Quá nhiều cholesterol có thể khiến chúng tích tụ trong các động mạch, gây ra chứng xơ vữa hoặc làm cứng các động mạch. Điều này hạn chế lưu lượng máu qua các động mạch và có thể dẫn đến các vấn đề y tế nghiêm trọng như đau tim hoặc đột quỵ.
Dấu hiệu cholesterol cao
Khi tiến hành kiểm tra cholesterol chúng ta thường thấy ghi các chỉ số HDL (High-density lipoprotein cholesterol), LDL (Low-density lipoprotein cholesterol ), triglyceride.
LDL (thường được gọi là cholesterol “xấu”) là loại có xu hướng tích tụ trên các thành động mạch. Các tế bào bạch cầu kết hợp với LDL, tạo thành mảng bám động mạch, làm hạn chế lưu lượng máu. Mức LDL tối ưu cho hầu hết mọi người là 100mg/dL hoặc thấp hơn. Nếu bị bệnh tim mạch, bạn phải cố gắng duy trì để có mức LDL bằng hoặc thấp hơn 70mg/dL.
HDL được coi là cholesterol “tốt” vì nó có nhiệm vụ vận chuyển cholesterol thừa từ các mảng bám về gan tiêu hủy. HDL càng cao thì càng tốt, sẽ giảm được nguy cơ ngừng tim và tai biến. Mức HDL từ 60mg/dL trở lên có thể giúp giảm nguy cơ bệnh tim. Ngược lại, HDL ở mức 40mg/dL hoặc thấp hơn được coi là một yếu tố nguy cơ cao đối với bệnh tim.
Duy trì mức cholesterol phù hợp đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì các màng tế bào và các hormon tổng hợp.
Triglyceride là những hợp chất hóa học cung cấp cho cơ thể năng lượng cần thiết cho sự chuyển hóa. Khi đi vào ruột non sẽ phân tách rồi sau đó tái kết hợp với cholesterol để tạo thành nguồn năng lượng cho các tế bào trong cơ thể.
Tuy nhiên, nếu lượng triglyceride cao sẽ có nguy cơ mắc bệnh béo phì, tiểu đường và là một yếu tố rủi ro gây xơ vữa động mạch.
Cholesterol trong thực phẩm...
Cholesterol trong thực phẩm không giống như cholesterol trong máu. Đối với hầu hết mọi người, cholesterol trong thực phẩm có ảnh hưởng tối thiểu đến mức cholesterol trong máu của bạn.
Tuy nhiên, khoảng 30% số người có mức cholesterol trong máu tăng lên sau bữa ăn và có hàm lượng cholesterol cao. Lời khuyên là nên tránh các thực phẩm chứa chất béo bão hòa như dầu, thịt béo, các sản phẩm sữa nguyên béo, lòng đỏ trứng và các loại thức ăn nhanh.
Và tiền sử gia đình
Đối với nhiều người, di truyền là yếu tố để đổ lỗi. Tăng cholesterol máu có tiền sử gia đình có thể gây ra mức cholesterol trong máu cao; xơ vữa động mạch thực sự bắt đầu ngay khi thơ ấu và có thể đóng vai trò trong sự phát triển bệnh tim ở tuổi trưởng thành.
Làm thế nào để hạ cholesterol?
Ăn nhiều chất xơ: Chế độ ăn nhiều chất xơ có thể làm giảm cholesterol xấu. Chế độ ăn nhiều chất xơ cũng có thể giúp giảm cân, vì thừa cân là một yếu tố nguy cơ góp phần làm tăng cholesterol. Thực phẩm giàu chất xơ bao gồm trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu.
Kiểm soát chất béo: Đối với người khỏe mạnh, chất béo bão hòa nên chiếm không quá 7% tổng lượng calo của bạn. Với chế độ ăn kiêng 2.000 calo mỗi ngày, có khoảng 140 calo (hoặc 16g) chất béo bão hòa.
Nếu bạn cần giảm cholesterol LDL, hãy giới hạn chất béo bão hòa lên 5-6% calo, hoặc khoảng 11-13g chất béo bão hòa trong chế độ ăn kiêng 2.000 calo. Điều này có nghĩa là tránh các loại thực phẩm chiên và đồ ăn vặt.
Lựa chọn protein một cách thông minh: Để giảm cholesterol, chúng ta nên hạn chế thịt đỏ, ăn nhiều cá và thịt gia cầm nhưng không ăn da của các loại gia cầm đó. Tránh các loại thịt chế biến sẵn như thịt xông khói hoặc thịt nguội, ngay cả những sản phẩm có nhãn “ít chất béo”.
Ăn các loại cá béo như cá hồi, cá ba sa vì loại cá này có nhiều axit béo omega-3, có thể làm giảm mức triglyceride và cải thiện mức cholesterol tốt. Protein từ đậu nành giúp làm giảm LDL và triglyceride, cũng như nâng cao mức cholesterol tốt.
Chế độ ăn ít “car”: Chế độ ăn ít carbohydrate có thể giúp cải thiện mức cholesterol HDL, nhưng vấn đề đối với chế độ ăn kiêng thấp carb đó là người ta không kiên trì với chế độ ăn này.
Giảm cân: Thừa cân hoặc béo phì có xu hướng làm tăng mức LDL. Giảm cân có thể giúp làm giảm cholesterol LDL, triglyceride và tăng mức cholesterol HDL.
Bỏ hút thuốc: Hút thuốc không chỉ có hại cho phổi, nó cũng làm giảm HDL, đồng thời làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.
Tập thể dục: Tập thể dục có thể làm tăng cholesterol HDL lên tới 6% và giảm cholesterol LDL xuống 10%. Chỉ cần 40 phút tập thể dục như đi bộ, bơi lội, hoặc đạp xe 3-4 lần mỗi tuần đã có ảnh hưởng tích cực đến mức cholesterol trong máu.
Dùng thuốc hạ cholesterol
Đôi khi, một chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên không đủ để đạt được mức cholesterol lành mạnh. Điều này thường xảy ra khi người có mức cholesterol cao là do các yếu tố di truyền.
Trong những trường hợp này, dùng thuốc để hạ cholesterol là phương pháp tối ưu. Statins thường là loại thuốc được lựa chọn đầu tiên bởi vì chúng cũng làm giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ. Các loại thuốc được kê đơn khác đó là các chất ức chế hấp thu cholesterol chọn lọc và các liệu pháp hạ lipid như fibrates, niacin và omega-3.
Có thể dùng các chất bổ sung dinh dưỡng giúp giảm lượng cholesterol: dầu cá, protein đậu nành, các acid nicotinic (niacin hoặc vitamin B3)...
Ngoài ra các phương pháp thảo dược khác cũng được sử dụng như: guggulipid (guggulsterone), gạo nấm men đỏ, policosanol, hạt và lá cải xanh, chiết xuất từ lá atisô, húng quế, gừng, nghệ...
ThS. Mai Hương
(Theo Medicinenet.com)
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!