Đừng để ngộ độc từ thức ăn thừa!

Dinh dưỡng - 04/26/2024

Thức ăn thừa là mối nguy của nhiều căn bệnh. Bạn cần chú ý chế độ dinh dưỡng để tránh ngộ độc từ thức ăn thừa nhé!

Thức ăn thừa là một “thành viên” quen thuộc trong những bữa ăn gia đình. Hầu hết các bà nội trợ đều có những cách bảo quản thức ăn thừa khác nhau và cố gắng tìm cách dùng ại thức ăn đó dùng lại vào ngày hôm sau. Nhưng sự thật không hề đơn giản như vậy! Những ca ngộ độc thực phẩm đa số đều đến từ lý do sử dụng thức ăn thừa với các triệu chứng như nôn ói, tiêu chảy và đau bụng.

Thức ăn thừa gây hại sức khỏe thế nào và cách bảo quản ra sao?

Một trong những nguyên chân chính khiến thức ăn bị ôi thiu là vi khuẩn Campylobacter. Theo trung tâm Food Standards Agency, vi khuẩn này hiện diện trong hơn 65% số gà được bày bán tại nước Anh. Một nghiên cứu gần đây tìm thấy vi khuẩn này trong 6% lượng gà siêu thị đóng gói bên ngoài.

Campylobacter có thể sống hàng giờ trên bếp và rất dễ lây lan, đặc biệt nó tồn tại rất nhiều trên thịt gà sống. Nó có thể gây bệnh với lượng rất thấp. Trong khi bệnh nhiễm khuẩn đường ruột gây ra do vi khuẩn Salmonella phải cần đến hàng chục nghìn con mới gây bệnh, thì Campylobacter chỉ cần 500 con.

Cách duy nhất để loại trừ vi khuẩn này là đun nóng đồ ăn, nhưng bạn phải làm sao để sau khi ăn, vi khuẩn này không quay lại và phá rối phần ăn thừa mà bạn để cho ngày mai?

Đầu tiên, bạn cần để thức ăn nóng nguội bớt đi, và sau đó đưa chúng vào tủ lạnh. Lưu ý là đừng bao giờ để thức ăn nóng sốt vào tủ lạnh bạn nhé! Nhiệt độ tỏa ra từ đồ ăn sẽ khiến khoang tủ lạnh ấm hơn, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi.

Thay vào đó, bạn nên bọc bên ngoài thức ăn thừa, để chúng nguội đến khoảng nhiệt độ phòng (không hơn 4 tiếng) rồi hãy cất vào tủ lạnh.

Cuối cùng, khi đã nấu chín thức ăn, bạn có thể hâm lại bao nhiêu lần? FSA khuyến cáo chỉ nên hâm thức ăn lại một lần, nhưng thực ra vài lần cũng được, miễn là bạn hâm đúng cách. Tuy vậy, hâm nhiều lần thì thức ăn sẽ kém ngon hơn rất nhiều..

Những thực phẩm nào bạn không nên dùng lại hôm sau?

Những thức ăn bạn cần cẩn thận khi dùng lại vì độ nhiễm khuẩn cao có trong danh sách sau, bao gồm:

  • Thịt đã nấu chín hay những món chứa thịt nấu chín như thịt kho tàu, cà ri, nước lèo;
  • Nước sốt có chứa kem hoặc sữa;
  • Hải sản bao gồm chả cá, thịt hầm và nước sốt có hải sản;
  • Cơm, bánh chưng, bánh tét sau khi mở;
  • Các loại thức ăn có trứng, đậu và giàu protein.

Để những thức ăn trên có thể dùng lại, bạn hãy chắc chắn rằng luôn hâm nóng chúng thật kĩ. Với nhu cầu sống hiện đại, lò vi sóng dùng để hâm nóng thức ăn luôn hiện diện trong mỗi căn bếp, và đôi khi nó lại “lợi bất cập hại”. Hâm nóng thức ăn bằng lò vi sóng khiến đồ ăn không nóng hoàn toàn mà vẫn chừa lại những lỗ hổng để vi khuẩn len lỏi vào. Vì vậy, điều cần thiết là khi đang hâm, bạn mang thức ăn ra, khuấy đều lên, rồi hãy tiếp tục hâm để thức ăn nóng đều.

Một loại thức ăn vô cùng quen thuộc bạn nên cẩn thận khi hâm nóng là cơm. Cơm có thể bị ôi thiu bởi vi khuẩn Bacillus cereus. Loại vi khuẩn này đặc biệt ở chỗ, đôi khi nó có thể chết vì nhiệt, nhưng đôi khi nó lại tạo ra những mầm mống độc hại và có khả năng chịu nhiệt.

Dù vậy, cơm hâm lại vẫn an toàn, ngoại trừ trường hợp bạn để cơm ở ngoài nhiệt độ phòng. Cũng như thịt, một khi cơm đã nấu chín, bạn nên cho vào tủ lạnh sớm nhất có thể nếu muốn ăn trong ít ngày.

Chúc bạn luôn có một bữa ăn an toàn và ngon miệng!

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!