Dịp Tết cổ truyền, đa phần các gia đình đều chuẩn bị rất nhiều bánh kẹo, mứt Tết để ăn và mời khách. Đây cũng là dịp trẻ nhỏ được ăn 'thả ga' những món khoái khẩu này. Tuy nhiên, nhiều người cũng lo ngại rằng, ăn nhiều bánh kẹo, mứt Tết, uống nước ngọt dễ có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.
Ăn nhiều bánh kẹo ngọt, mứt Tết có bị đái tháo đường không là thắc mắc của nhiều người trong dịp Tết. Ảnh minh họa
Lý giải về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Việc ăn nhiều đồ ngọt (bánh kẹo, mứt) cũng làm cho cơ thể dễ bị thừa cân béo phì - là yếu tố nguy cơ của đái tháo đường. Việc ăn nhiều đường ngọt cũng làm cho đường máu tăng cao sau ăn, nếu ăn thường xuyên cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh đái tháo đường.
'Mỗi người mỗi ngày chỉ nên ăn dưới 5% năng lượng khẩu phần từ đường ngọt bao gồm đường từ đường kính, mứt, bánh kẹo ngọt, nước ngọt, đường từ hoa quả ngọt. Nếu một khẩu phần ăn, trung bình người trưởng thành khoảng 2000kcal thì 5% năng lượng là 100kcal, tương ứng 25gam đường = 5 thìa cà phê đường đầy', PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cho biết.
Ai không nên ăn nhiều mứt, bánh kẹo ngọt?
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, bánh kẹo, mứt thường quá ngọt, chúng ta không nên ăn quá nhiều trong dịp Tết. Đặc biệt, người bị đái tháo đường cần kiêng tuyệt đối ăn mứt. Nếu ăn có thể khiến cho đường huyết tăng đột ngột gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Bên cạnh đó, nhóm người thừa cân béo phì cũng được khuyên không nên sử dụng sản phẩm mứt Tết, bánh kẹo ngọt thường xuyên. Tiêu thụ quá nhiều mứt khiến cho năng lượng dư thừa tích lũy và chuyển hóa thành mỡ. Điều này khiến cho người béo phì càng thêm thừa cân và dễ mắc một số bệnh lý liên quan tới chuyển hóa.
Hơn nữa, ăn nhiều mứt, bánh kẹo dễ sinh đầy bụng và làm giảm mất cảm giác đói, do đó làm hạn chế cảm giác thèm ăn trong các bữa chính, nhất là đối với trẻ nhỏ.
Do đó, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm khuyến cáo, tốt nhất chúng ta nên hạn chế lượng bánh kẹo, mứt trong dịp Tết và thay thế bằng các loại trái cây tươi như: Dưa hấu, cam, quýt, bưởi, hồng, dâu, táo… Bên cạnh đó, các loại hạt ngũ cốc hoặc hạt bí, óc chó, hạnh nhân, đậu phộng, hạt điều... cũng là một sự lựa chọn tốt cho dịp Tết.
Trường hợp muốn ăn mứt, mỗi gia đình có thể tự chế biến bánh mứt cổ truyền cho ngày Tết. Trong khi chế biến, nên hạn chế lượng đường hoặc có thể thay thế bằng đường ăn kiêng. Việc này vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vừa giữ được hương vị ngày Tết.
Theo vị chuyên gia này, trên thị trường trường hiện có sản xuất mứt cho người ăn kiêng. Vì vậy, người muốn giảm cân, bệnh lý tim mạch, huyết áp… nếu muốn ăn mứt Tết có thể tìm tới sản phẩm này.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!