Ước tính có 20% đến 40% nữ giới trong độ tuổi 15 đến 44 tuổi nói rằng họ từng thụt rửa âm đạo. Nhiều người cho biết việc vệ sinh âm đạo bằng cách thụt rửa làm cho bản thân họ cảm thấy sạch sẽ hơn, ngoài ra giúp loại bỏ đi mùi hôi khó chịu, rửa sạch máu kinh nguyệt sau chu kỳ, tránh nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục và ngăn ngừa mang thai sau khi giao hợp. Tuy nhiên, các bác sĩ lại khuyến cáo rằng thụt rửa âm đạo thực chất không hề có tác dụng như trên mà có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, biến chứng khi mang thai và các vấn đề sức khỏe khác.
Bạn có biết thụt rửa âm đạo là gì?
Thụt rửa âm đạo là phương pháp rửa sạch âm đạo, thường dùng hỗn hợp của nước và giấm hoặc các dung dịch vệ sinh phụ nữ được bán ở các nhà thuốc và siêu thị có chứa thuốc sát khuẩn và dung dịch tạo mùi.
Thụt rửa âm đạo có lợi không?
Câu trả lời từ Hello Bacsi: rất ít bằng chứng khoa học cho thấy việc vệ sinh âm đạo bằng cách thụt rửa sẽ làm khu vực này trở nên sạch sẽ hơn. Các nghiên cứu về tác dụng của việc vệ sinh vùng kín bằng cách thụt rửa vẫn chưa đạt độ chính xác cao và cho kết quả rất không đồng nhất. Chẳng hạn như từng có một nghiên cứu cho thấy rằng thụt rửa âm đạo trong suốt 6 tháng trước khi mang thai sẽ làm giảm nguy cơ sinh non, nhưng cũng trong cùng nghiên cứu đó lại cho thấy việc thụt rửa trong khi mang thai lại làm tăng nguy cơ ấy.
Những tác hại của thụt rửa âm đạo là gì?
Nhìn chung, thụt rửa âm đạo mang tới nhiều rủi ro hơn là lợi ích của nó, có thể kể đến như:
- Nhiễm trùng âm đạo. Thụt rửa làm rối loạn cân bằng tự nhiên của vi khuẩn trong âm đạo. Những thay đổi này tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây nhiễm trùng. Các nghiên cứu cho rằng rằng những phụ nữ không thụt rửa âm đạo ít có khả năng mắc nhiễm khuẩn âm đạo hơn. Nhiễm khuẩn âm đạo có thể làm tăng nguy cơ sinh non và bệnh lạc nội mạc tử cung.
- Bệnh viêm vùng chậu. Bệnh viêm vùng chậu là một bệnh nhiễm trùng tử cung, ống dẫn trứng và/hoặc buồng trứng. Nghiên cứu đã tìm thấy rằng những phụ nữ thụt rửa âm đạo có nguy có mắc bệnh viêm vùng chậu cao hơn 73%.
- Biến chứng khi mang thai. Những phụ nữ thụt rửa âm đạo nhiều hơn một lần một tuần khó mang thai hơn so với những người không thụt rửa. Thụt rửa âm đạo cũng có thể làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung lên đến 76%. Càng thụt rửa nhiều, nguy cơ có thai ngoài tử cung càng lớn.
- Ung thư cổ tử cung. Thụt rửa âm đạo ít nhất một lần một tuần cũng làm tăng rủi ro mắc ung thư cổ tử cung.
Vệ sinh bằng phương pháp thụt rửa âm đạo đem lại nhiều hại hơn lợi. Nếu bạn có thói quen không tốt này, hãy học cách từ bỏ nó từ bây giờ để bảo vệ bản thân mình một cách toàn vẹn.
Bạn cũng có thể tham khảo: Xét nghiệm Pap? còn gọi lại xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!