Cẩn trọng khi sử dụng thuốc chữa trị các bệnh về mắt

Cần biết - 11/24/2024

Các thuốc dùng trong nhãn khoa được bào chế dưới dạng nước, mỡ, dịch treo gồm corticoid đơn lẻ hoặc phối hợp với kháng sinh hoặc phối hợp với sulfamid.

Một số trường hợp có thể được điều trị với các chế phẩm thuốc thông thường hoặc tự khỏi nhưng phần lớn các tổn thương đòi hỏi sự điều trị tích cực, thường xuyên, phối hợp thuốc bằng nhiều đường với sự hiểu biết thấu đáo về tác dụng của các thuốc.

Trong điều trị những bệnh ở mắt chủ yếu là điều trị tại chỗ. Tùy từng bệnh và trường hợp cụ thể mà bác sĩ có thể cho thuốc điều trị toàn thân. Các thuốc sử dụng tại chỗ tác dụng trực tiếp đến tế bào và mô bị tổn thương có nhiều nồng độ và ở nhiều dạng bào chế khác nhau: Dung dịch, dịch treo, màng thuốc, thuốc mỡ, tiêm dưới kết mạc…

Các thuốc thường dùng trong khoa mắt

Các chế phẩm kháng sinh: Trong các tổn thương tại mắt, bệnh viêm nhiễm xảy ra phổ biến. Tổn thương phần lớn là các nhiễm trùng trực tiếp và một phần nhỏ là các quá trình viêm không do nhiễm trùng trực tiếp mà do các cơ chế miễn dịch - dị ứng, sau đó bội nhiễm. Do đó kháng sinh là thuốc được sử dụng phổ biến trong nhãn khoa.

Các kháng sinh diệt khuẩn hiện được sử dụng cả đường uống và đường tiêm như nhóm penicillin, cephalosporin, aminozid. Kháng sinh diệt khuẩn chỉ dùng tại chỗ (tra và nhỏ mắt) là bacitracin, neomycin, polymycin B.

Các kháng sinh kìm khuẩn hiện được sử dụng bao gồm tetracyclin, cloramphenicol, erythromycin, các sulfonamid… được dùng trong nhãn khoa theo cả hai đường - tại chỗ và toàn thân.

Cẩn trọng khi sử dụng thuốc chữa trị các bệnh về mắt

Cách nhỏ thuốc nước.

Việc sử dụng kháng sinh tại mắt cũng có thể gặp những bất lợi như: Mẫn cảm với thuốc, tổn hại do độc tính của thuốc, kháng thuốc và thay đổi cân bằng vi sinh vật tại mắt. Sự thay đổi vi khuẩn chí ở kết mạc thường xảy ra sau khi sử dụng kháng sinh tra mắt kéo dài làm tăng sinh nấm ở túi kết mạc.

Các kháng sinh thường dùng trong nhãn khoa như: Gentamycin (dạng nước, mỡ), tobramycin (nước, mỡ), các cephalosporin (tiêm, uống)... Một số chế phẩm dạng phối hợp kháng sinh như neomycin + polymycin B + bacitracin (mỡ), polymycin + neomycin (nước, mỡ)…

Các chế phẩm kháng virus: Nhiễm virus mắt cũng là tổn thương thường gặp. Tùy theo từng trường hợp mà virus có thể gây tổn thương từ các tổ chức phần trước nhãn cầu (kết - giác mạc, màng bồ đào) đến các tổ chức phần sau (màng bồ đào sau, võng mạc).

Có nhiều loại virus gây bệnh trên mắt nhưng thường gặp là Herpes simplex (gây viêm loét giác mạc tái phát hoặc nặng hơn có thể gây viêm phần trước nhãn cầu), Adenovirus (gây viêm kết mạc thành dịch), Herpes zoster (còn gọi là bệnh zona). Việc điều trị tổn thương do virus khá khó khăn do bệnh thường xuyên tái phát và việc dùng kháng sinh chỉ có tác dụng phòng bội nhiễm vi khuẩn mà không chống được virus.

Một số chế phẩm thường dùng như idoxuridin (IDU) dạng nước, mỡ; vidarabin (Ara A) dạng mỡ; acyclovir dạng mỡ; trifluorothymidin (TFT) dạng nước.

Cần lưu ý, trong các loại thuốc trên IDU, Ara A và TFT có thể gây độc cho phần trước của mắt nếu dùng kéo dài.Các tổn thương độc tính của thuốc khi dùng kéo dài là viêm kết mạc có hột, phù kết mạc nhãn cầu, co chít điểm lệ hoặc lệ quản, viêm giác mạc chấm nông biểu mô, giảm chế tiết nước mắt. Acylovir ít gây độc cho tế bào chủ hơn các loại trên vì cơ chế trực tiếp chống sự sao chép của AND virus.

Các thuốc chống nấm: Nấm là nguyên nhân đứng hàng thứ hai sau vi khuẩn gây tổn thương trên giác mạc. Những năm gần đây do việc sử dụng một cách bừa bãi thuốc kháng sinh và nhất là corticoid nên số lượng bệnh nhân nhiễm nấm giác mạc gia tăng và mức độ tổn thương trầm trọng hơn.

Nấm thường phát triển và gây tổn thương trên giác mạc khi biểu mô giác mạc bị phá vỡ ở một vị trí nào đó do chấn thương (lá lúa, que, cọng rơm) hoặc bệnh lý khác. Các tổn thương nguyên phát do nấm thường là ổ loét phát triển chậm, ít kích thích. Quá trình viêm nhiễm chỉ bùng lên dữ dội sau khi điều trị tích cực với kháng sinh mạnh và corticoid. Tổn thương sẽ lan rộng và vào sâu trong bề dày giác mạc tạo ổ apxe và mủ tiền phòng. Nếu không được điều trị kịp thời và tích cực, nấm sẽ lan vào sâu gây nhiễm nấm toàn nhãn, hoại tử các tổ chức nội nhãn và gây mù vĩnh viễn.

Một số chế phẩm kháng nấm như natamycin (dịch treo), ketoconazol (dung dịch, viên nén), miconazol (dung dịch, viên nén)…

Có nhiều loại nấm gây bệnh trên giác mạc như Aspergillus, Fusarium, nấm sợi… tuy nhiên chỉ có một số ít thuốc chống nấm có tác dụng trên các chủng nấm này. Vì thế, cần tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh là loại nấm nào để chọn thuốc điều trị cho phù hợp.

Thuốc chống viêm corticoid: Corticoid là loại thuốc được sử dụng phổ biến điều trị bệnh về mắt. Tuy nhiên mặt trái của thuốc này là gây nhiều tác dụng phụ nguy hiểm cho toàn thân cũng như tại mắt, thậm chí dẫn đến mù lòa do dùng không đúng chỉ định hoặc thiếu thận trọng. Tai biến tại mắt thường gặp nhất là giảm sức đề kháng của mắt với nhiễm trùng nên dễ mắc bệnh, nhất là nhiễm nấm, nhiễm virus, chậm liền vết thương, đục thủy tinh thể.

Đặc biệt khi tra, nhỏ corticoid kéo dài sẽ gây tăng nhãn áp (glôcôm do corticoid), một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa. Mức độ tăng nhãn áp khác nhau tùy từng sản phẩm corticoid, ví dụ dexamethason hoặc betamethason gây tăng nhãn áp nhiều hơn các loại khác.

Cẩn trọng khi sử dụng thuốc chữa trị các bệnh về mắt

Cách tra thuốc mỡ.

Các thuốc dùng trong nhãn khoa được bào chế dưới dạng nước, mỡ, dịch treo gồm corticoid đơn lẻ hoặc phối hợp với kháng sinh hoặc phối hợp với sulfamid.

Một số corticoid thường dùng như: Prednisolon (dạng dung dịch, dịch treo), dexamethason (dịch treo, dung dịch, mỡ), hydrocortison (mỡ) hoặc corticoid phối hợp như: Prednisolon acetat + atropin sulfat (dung dịch), hydrocortison + cloromycetin (dung dịch)…

Các thuốc kháng viêm không steroid: Đây là một trong hai nhóm chống viêm, trước đây thường được dùng trong những trường hợp viêm nhẹ của màng bồ đào hoặc viêm thượng củng mạc. Ngày nay các thuốc này được sử dụng phổ biến hơn trong các viêm nhiễm phần trước nhãn cầu có xuất tiết nhiều, nhất là từ khi phát hiện ra cơ chế tăng tiết prostaglandin tại mô viêm, các chế phẩm chống viêm không steroid càng được sử dụng nhiều nhằm ức chế sự tiết prostaglandin trong mô bị viêm nhất là sau phẫu thuật. Một số thuốc như indomethacin (dung dịch tra 1%), diclofenac (dung dịch 1%)…

Sử dụng thuốc nhỏ mắt đúng cách

Dùng thuốc đúng cách là làm cho thuốc lọt vào khe mắt một lượng vừa đủ không bị vương vãi ra bên ngoài, nhằm đạt hiệu quả tránh lãng phí.

Cách nhỏ thuốc nước:

Bước 1: Lau mắt bằng bông ẩm thật sạch hết bụi bẩn hoặc dử mắt.

Bước 2: Nhỏ 1-2 giọt thuốc nước vào góc trong của mắt, rồi dùng tay kéo mi xuống một chút cho thuốc chan hòa đều khắp mắt. Lưu ý, sau khi nhỏ xong mới được kéo mi dưới xuống, tránh vừa nhỏ vừa kéo nhé.

Bước 3: Dùng bông khô lau các giọt thuốc thừa chảy ra ngoài cạnh gốc sống mũi và hai bên mi.

Liều lượng: Sử dụng theo chỉ định của bác sĩ.

Cách tra thuốc mỡ:

Mục đích chính của mỡ tá dược trong nhãn khoa là kéo dài thời gian tác dụng của thuốc trên bề mặt nhãn cầu.

Bước 1: Người bệnh nên nằm hoặc có thể ngả đầu trên lưng chiếc ghế có điểm tựa.

Bước 2: Tiến hành mở khe mắt bằng ngón trỏ và ngón cái của bàn tay trái. Dùng ngón trỏ mở mi trên, ngón cái kéo mi dưới để lộ hoàn toàn kết mạc ở mi dưới màu đỏ ra.

Bước 3: Bóp 1 thỏi thuốc mỡ vào mi dưới khoảng 1-1,5 cm. Giữ chắc mi trên không cho mắt nhắm vội, vì nếu để mi trên chớp trước thuốc mỡ sẽ bị dính ra bên ngoài, không ngấm vào bên trong mắt.

Loại bỏ thuốc mỡ quá mức xung quanh mắt hoặc đầu ống thuốc mỡ bằng khăn giấy vô khuẩn. Nếu sử dụng hơn một loại thuốc mỡ, chờ khoảng 10 phút trước khi dùng loại thứ hai.

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc nhỏ mắt: Rửa tay sạch sẽ trước khi tra, nhỏ thuốc; không để lọ thuốc chạm vào mắt trong khi tra, nhỏ; khi phải dùng cả thuốc nước và thuốc mỡ thì dùng thuốc nước trước khi dùng thuốc mỡ vì thuốc mỡ làm giảm sự hấp thu thuốc nước; không nên nhỏ nhiều giọt cùng một lúc mà chỉ nên nhỏ một giọt mỗi lần. Nhỏ nhiều thuốc chỉ khiến lượng thuốc tràn ra ngoài dễ dàng và gây lãng phí; sau khi nhỏ thuốc, không nên chớp mắt ngay và chớp liên tục bởi sẽ làm thuốc tràn ra khỏi mắt; khi đã mở lọ thuốc ra, chỉ nên dùng trong vòng 15 ngày kể từ khi mở vì quá thời gian này, có thể thuốc không còn đạt độ vô khuẩn.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!