Chuyện về những người có HIV ở Mai Châu

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Những người dân ở Mai Châu (Hòa Bình) đều hiểu rất rõ về HIV/AIDS nên dễ dàng thông cảm với người nhiễm HIV.

Câu lạc bộ (CLB) Tự lực hy vọng Mai Hịch (xã Mai Hịch, Mai Châu, Hòa Bình) được Trung tâm Hỗ trợ và phát triển cộng đồng (Cohed) hỗ trợ UBND xã Mai Hịch ký quyết định thành lập ngày 9/9/2011. Đây là ngôi nhà chung của những người có HIV và những người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Mặc dù mới đi vào hoạt động không lâu nhưng CLB đã hoạt động rất hiệu quả từ tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS cho cộng đồng đến chống kỳ thị, giúp đỡ các thành viên chủ động hòa nhập cộng đồng.

HIV/AIDS không phải là hết!

Phương châm của CLB là giúp các thành viên hiểu được giá trị cuộc sống của mình từ đó giúp họ chủ động hòa nhập cộng đồng và phát triển kinh tế gia đình.

Khi mới thành lập, CLB có 14 người (mới đây đã mất 2 người) được tổ chức sinh hoạt thường xuyên theo các chuyên đề, hơn thế đây còn là nơi để những người có HIV tập trung để tâm sự, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong cuộc sống.

Chuyện kể về cậu thanh niên tên K., thành viên của CLB đã vượt qua mọi mặc cảm chủ động hòa nhập cộng đồng và là người làm kinh tế giỏi nhất nhì xã. K. bị nhiễm HIV từ khi học cấp 3.

Lúc đầu cậu chán nản, mặc cảm tội lỗi, bị bạn bè người thân xa lánh, ý nghĩ luôn đeo đuổi trong cậu là tìm đến cái chết. Nhờ sự động viên của cha, K. vượt qua mặc cảm và sống để có ngày hôm nay.

Gần đây, nhờ các chương trình truyền thông về phòng chống HIV/ AIDS về bản làng mà bà con đã hiểu, HIV không dễ lây như mọi người vẫn nghĩ nếu biết cách phòng chống. Nhờ đó cách nhìn của người dân nơi đây với người nhiễm HIV/AIDS đã được thay đổi, kỳ thị giảm dần, thay vào đó là những tình cảm thương mến của mọi người dành cho cậu.

Trong lần bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp vừa qua, K. đã trúng cử là Tổ trưởng Hội đồng nhân dân của xóm Hải Sơn. K đã chủ động tham gia dẫn chương trình tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS trong xã. Nghị lực sống của K. như chứng minh cho mọi người rằng, những người có HIV vẫn muốn sống để cống hiến, họ vẫn còn có ích cho cuộc đời, AIDS không phải là hết.

Chuyện về những người có HIV ở Mai Châu

Phương châm của CLB Tự lực hy vọng Mai Hịch là giúp các thành viên hiểu được giá trị cuộc sống của mình (Ảnh minh họa: Internet)

Câu chuyện của chị Đ.T.T cũng rất xúc động. Chị T. bị nhiễm HIV từ chồng, cũng đã phải sống trước những ánh mắt khinh bỉ của mọi người. Hai đứa con chị, đứa lớn đến tuổi lấy chồng, đứa bé đến tuổi đi học mà bị kỳ thị xa lánh. Và rồi, một ngày kia những tình nguyện viên về bản làng xa xôi của chị tuyên truyền về căn bệnh HIV/AIDS, chị và các con như được sinh thêm một lần nữa. Mọi người đã hiểu, thông cảm chia sẻ với chị.

Cô bé H., người bị ảnh hưởng bởi HIV (mẹ của H. mới chết do AIDS) cũng đang được đối xử công bằng, bình đẳng. Em luôn luôn được cô giáo và các bạn thương yêu. Tại đêm truyền thông 'Hướng tới không có người nhiễm mới HIV', tôi còn được gặp D., người tham gia 2 tiết mục văn nghệ của chương trình.

Hiện D. là Trưởng nhóm Tự lực hy vọng. Anh cho biết, 'lúc đầu để hòa nhập cộng đồng em gặp rất nhiều khó khăn, mặc cảm, luôn nghĩ mình là kẻ bỏ đi, nhưng mọi người đã đối xử rất tốt với em, đã động viên em nên em đã tự tin lên rất nhiều. Em tự hứa, còn sống ngày nào thì phải sống có ích'.

Đối xử bình đẳng với những người có HIV

Hầu hết những người dân ở đây đều hiểu rất rõ về HIV/AIDS nên cũng dễ dàng thông cảm với người nhiễm HIV.

Ông Vì Văn Tít, Chủ tịch xã Mai Hịch cho biết: 'Lãnh đạo xã rất quan tâm đến những người bị HIV ở địa phương vì đa phần bà con ở đây đời sống kinh tế khó khăn. Nên giúp đỡ hỗ trợ động viên bà con về mặt tinh thần cũng như hướng bà con phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập cải thiện cuộc sống là việc chúng tôi đã và đang làm'.

Chị Ất, một người dân ở đây tâm sự: 'Mới đầu biết K. bị nhiễm HIV, chị cũng thấy sợ lắm, nhưng sau khi được hiểu về căn bệnh này, chị và bà con ở đây lại thấy thương K. hơn, muốn giúp đỡ và đặc biệt tin tưởng bầu K. vào Hội đồng nhân dân xã, những mong anh cố gắng hết sức để đưa được kinh tế của bà con phát triển'.

Còn chị Hà Thị Dìn, người dân tộc Thái cũng hết lòng chia sẻ: 'Chúng tôi đã hiểu về HIV/AIDS, nó không đáng sợ như mình tưởng, vì vậy những người bị HIV/AIDS rất đáng thương, chúng tôi đối xử bình đẳng thôi'.

Do truyền thông tốt nên nhận thức của người dân nơi đây về HIV/AIDS được nâng lên rõ rệt. Tại Mai Hịch, hơn một năm trở lại đây, sự kỳ thị với những người có HIV/AIDS đã gần như được xóa nhòa, cộng đồng sống chung hòa thuận và giúp đỡ lẫn nhau xây dựng bản làng ngày một sạch đẹp.

>>Xem thêm: Hỏi đáp về bệnh HIV/AIDS

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!