Hội chứng Sjögren là một dạng rối loạn hệ miễn dịch, thường được xác định qua hai triệu chứng chính: khô mắt và khô miệng.
Hội chứng Sjögren thường đi kèm với các rối loạn hệ thống miễn dịch khác, như thấp khớp và bệnh lupus. Khi mắc hội chứng này, màng nhầy và tuyến tiết chất ẩm của mắt và miệng thường bị ảnh hưởng đầu tiên, từ đó dẫn đến sự giảm nước mắt và nước bọt.
Hội chứng Sjögren có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường tập trung vào độ tuổi trên 40 và đặc biệt hay xảy ra ở phụ nữ. Phương pháp điều trị chủ yếu thường tập trung vào việc làm giảm các dấu hiệu của bệnh.
Dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng Sjögren là gì?
Hai dấu hiệu chính của hội chứng Sjögren là:
- Khô mắt. Mắt bạn có thể bị nóng, ngứa cộm – cảm giác như có cát trong mắt;
- Khô miệng. Miệng sẽ có cảm giác như có bông gòn, khó nuốt hoặc khó nói chuyện.
Có thể có các biểu hiện và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các triệu chứng bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc nha sĩ.
Bạn nên làm gì nếu mắc phải hội chứng Sjögren?
Nhiều phương pháp điều trị tại nhà cũng có thể giúp bạn hạn chế các triệu chứng của hội chứng Sjögren, bao gồm:
- Cung cấp thêm nước cho cơ thể. Bạn nên uống nhiều nước, đặc biệt là nước lọc để giảm khô miệng;
- Kích thích tuyến nước bọt. Kẹo cao su không đường hoặc kẹo cứng không đường có thể tăng lưu lượng nước bọt. Thêm nữa, bởi hội chứng Sjögren gây nguy cơ sâu răng cao, vì vậy bạn nên hạn chế đồ ngọt, đặc biệt là giữa các bữa ăn. Nước chanh cũng có thể kích thích tạo nước bọt;
- Dùng nước bọt nhân tạo. Các sản phẩm thay thế nước bọt thường hiệu quả hơn nước lọc vì chúng chứa một chất bôi trơn giúp miệng giữ ẩm lâu hơn. Những sản phẩm này có thể có dạng xịt hay dạng viên ngậm;
- Sử dụng nước muối xịt mũi. Thuốc xịt mũi giúp giữ ẩm và thông khí quản, giúp bạn thở dễ dàng hơn. Bởi mũi khô hoặc nghẹt có thể dẫn đến việc phải thở qua miệng, từ đó gây khô miệng.
Khi nào bạn cần gặp nha sĩ?
Hội chứng Sjögren có thể khó chẩn đoán, bởi vì nó có các triệu chứng tương tự như nhiều bệnh khác và không có xét nghiệm nào dành riêng cho tình trạng này. Bạn nên gặp bác sĩ hoặc nha sĩ nếu bạn nghĩ rằng mình mắc hội chứng Sjögren.
Làm thế nào để phòng ngừa chứng khô miệng do hội chứng Sjögren?
Nếu mắc phải hội chứng Sjögren, bạn có thể bị khô miệng, từ đó gây nguy cơ sâu răng và rụng răng. Tuy chưa có phương pháp cụ thể để ngăn ngừa hội chứng Sjögren, những cách sau đây có thể giúp bạn phần nào giảm khả năng mắc bệnh:
- Chải răng và dùng chỉ nha khoa sau mỗi bữa ăn;
- Khám răng định kỳ ít nhất 6 tháng/lần;
- Sử dụng thuốc điều trị có chứa flo và nước súc miệng kháng khuẩn;
- Tránh một số loại thuốc nhất định, tránh uống nhiều cà phê và rượu.
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay đề nghị nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để được có giải đáp tốt nhất.
Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!