Các thuốc điều trị viêm họng do nhiễm khuẩn

Cần biết - 11/24/2024

Những ngày cuối năm, thời tiết chuyển mùa với các đợt không khí lạnh tràn về, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của một số bệnh lý như: viêm họng do nhiễm khuẩn, với các triệu chứng sốt, đau ở vùng họng, gây khó khăn khi nuốt hay nói chuyện....

Viêm họng nhiễm khuẩn nếu không được điều trị kịp thời, có thể gây ra các biến chứng nhiễm trùng tai, viêm xoang, sốt thấp khớp (ảnh hưởng đến khớp và van tim), viêm cầu thận!

Viêm họng do nhiễm khuẩn

Viêm họng do nhiễm khuẩn gây ra bởi vi khuẩn streptococcus (liên cầu khuẩn nhóm A). Liên cầu khuẩn nhóm A sau khi xâm nhập vào họng sẽ gây ra nhiễm khuẩn ở amidan hoặc niêm mạc họng, với các biểu hiện đau họng đột ngột, khó nuốt, sốt…

Viêm họng nhiễm khuẩn là một bệnh lý thường gặp (chiếm 5 - 10% người mắc bệnh viêm họng), tuy ít hơn so với viêm họng virút (chiếm 40 - 80%) nhưng thường nghiêm trọng hơn và hay tái phát. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra các biến chứng nhiễm trùng tai, viêm xoang, viêm amidan… và đặc biệt nguy hiểm như sốt thấp khớp (ảnh hưởng đến khớp và van tim), viêm cầu thận.

Các thuốc điều trị viêm họng do nhiễm khuẩn

Viêm họng nhiễm khuẩn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ em và lứa tuổi thanh thiếu niên từ 5 - 15 tuổi. Người có hệ miễn dịch bị suy yếu, cũng thường mắc phải bệnh này.

Nguyên nhân:

Viêm họng nhiễm khuẩn do vi khuẩn streptococcus (liên cầu khuẩn) nhóm A gây ra, với sự lây truyền rất nhanh từ người này sang người khác. Sự lây truyền liên cầu khuẩn có thể xảy ra theo các cách sau:

- Tiếp xúc gần gũi với người bị viêm họng nhiễm khuẩn khi đang ho hay hắt hơi.

- Dùng chung thức ăn hay nước uống với người bị viêm họng nhiễm khuẩn.

- Tay chạm vào các đồ vật có chứa liên cầu khuẩn như tay nắm cửa, bàn… rồi đưa lên mắt, mũi, miệng…

Các thuốc điều trị viêm họng do nhiễm khuẩn

Gây ra bởi vi khuẩn streptococcus

Triệu chứng:

Bệnh thường xuất hiện các triệu chứng:

Đau họng.

Khó nuốt.

Họng và amidan sưng đỏ, đôi khi có những mảng trắng hay vàng ở trên.

Nổi hạch ở cổ.

Sốt.

Nhức đầu.

Buồn nôn…

Các thuốc điều trị viêm họng do nhiễm khuẩn

Nhóm thuốc kháng sinh:thuốc được sử dụng chủ yếu trong điều trị viêm họng nhiễm khuẩn giúp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn và ngăn ngừa các biến chứng. Các thuốc kháng sinh có thể sử dụng ở dạng thuốc viên hay thuốc chích. Sau đây là một số nhóm thuốc kháng sinh thường được sử dụng:

Nhóm thuốc beta-lactamin:Amoxicillin kết hợp với axít clavulanic, cephalexin, ceftriaxone…

Nhóm thuốc macrolid: Clarithromycin, erythromycin, azithromycin…

Nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt(paracetamol, aspirin):được sử dụng để làm giảm các triệu chứng do viêm họng gây ra như sốt, đau họng, khó nuốt.

Nhóm thuốc kháng viêm NSAID(ibuprofene, diclophenac…):được sử dụng để làm giảm các triệu chứng viêm (sưng, nóng, đỏ, đau) do viêm họng gây ra.

Nhóm thuốc kháng viêmcorticosteroid (prednisolon, dexamthason, betamethason…): thường được sử dụng trong điều trị viêm họng nặng.

Dung dịch súc miệng:trong thành phần thường có chứa các chất kháng khuẩn, kháng viêm và chất gây tê cục bộ. Giúp giảm đau và loại bỏ vi khuẩn ra khỏi miệng.

Thuốc viên ngậm trị đau họng:có tác dụng giảm đau và trị nhiễm khuẩn miệng, họng, trong thành phần thường có chứa kháng sinh, kháng khuẩn, kháng viêm và chất gây tê cục bộ.

Cần lưu ý:

Không nên sử dụng thuốc aspirin cho trẻ em vì gây ra hội chứng Reye (một dạng bệnh lý não - gan) rất nguy hiểm!

Không được sử dụng thuốc giảm đau aspirin, nhóm thuốc kháng viêm non-steroid và nhóm thuốc corticosteroid cho người có tiền sử viêm loét dạ dày - tá tràng.

Khi sử dụng các thuốc kháng sinh, người bệnh cần tuân theo đúng thời gian của phác đồ điều trị, tránh tự ý ngừng thuốc vì sẽ gây ra nguy cơ đề kháng kháng sinh.

Việc sử dụng các thuốc trên có thể gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ định điều trị của thầy thuốc, tránh tự ý sử dụng.

Lời khuyên của thầy thuốc:

Phòng ngừa viêm họng do nhiễm khuẩn rất quan trọng:

Tránh tiếp xúc gần gũi với người đang mắc bệnh viêm họng nhiễm khuẩn.

Không dùng chung thức ăn, nước uống với người đang mắc bệnh.

Nên rửa tay thường xuyên khi cầm, nắm đồ vật nghi ngờ bị nhiễm khuẩn.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!