Chế độ ăn uống và bệnh tiêu chảy ở trẻ em

Dinh dưỡng cho Trẻ - 03/28/2024

Tìm hiểu về bệnh tiêu chảy ở trẻ em trên Hello Bacsi sẽ cho bạn biết nguyên nhân, giai đoạn bé dễ mắc bệnh và các thực phẩm bé nên ăn và cần tránh.

Bệnh tiêu chảy ở trẻ em có thể ở dạng cấp tính và mãn tính. Nhiễm khuẩn dạ dày ruột cấp do virus Rota gây nên là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh tiêu chảy cấp tính ở trẻ em. Thường bệnh sẽ tự khỏi trong vòng 3 – 10 ngày. Trẻ em từ 6 đến 32 tuần tuổi có thể được chích ngừa bệnh nhiễm khuẩn dạ dày ruột cấp do virus Rota bằng cách tiêm RotaTeq.

Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh tiêu chảy:

  • Nhạy cảm với một số loại thức ăn nhất định;
  • Vi khuẩn;
  • Virus;
  • Ký sinh trùng;
  • Thuốc;
  • Rối loạn chức năng đường ruột.

Khi nào bé dễ mắc tiêu chảy do virus Rota nhất?

Con bạn sẽ dễ mắc tiêu chảy do virus Rota khi:

  • Bé nhỏ hơn 2 tuổi.
  • Thời điểm giao mùa lạnh, đặc biệt là mùa đông và mùa xuân (từ tháng 10 đến hết tháng 4). Tuy nhiên những năm gần đây bệnh có thể xảy ra quanh năm, nhiều nhất là vào tháng 3 và tháng 9.
  • Sau đợt lụt lội: môi trường ô nhiễm, ẩm ướt là điều kiện lý tưởng để virus Rota gây bệnh.

Bé nên ăn những loại thực phẩm nào?

Nếu bé bị tiêu chảy, hãy chia nhỏ bữa ăn để hệ tiêu hóa của bé có thể làm việc từ từ và không quá sức. Ruột non và hệ thống tiêu hóa của bé lúc này còn rất yếu. Sẽ mất một thời gian để hệ tiêu hóa phục hồi và trở lại bình thường. Đừng lo lắng nếu phải mất 3 – 4 ngày phân của bé mới trở lại bình thường bởi điều trị tiêu chảy luôn cần thời gian.

Khi bé bị tiêu chảy, hãy nhớ đến 4 món ăn sau: chuối, gạo, sốt táo, bánh mì nướng. Các loại thực phẩm này sẽ giúp làm cho phân cứng và kết dính lại. Bé cũng có thể ăn các loại ngũ cốc, trái cây nhất định. Dưới đây là các loại thực phẩm sẽ giúp làm chắc phân của bé khi tiêu chảy xảy ra:

  • Mỳ;
  • Khoai tây;
  • Sữa chua.

Các loại thực phẩm cần tránh khi bé bị tiêu chảy

Dưới đây là danh sách các loại thực phẩm nên tránh khi bé bị tiêu chảy:

  • Các sản phẩm từ sữa (sữa chua là một ngoại lệ vì sữa chua có chứa lợi khuẩn. Tốt nhất bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa khi cho bé ăn sữa chua lúc bị tiêu chảy);
  • Các loại trái cây như đào, lê, mận và mận khô;
  • Mơ và các loại trái cây cứng khác có khả năng làm lỏng phân;
  • Các loại thực phẩm có nhiều chất xơ.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!