Cẩn thận khi bị sảy thai liên tiếp

Sức khỏe sinh sản - 05/03/2024

Sảy thai liên tiếp có rất nhiều nguyên nhân như: do bất thường nhiễm sắc thể của thai, do bất thường giải phẫu của tử cung...

Sảy thai liên tiếp có rất nhiều nguyên nhân, thường gặp nhất là do bất thường nhiễm sắc thể của thai, do bất thường giải phẫu của tử cung (như hở eo tử cung, u xơ tử cung), do nội tiết của người mẹ yếu, do bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con, do những dị dạng của tinh trùng… Tuy nhiên, có đến 60% số trường hợp sảy thai liên tiếp là không rõ nguyên nhân. Để giúp các chị em có những kiến thức cần thiết về bệnh sảy thai liên tiếp, BS. Nguyễn Vũ Cẩm Tú - Viện Pháp y quốc gia sẽ giải đáp thắc mắc xung quanh vấn đề này.

Câu hỏi:Thưa bác sĩ, em năm nay 19 tuổi và đã bị sảy thai 2 lần liên tiếp, lần đầu được 2 tháng thì bị lưu thai. Nhưng bác sĩ chỉ cho em uống thuốc để thai ra mà không phải hút thai hay nạo gì cả. Sau đó 1 tháng, em có lại, khi thai được 1 tháng tuổi, em lại bị ra máu nhiều như trong ngày hành kinh, đi khám thì bác sĩ kết luận là bị sảy.

Đến lần này, sau hơn 5 tháng em mới có tiếp, giờ thai đã được 3 tháng. Nhưng 3 ngày nay em hay bị đau bụng lâm râm, chóng mặt và đau lưng. Nhiều người bảo em coi chừng bị mở tử cung do 2 lần sảy thai trước.

Em chưa dám đi khám lại, tại trong vòng 3 tháng em đã đi khám 5 lần mà kết quả là thai khoẻ. Vậy xin bác sĩ tư vấn giúp, em cảm ơn ạ!

Trường hợp như vậy có thể xếp vào nhóm bệnh sảy thai liên tiếp. Sảy thai liên tiếp là tình trạng sảy thai nhiều lần khi thai dưới 3 tháng tuổi. Nếu thai phụ chưa sinh con lần nào thì tình trạng này sẽ xếp vào nhóm sảy thai liên tiếp nguyên phát.

Muốn có phương pháp điều trị hiệu quả phải tìm rõ nguyên nhân gây sảy thai và điều trị theo nguyên nhân đó. Vì thai đã được 3 tháng mà xuất hiện triệu chứng đau bụng lâm râm, đau lưng thì thai phụ cần nghĩ đến những dấu hiệu của dọa sảy thai và phải đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa sản để được kiểm tra và điều trị thích hợp.

Cẩn thận khi bị sảy thai liên tiếp

Ảnh minh họa

Về lâu dài, thai phụ nên đến những cơ sở y tế có chuyên khoa sản tin cậy, đầy đủ các trang thiết bị để được thăm khám tìm nguyên nhân chính xác và chọn được phương pháp chữa trị hợp lý.

Tại đó các bác sĩ sẽ khám lâm sàng toàn thân để loại trừ các bệnh như các bệnh tim mạch, phổi, các bệnh nội tiết và chuyển hóa (đái tháo đường, cường hoặc thiểu năng tuyến giáp, thượng thận. Khám phụ khoa để loại trừ những bất thường của cổ tử cung, tử cung, hai phần phụ.

Ngoài ra, cả vợ và chồng nên làm các xét nghiệm cận lâm sàng như: xét nghiệm VDRL, HBsAg, HIV, nhóm máu, yếu tố RH, nhiễm sắc đồ; đặc biệt, làm thêm những xét nghiệm riêng cho vợ và chồng.

Xét nghiệm cho chồng cần phải làm tinh dịch đồ, chú ý các hình thái bất thường của tinh trùng. Còn các xét nghiệm cho vợ, đó là sinh thiết nội mạc tử cung, chụp tử cung vòi trứng để phát hiện các bất thường ở tử cung; siêu âm phát hiện bất thường ở tử cung, phần phụ, đồng thời xét nghiệm miễn dịch, định lượng hoóc-môn.

Trong sảy thai liên tiếp, việc tìm nguyên nhân là rất quan trọng và cần thiết nhưng rất khó khăn. Do đó thai phụ cần kiên trì và làm theo chỉ định của bác sĩ.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!