Chảy máu nướu - Ngăn chặn cách nào?

Cần biết - 11/24/2024

Hầu hết các trường hợp chảy máu nướu có thể tự điều trị tại nhà. Vệ sinh răng miệng tốt và các biện pháp tự nhiên có thể điều trị và ngăn ngừa chảy máu nướu.

Chảy máu nướu là chuyện khá phổ biến và thường không nghiêm trọng. Có thể bị chảy máu nướu sau khi đánh răng hoặc xỉa răng. Lý do phổ biến nhất khiến nướu bị chảy máu là do mảng bám hoặc cao răng tích tụ. Những chất này cho phép vi khuẩn phát triển dọc theo đường nướu. Vệ sinh răng miệng tốt có thể ngăn ngừa sự nhạy cảm và chảy máu.

Nguyên nhân phổ biến của nướu nhạy cảm hoặc chảy máu bao gồm: Không đánh răng thường xuyên; Sử dụng bàn chải đánh răng quá cứng, bàn chải đánh răng bị mòn không còn hiệu quả; Sử dụng chỉ nha khoa không đúng cách; Dùng một số loại thuốc, chẳng hạn như aspirin, thuốc làm loãng máu hoặc ibuprofen; Bị viêm nướu, hoặc bệnh nướu giai đoạn đầu.

Hãy thử các biện pháp sau đây để xử lý nướu chảy máu và ngăn chảy máu trở lại:

Sử dụng gạc: Giống như khi chảy máu ở bất cứ nơi nào khác trên cơ thể, có thể cầm máu bằng cách đặt một miếng gạc sạch vào khu vực bị tổn thương. Nhẹ nhàng ấn miếng gạc vào vị trí cho đến khi máu ngừng chảy. Những người có hệ miễn dịch suy yếu hoặc mắc một bệnh nào khác có thể lâu cầm máu. Nên xin tư vấn nha sĩ về cách tốt nhất để ngăn máu tiếp tục chảy.

Sử dụng nước đá: Giữ một miếng gạc lạnh, đặt một túi nước đá nhỏ hoặc ngậm một viên đá sẽ giúp chống sưng nướu, chảy máu. Nước đá đặc biệt hữu ích để làm dịu vết thương nhỏ ở miệng gây sưng, chẳng hạn như vết cắn và vết trợt xước. Chúng cũng có thể giúp giảm đau và sưng do viêm nướu. Chỉ sử dụng nước đá trong 10 phút, mỗi đợt cách nhau 10 phút.

Sử dụng nước súc miệng: Nước súc miệng kháng khuẩn có thể vừa điều trị vừa ngăn ngừa chảy máu nướu răng. Chúng tiêu diệt vi khuẩn, giảm viêm, làm dịu đau, sưng và chảy máu nướu. Nước súc miệng cũng có thể điều trị và ngăn ngừa viêm nướu, là nguyên nhân phổ biến gây chảy máu nướu răng.

Sử dụng nước muối ấm: Súc miệng bằng nước muối có thể giúp giảm vi khuẩn và nhanh lành vết tổn thương. Có thể tự pha nước muối loãng để súc miệng hoặc ngậm trong một thời gian nhất định.

Sử dụng bàn chải đánh răng phù hợp: Nếu bạn có nướu nhạy cảm dễ chảy máu, cần chọn kỹ bàn chải đánh răng loại mềm hoặc có ký hiệu dùng cho răng nướu nhạy cảm. Nên sử dụng bàn chải đánh răng có lông mềm trong 2 phút, 2 lần một ngày. Thay bàn chải đánh răng cứ sau 3 đến 4 tháng, hoặc sớm hơn nếu lông bàn chải bị sờn.

Dùng chỉ nha khoa mỗi ngày, nhưng hãy nhẹ nhàng:Thói quen xỉa răng có thể gây chảy máu nướu. Tuy nhiên, sau vài ngày chuyển sang dùng chỉ nha khoa, việc chảy máu sẽ chấm dứt. Dùng chỉ nha khoa giúp cải thiện sức khỏe nướu nói chung và giảm chảy máu nướu về lâu dài.

Tránh hút thuốc: Hút thuốc là một nguyên nhân chính của bệnh nướu răng. Hút thuốc gây hại cho hệ miễn dịch của cơ thể, khiến cơ thể ít có khả năng chống lại vi khuẩn tự nhiên bám vào nướu. Một khi nướu bị tổn thương, hút thuốc làm cho cơ thể khó chữa lành các mô của nó. Bỏ hút thuốc có lợi cho sức khỏe toàn bộ cơ thể và làm tăng đáng kể sức khỏe của miệng và nướu.

Tránh thực phẩm chế biến và đường: Ăn tinh bột, thực phẩm chế biến quá thường xuyên có thể gây viêm nướu và chảy máu nướu. Thực phẩm giàu tinh bột có thể dính vào răng và nướu và phân hủy thành đường. Tình trạng này có thể dẫn đến viêm nướu, chảy máu và tăng nguy cơ sâu răng.

Ăn rau giòn:Các loại rau giòn, chẳng hạn như cần tây và cà rốt, có thể giúp giữ sạch răng trong các bữa ăn. Chúng có thể giúp loại bỏ dư lượng thực phẩm trên răng. Ngoài ra, chúng có chứa lượng đường và carbs thấp, vì vậy không gây nguy cơ sâu răng hoặc các vấn đề về nướu.

Ăn nhiều rau xanh:Các loại rau lá xanh, như cải xoăn, rau diếp và rau bina... rất giàu chất dinh dưỡng khác nhau, bao gồm vitamin K. Thiếu vitamin K có thể ảnh hưởng đến việc đôngmáu, vì vậy người thiếu vitamin K có thể chảy máu nướu nhiều hơn bình thường. Tuy nhiên, những người dễ bị cục máu đông nên hỏi bác sĩ về lượng vitamin K bổ sung.

Chảy máu nướu - Ngăn chặn cách nào?

Dùng chỉ nha khoa.

Điều trị và phòng ngừa lâu dài

Cách tốt nhất để tránh chảy máu nướu là áp dụng lối sống lành mạnh, ngăn ngừa các bệnh gây chảy máu nướu răng. Để tránh và ngăn ngừa chảy máu nướu răng và các vấn đề khác về nướu bằng cách:

Thực hành chăm sóc sức khỏe răng miệng tốt, bao gồm đánh răng hai lần một ngày và dùng chỉ nha khoa mỗi ngày một lần.

Thay bàn chải đánh răng cứ sau 3 đến 4 tháng.

Gặp nha sĩ thường xuyên để kiểm tra răng nướu, đặt lịch hẹn làm sạch và loại bỏ cao răng.

Gặp bác sĩ để kiểm tra các vấn đề sức khỏe có thể góp phần gây ra các vấn đề về nướu, chẳng hạn như bệnh tiểu đường.

Tránh hút thuốc hoặc tìm cách bỏ thuốc lá.

Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm nhiều trái cây và rau quả tươi, hạn chế thực phẩm chế biến và thực phẩm có nhiều đường.

Nên đến khám nha sĩ nếu nhận thấy những thay đổi ở nướu, răng hoặc miệng. Nếu tình trạng đau, sưng hoặc chảy máu nướu răng phát sinh thường xuyên hoặc không biến mất với các thực hành vệ sinh răng miệng tốt, cần đến nha sĩ để kiểm tra bệnh nướu ở giai đoạn đầu và các vấn đề khác.

Thiếu hụt vitamin như vitamin C hoặc K, mang thai và một số bệnh khác cũng có thể góp phần gây chảy máu nướu răng. Nên đi khám bác sĩ hoặc nha sĩ nếu chảy máu không hết sau khi cố gắng điều trị triệu chứng này tại nhà.

Thăm khám thường xuyên có thể ngăn chặn bệnh nướu giai đoạn đầu trở nên nghiêm trọng hơn. Bệnh nướu răng không được điều trị dứt điểm có thể dẫn đến nhiễm trùng và mất răng. Khám nha khoa là cách chăm sóc sức khỏe răng miệng và phát hiện ra những vấn đề lớn nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như ung thư.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!