít mủ dạng nhầy như thạch, quánh đặc từ thận người bệnh', BS Liên cho biết.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo BS Liên là do bệnh nhân bị sỏi thận lâu ngày tắc nghẽn, lắng đọng. Thận của bệnh nhân đều hỏng gần hết.
'Bệnh nhân bị sỏi cả hai thận nên bắt buộc phải giữ lại. Nếu sau thời gian điều trị mà thận bệnh nhân không hồi phục thì chắc chắn phải chạy thận suốt phần đời còn lại. Ở trường hợp này, khả năng phải chạy thận rất lớn', BS Liên e ngại thông tin.
Nên đi khám sức khoẻ định kỳ
BS Nguyễn Đình Liên giải thích, sỏi thận có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Các nguyên nhân chủ yếu thường liên quan đến thói quen sinh hoạt hàng ngày. Đó có thể là do uống ít nước: Khi lượng nước đưa vào cơ thể không đủ sẽ ảnh hưởng đến tuần hoàn thận. Chức năng lọc giảm, nước tiểu đặc với nồng độ các ion và muối khoáng cao, dễ kết tinh tạo sỏi.
Ngoài ra sỏi thận còn do thói quen ăn mặn, ăn nhiều dầu mỡ cũng gây trở ngại đến tuần hoàn thận. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc sử dụng nhiều thức ăn chứa các gốc muối (điển hình là oxalat trong môn, cải, cần tây, rau muống,…) cũng làm tăng nguy cơ sỏi thận. Nhịn tiểu làm nước tiểu tích tụ đầy bàng quang, bể thận kéo theo tích tụ các chất khoáng. Khi thời gian tích tụ kéo dài sẽ dễ hình thành sỏi.
Người bị sỏi thận thường xuất hiện cơn đau xuất phát từ lưng, vùng mạn sườn dưới sau đó lan xuống vùng chậu, vùng bụng dưới. Đây là triệu chứng xảy ra do sỏi lớn di chuyển và cọ sát làm tổn thương đường tiết niệu.
Bệnh nhân đi tiểu khó, đau buốt khi đi tiểu. Trong khi đi tiểu, sự di chuyển của nước tiểu kéo theo sỏi thận cũng gây đau cho người bệnh.
'Tiểu ra máu là dấu hiệu của tổn thương đường tiết niệu, có thể do sỏi hoặc một số nguyên nhân khác.
Nước tiểu màu bất thường hoặc có lẫn cặn, một số trường hợp sỏi nhỏ hoặc sỏi bị vỡ sẽ được bài xuất qua nước tiểu. Ngoài ra, người mắc sỏi thận cũng có biểu hiện tiểu dắt, tiểu són: thường gặp khi sỏi đã di chuyển xuống niệu quản, bàng quang làm tắc đường dẫn nước tiểu. Bệnh nhân thường đi tiểu nhiều lần với lượng nước tiểu ít', BS Liên nhấn mạnh.
Để phòng trị sỏi thận và có một hệ bài tiết khỏe mạnh, lương y Ngô Đức Phương, Viện trưởng Viện thuốc nam khuyến cáo người dân cần uống đủ nước mỗi ngày. Ở người trưởng thành cần khoảng 2 - 3 lít nước mỗi ngày để có một cơ thể khỏe mạnh. Đặc biệt, người Việt nên bỏ thói quen ăn mặn bằng cách giảm bớt lượng muối và các gia vị trong bữa ăn hàng ngày.
Ngoài ra, BS Nguyễn Đình Liên cũng nhấn mạnh người dân cần đi khám sức khoẻ định kỳ. Do tỷ lệ sỏi thận tăng theo độ tuổi, chế độ ăn không hợp lý hoặc môi trường lao động không hợp lý chính vì vậy cần phải đi khám sức khoẻ định kỳ để phát hiện sớm. Trong trường hợp người dân có biểu hiện đau lưng, đau hố thắt lưng, đau dữ dội kèm đái ra máu…thì phải đi khám tại những bệnh viện có chuyên khoa tiết niệu để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
'Hiện có nhiều phương pháp điều trị ít xâm lấn như: tán sỏi qua da hoặc qua ống mềm, tán sỏi nội soi ngược dòng…', BS Nguyễn Đình Liên thông tin.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!