Chuẩn bị đón Tết, nhu cầu làm đẹp của phụ nữ gia tăng. Nhiều người tìm kiếm cơ hội làm đẹp cấp tốc, phẫu thuật thẩm mỹ để có diện mạo đẹp hơn trong năm mới. Tuy nhiên, không ít người bị rơi vào tình cảnh “tiền mất, tật mang”.
Những hậu quả nặng nề
Những ngày gần đây, Bệnh viện Trưng Vương TP.Hồ Chí Minh liên tục tiếp nhận, cấp cứu nhiều trường hợp bị biến dạng mắt, mũi, mặt vì nhấn mí, tạo má lúm đồng tiền, nâng mũi. Theo BS Phạm Trịnh Quốc Khanh, Trưởng khoa Bỏng -Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương, điểm chung của các trường hợp này là làm đẹp tại các spa, tiệm uốn tóc và những cơ sở không đủ điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực và hoàn toàn không phép.
Điển hình, ngày 16/1, BV Thẩm mỹ JW Hàn Quốc TP HCM vừa cứu chữa một trường hợp bị dị ứng hy hữu, hoại tử sau phẫu thuật thẩm mỹ. Bệnh nhân là chị Nguyễn Thị N. (27 tuổi, ngụ TP HCM) nhập viện trong tình trạng đầu mũi có dấu hiệu sắp thủng, xuất hiện đốm lõm màu xanh, suýt tắc đường thở.
TS-BS Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc BV cho biết: BS phẫu thuật, phát hiện rất nhiều sợi chỉ được đưa chằng chịt vào mũi bệnh nhân. Sau khi rút toàn bộ chỉ ra ngoài, bệnh nhân được tạo hình đầu mũi bằng sụn tự thân để cải thiện dáng mũi.
Cô gái này cho biết, trước đó 4 tháng đã nâng mũi bằng chỉ tại một spa trên địa bàn thành phố. Theo BS Dung, đây là trường hợp nâng mũi bằng chỉ, đây không phải là phương pháp chính thống trong thủ thuật thẩm mỹ mũi, khiến nhiều người nhiễm trùng, biến chứng... Các sợi chỉ không thể tạo được dáng mũi như ý muốn. Nâng mũi bằng chỉ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây nhiễm trùng, có thể chạm vào mạch máu, khi biến chứng khó xử lý hậu quả.
“Điều đáng nói, do ham giá rẻ nên nhiều người thường tìm đến các cơ sở nhỏ lẻ để thực hiện nhưng họ không lường được rằng chi phí điều trị biến chứng cao hơn gấp nhiều lần, như trường hợp cô gái nâng mũi bằng chỉ ở trên đã phải tốn gần 50 triệu đồng để điều trị biến chứng, gấp ba lần chi phí nâng mũi trước đó”, bác sỹ Nguyễn Phan Tú Dung khuyến cáo.
Tiếp đến, ngày 25/1, chị T.T.M.H. (25 tuổi) đến Bệnh viện Trưng Vương trong tình trạng mũi bị biến dạng, sưng tấy, chảy dịch màu xanh. Chị H. cho biết đã nâng mũi bằng silicon ở một spa với giá vài triệu đồng.
Trước đó, một trường hợp khác là chị N.H.T. (35 tuổi) bị sưng một bên má sau khi tạo má lúm đồng tiền tại một spa. Các BS đã phát hiện một ổ áp xe lớn trong má của bệnh nhân và phải phẫu thuật cắt bỏ. Sau phẫu thuật, má bệnh nhân bị lõm vào và trở nên dị dạng.
“Rất may là bệnh nhân này chỉ bị lõm má bởi tạo má lúm đồng tiền thường ảnh hưởng đến ống tuyến nước bọt, nếu người thực hiện không nắm rõ nguyên lý phẫu thuật có thể làm tắc hoặc rò rỉ ống tuyến nước bọt của bệnh nhân”, bác sỹ Khanh cho hay.
Cũng theo bác sỹ Phạm Trịnh Quốc Khanh, thời điểm cận Tết, khi nhu cầu làm đẹp của phụ nữ tăng lên cũng là lúc khoa tiếp nhận nhiều trường hợp biến chứng của thẩm mỹ. Trung bình mỗi tuần có 1-2 ca, nhẹ là sưng đỏ, nhiễm trùng, nặng thì hoại tử không thể phục hồi.
Một cô gái 22 tuổi ở tỉnh Đồng Nai, đến một spa làm thủ thuật nhấn mí với mong muốn mắt to, sâu và đẹp hơn. Hai ngày sau khi thực hiện thủ thuật, cô đau và ngứa quanh vùng mí mắt phải. Đến ngày thứ ba, vết thương mưng mủ, chảy dịch và ghèn, nhìn mờ và đau nhiều đến nỗi không thể nhắm mắt được. Cô gái trở lại cơ sở làm đẹp để yêu cầu khắc phục nhưng bị từ chối.
Mí mắt ngày càng sụp, nhìn mờ hơn, cô đến Bệnh viện Mắt TP HCM khám thì tá hỏa khi BS chẩn đoán cô bị viêm kết mạc, nhiễm trùng, liệt cơ mí vĩnh viễn, chỉ định phẫu thuật rút chỉ, nạo sạch mủ và vệ sinh vết thương. Tuy nhiên bác sĩ tiên lượng khả năng phục hồi cơ mí rất khó bởi cơ đã bị tổn thương và hình thành sẹo lồi.
Cuối năm 2017 cũng đã có một cô gái ở TP HCM đã khởi kiện một spa vì đã gặp biến chứng khi tiêm chất làm đầy (filler) để nâng mũi. Sự cố từ một năm trước khiến cô bị mù mắt và liệt nửa người. Điều cô gái lo lắng nhất là vùng mỡ và da xung quanh mắt tụt dần, chảy xệ do khu vực này bị mất đi các mạch máu nuôi dưỡng. Cô gái này cho biết người làm thủ thuật tiêm filler dùng một cây kim đâm vào sống mũi của cô mà không bôi thuốc tê hay dùng biện pháp gây vô cảm nào. Khi cô ngất xỉu, mọi người ở spa đưa đi cấp cứu ở bệnh viện quận.
Chẩn đoán bệnh nhân bị đột quỵ não gây mù mắt và xuất huyết động mạch ở bán cầu não trái gây liệt nửa người bên phải, các bác sĩ BV Quận 6 chuyển lên bệnh viện tuyến trên điều trị. Sau đó cô gái được chuyển đến nhiều bệnh viện lớn như Đại học Y Dược TP HCM, 115, các BS đều kết luận bệnh nhân bị xuất huyết não, tắc động mạch mắt trái và hư hoại dây thần kinh đáy mắt nên mất hẳn thị lực. Nguyên nhân là bệnh nhân bị tiêm filler vào động mạch ở mũi, chất lỏng theo máu chảy đến mắt và lên não gây tắc động mạch ở các vùng này...
Đừng để tiền mất, tật mang chỉ để làm đẹp
Theo BS Phạm Trịnh Quốc Khanh, Khoa Bỏng -Tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Trưng Vương thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân bị biến chứng sau khi làm đẹp ở các cơ sở thẩm mỹ chui, các tiệm uốn tóc... và đã cảnh báo nhiều lần nhưng vẫn có nhiều người không sợ, trong đó có cả những người có trình độ học vấn cao.
“Thậm chí bệnh nhân còn giấu giếm, không cho biết mình đã làm ở cơ sở nào nên chúng tôi không thể gửi phản hồi, cảnh báo cho các cơ quan quản lý”, BS Khanh cho hay.
Theo bác sỹ Khanh, đa phần các spa, thẩm mỹ viện, tiệm uốn tóc thường cử người đi học các khóa tạo lúm đồng tiền, nhấn mí, nâng mũi ngắn hạn chừng 3-4 tháng theo kiểu nghề dạy nghề, sau đó về thực hiện cho khách. Những nơi nhận đào tạo cũng không quan tâm trình độ học vấn của học viên. Trong khi đó, các thủ thuật nâng mũi, tạo má lúm đồng tiền, nhấn mí đều là những thủ thuật có xâm lấn, phải được các bác sỹ chuyên khoa được cấp chứng chỉ hành nghề thực hiện.
Về vấn đề này, BS Nguyễn Phan Tú Dung cho rằng đang có sự nhầm lẫn giữa các thẩm mỹ viện và các bệnh viện, phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ. Theo quy định, thẩm mỹ viện chỉ được phép chăm sóc bên ngoài da, chăm sóc da thư giãn, không được làm các thủ thuật, phẫu thuật xâm lấn, gây chảy máu như xăm mắt, xăm môi, xăm lông mày...
Phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ do Sở Y tế cấp phép chỉ được làm các tiểu phẫu cắt mí mắt, nâng mũi, làm cằm chẻ, làm lúm đồng tiền... không được làm các phẫu thuật lớn như căng da mặt, hút mỡ, nâng ngực. Riêng đối với những phẫu thuật thẩm mỹ có gây mê đều bắt buộc phải thực hiện ở các bệnh viện và chỉ được làm những kỹ thuật trong danh mục cho phép.
Thời gian qua, dù đã có không ít khách hàng gặp phải biến chứng, thậm chí bị thương tật suốt đời do đến với những dịch vụ làm đẹp thiếu chuyên nghiệp, hoạt động không có giấy phép, song những lời quảng cáo hấp dẫn vẫn thu hút được nhiều người.
Chính vì vậy, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có biện pháp quản lý một cách hiệu quả các dịch vụ làm đẹp. Các BS cũng khuyến cáo khi có nhu cầu làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin và đến các cơ sở thẩm mỹ có uy tín, có giấy phép của cơ quan chức năng để tránh tình trạng “tiền mất tật mang”.
Theo Đại Đoàn Kết
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!