Chặn đứng 'virus kỳ thị' nhân viên y tế đang chống dịch

Thời sự - 05/13/2024

Trải qua gần 3 tháng hoành hành trên thế giới, dịch bệnh COVID-19 đã lây lan ra nhiều quốc gia, gây ra nhiều xáo trộn trong cuộc sống của người dân cũng như ảnh hưởng nền kinh tế của nhiều nước trên thế giới.

Dịch bệnh kéo dài, lây lan rộng đã kéo theo sự sợ hãi trong cộng đồng, lo lắng thái quá cùng với góc nhìn tiêu cực đã dẫn đến tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử đối với những trường hợp nhiễm, nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 và đối với cả nhân viên y tế trong nhiều ngày qua. Sự 'kỳ thị' xuất hiện đã tác động trực tiếp đến tâm lý của người bệnh, người nhà người bệnh và đội ngũ y,bác sĩ, nhân viên y tế khiến một số bộ phận người dân dè chừng, xa lánh, thậm chí không tiếp xúc với những người thân của cán bộ ngành y tế.

TS.BS. Đinh Đạo - Giám đốc BVĐK Trung ương Quảng Nam thẳng thắn nói: 'Từ ngày bệnh viện chúng tôi tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 thứ 57, y bác sĩ của chúng tôi đã đối mặt với sự xa lánh đến từ người dân trong khu vực. Không chỉ y bác sĩ, nhân viên bệnh viện mà cả người thân của họ đang sinh sống ở các khu dân cư cũng bị xa lánh. Nghe nhiều đồng nghiệp kể lại mà tôi thấy buồn, người nhà của họ bị hàng xóm nói thẳng là không được đến gần nhà, con của cán bộ y tế không được qua nhà họ chơi để phòng tránh lây nhiễm bệnh'.

Có thể nói, thời gian qua toàn dân đã chung tay cùng các cấp chính quyền trong công tác phòng, chống đại dịch trên tinh thần 'chống dịch như chống giặc'. Những y bác sĩ hàng ngày, hàng giờ đang phải gồng mình làm việc trong khu cách ly y tế dù là người dày dạn kinh nghiệm hay chỉ mới vào nghề. Tất cả đều phải nằm lòng nguyên tắc đảm bảo an toàn cho bản thân, cho những người xung quanh và tuân thủ nghiêm ngặt kỷ luật của ngành y, bởi đó là điều sống còn trong công việc. Trong mọi hoàn cảnh, mọi trường hợp họ vẫn cố gắng, quyết tâm động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ, cùng cả nước chung tay chống dịch.

Chặn đứng 'virus kỳ thị' nhân viên y tế đang chống dịchNhững chiến sĩ áo trắng không quản hy sinh, khó khăn trong trận chiến chống dịch COVID-19.

Tại Quảng Nam, ngay khi dịch bệnh xuất hiện Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam đã nhanh chóng phối hợp với các ngành trên địa bàn tỉnh chuẩn bị tốt các công tác ứng phó và phòng chống dịch.

Theo chân các bác sĩ đang trực tiếp tham gia điều trị cho bệnh nhân nơi đây, chúng tôi mới thấu hiểu sự chuẩn bị chu đáo, tính toán kỹ lưỡng của lãnh đạo bệnh viện khi triển khai khu cách ly. Cho tới thời điểm hiện tại, khu cách ly tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam đang đảm bảo các yêu cầu cao nhất, đúng quy định của Bộ Y tế về việc tiếp nhận và điều trị cho các trường hợp nhiễm, nghi nhiễm virus SARS-CoV-2.

TS. BS Đinh Đạo chia sẻ thêm: 'Trước khi tiếp nhận bệnh nhân bệnh viện đã lên phương án là mỗi ca trực gồm 2 bác sĩ, 8 điều dưỡng, 1 hộ lý, 1 bảo vệ, mỗi ca trực làm việc liên tục trong 12 tiếng đồng hồ và nghỉ ngơi tại chỗ trong khu cách ly 24 tiếng. Tuy nhiên, nhằm hạn chế sự hao hụt nhân lực cho bệnh viện các y, bác sĩ đã đề xuất Ban giám đốc để họ tình nguyện làm việc liên tục trong vòng 10 ngày và nghỉ ngơi tại chỗ ngay trong khu cách ly'.

Vì vậy, người dân hết sức bình tĩnh, không hoang mang, hoảng loạn, không kỳ thị đối với những trường hợp nghi ngờ hoặc nhiễm COVID-19, không xa lánh cán bộ nhân viên y tế, đừng để nỗi lo sợ lấn át, thay vào đó nên cảm thông, sẻ chia đối với những người đang phải trực tiếp chống chọi và đối mặt với dịch bệnh này, vì một 'Việt Nam quyết thắng đại dịch'!

PGS. TS. Phạm Thanh Bình, UVBCH Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam:

Người dân hãy đồng hành với cán bộ y tế

Hiện nay, hàng trăm ngàn bác sĩ đang phải dấn thân, trực tiếp có mặt trên các tuyến đầu, không quản hy sinh, khó khăn, trực tiếp điều trị cho người bệnh.

Nếu bác sĩ chúng tôi cũng chỉ nghĩ đến cá nhân mình, không xông vào trận tuyến chống dịch, liệu 16/16 ca nhiễm đầu tiên có khỏi bệnh không? Họ - những chiến sĩ áo trắng, đang phải toàn tâm, toàn trí cứu tính mạng người bệnh, hy sinh quên mình, tự nguyện cách ly với gia đình, chấp nhận chịu những rủi ro nghề nghiệp, hãy đồng hành với chúng tôi bằng những hành động thiết thực: Không kỳ thị, sử dụng khẩu trang vải, nhường khẩu trang y tế cho cán bộ y tế, thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tiết kiệm, không tích lũy lương thực, không đưa tin hoang mang thất thiệt, tuân thủ quy định hạn chế tiếp xúc, rửa tay, súc họng thường xuyên, vệ sinh môi trường, tăng cường thể lực, nâng cao sức khỏe, nếu có ho sốt, đau họng gọi ngay đến đường dây nóng Bộ Y tế.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!