Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn công tác Bộ Y tế đã đến thị sát chiến dịch diệt loăng quăng/bọ gậy phòng chống bệnh sốt xuất huyết Dengue điển hình của khu vực phía Nam tại phường An Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Các thành phần tham gia đoàn thị sát gồm có: Đại biểu Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, đại điện các Ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh Bình Dương và các phóng viên thông tấn báo chí trong nước. Từ đầu năm đến nay, Bộ Y tế đã triển khai nhiều chiến dịch diệt loăng quăng/bọ gậy, phòng chống sốt xuất huyết. Tuy nhiên đây sẽ là chiến dịch mẫu điển hình, sau đó, mô hình chiến dịch sẽ tiếp tục được thực hiện tại tỉnh Tiền Giang và hoàn thiện hơn để nhân rộng trên cả nước.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu khai mạc Chiến dịch diệt loăng quăng/bọ gậy mẫu tại phường An Phú, Bình Dương
Chiến dịch diệt loăng quăng/bọ gậy của phường An Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương nhằm mục đích nâng cao ý thức cộng đồng, tăng cường sự tham gia của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong hoạt động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Chiến dịch lần này triển khai trên 2 khu phố KP4 và KP 1B với hơn 1.500 hộ dân và gần 17.000 phòng trọ. Tỉnh Bình Dương đã thành lập Đội đặc nhiệm phòng chống sốt xuất huyết với 180 người phân thành 60 nhóm, mỗi nhóm 3 người phụ trách công tác tuyên truyền, hỗ trợ 50 hộ dân mỗi ngày. Đội sẽ ra quân trong 2 ngày 16-17/10 để triển khai các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ người dân trong khu vực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết.
Các hoạt động của Đội như: cung cấp thông tin về sốt xuất huyết Dengue đến các hộ gia đình, phát tờ rơi và hướng dẫn người dân cách loại bỏ các vật chất chứa nguy cơ và cách diệt loăng quăng/bọ gậy, cùng người dân ký cam kết và báo cáo,... Đoàn công tác Bộ Y tế cùng Ban chỉ đạo của chiến dịch phường An Phú và thành viên các Ban ngành đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội tại phường đã kiểm tra, giám sát hoạt động ra quân tại các hộ dân trên địa bàn tỉnh Bình Dương của Đội đặc nhiệm phòng chống sốt xuất huyết.
Bộ trưởng Bộ Y tế đang thị sát tình hình triển khai công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết tại phường An Phú, Bình Dương
Bên cạnh đó, công tác truyền thông được chú trọng với nhiều hình thức phong phú như: Phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh của phường về nguy cơ dịch sốt xuất huyết và các biện pháp phòng tránh, thông tin về hoạt động phòng chống dịch của phường để người dân cùng chủ động phối hợp; Tổ chức Xe loa cổ động chiến dịch nhằm thông tin rộng rãi đến từng người dân trên địa bàn,...
Sau chuyến thị sát, Đoàn Bộ Y tế đánh giá cao nỗ lực của chính quyền và ngành y tế Bình Dương trong công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết tại địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ dân để các vật dụng chứa nước trong vườn nhà như chum, vại, bình bông, lốp xe cũ… và chưa vệ sinh, thả cá vào các bể chứa nước trong vườn, có thể tạo điều kiện cho loăng quăng/bọ gậy phát triển gây bệnh. Do đó, Bộ trưởng nhấn mạnh công tác truyền thông làm sao để cho người dân nâng cao ý thức, chủ động phòng tránh dịch bệnh là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu để hạn chế dịch bệnh.
Cũng trong buổi chiều cùng ngày, tại Viện Pasteur Tp.Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội nghị Tăng cường công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng và viêm đường hô hấp do Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì. Tại đây, đoàn đại biểu ngành y tế tham dự Hội nghị cùng tổng kết và chia sẻ những kinh nghiệm phòng chống dịch sốt xuất huyết trên nhiều mặt trận như dự phòng, điều trị, truyền thông.
Bộ trưởng Bộ Y tế khai mạc Hội nghị Tăng cường công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng và viêm đường hô hấp tại Viện Pasteur Tp.HCM
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: sự đổi mới tại địa phương các tỉnh phía Nam là điều rất đáng mừng, đặc biệt trong công tác đổi mới phong cách điều trị tại các bệnh viện nơi đây. Hiện nay, ngành y tế đang phải đối mặt với các dịch bệnh mới nổi và dịch bệnh trong nước. Truyền thông cần phải đi trước một bước, thông tin đến cộng đồng nhằm nâng cao vai trò, ý thức của người dân trong việc phòng tránh dịch bệnh. Các Vụ, Cục, Viện và Trung tâm truyền thông, Trung tâm Truyền thông giáo dục và sức khỏe cần phải phối hợp đồng bộ tốt hơn nữa để cùng chung tay phòng chống dịch bệnh.
Tại Hội nghị, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đã báo cáo tóm tắt tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết và công tác phòng chống dịch trên cả nước. Theo Cục trưởng, tính đến nay đã có 30 ca tử vong do sốt xuất huyết trên cả nước. Đây là con số thấp hơn rất nhiều so với quốc tế và trong khu vực. Đó là nhờ thành tựu và nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ với kinh nghiệm nhiều năm phòng chống dịch. Ngành y tế đã, đang và sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh tuyên truyền trong cộng đồng, nâng cao công tác dự phòng để giảm thiểu nguy cơ sốt xuất huyết gây ra.
Đại diện Cục quản lý khám chữa bệnh, ThS. Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh, cho biết Cục đã tăng cường công tác điều trị nhằm giảm thiểu tử vong do sốt xuất huyết, yêu cầu các bệnh viện tuyến cuối báo cáo hàng ngày và tích cực hơn nữa trong chỉ đạo tuyến. Bên cạnh đó, các dịch bệnh khác như Mers-CoV, cúm mùa,… cũng được lên kế hoạch và chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị y tế để sẵn sàng ứng phó dịch bệnh. Trong thời gian tới, Cục Quản lý khám chữa bệnh sẽ tham gia giám sát tại các địa phương, điều chỉnh kịp thời các vấn đề liên quan đến công tác khám chữa bệnh.
Ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng chia sẻ: Trong thời gian qua, cơ quan truyền thông trung ương và các đơn vị tại địa phương đã nỗ lực tăng cường cung cấp thông tin cho báo chí, truyền tải thông điệp phòng chống dịch bệnh tới người dân, đặc biệt là tại các tỉnh/thành phía Nam. Ông cũng bày tỏ mong muốn các Vụ, Cục, ban, ngành, đoàn thể cần tích cực phối hợp với Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng mạnh mẽ hơn nữa để nâng cao hiệu quả truyền thông sâu rộng tới cộng đồng.
Báo cáo tại Hội nghị, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Tp.HCM, ThS.BS. Nguyễn Trí Dũng đề xuất: Để kiểm soát dịch cần thiết có những quy định của ngành liên quan, tăng cường các hoạt động thanh tra, đẩy mạnh truyền thông nguy cơ, xây dựng đội diệt loăng quăng chuyên nghiệp, các phường xã phải có bản đồ dịch tễ, xử phạt đối tượng không tuân thủ các hoạt động phòng chống dịch theo Nghị định 176/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao các báo cáo, tham luận của các Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh. Bộ trưởng đề nghị nên tiến hành xử phạt đối với đối tượng không phối hợp phòng chống dịch, bởi nếu người dân không nghiêm túc chấp hành, sẽ gây ra nguy cơ dịch bệnh cho cộng đồng. Mô hình phun thuốc hàng tuần cần tuân thủ chặt chẽ tỉ lệ pha thuốc và các biện pháp kỹ thuật khi phun.
Về công tác điều trị, Bộ trưởng cho rằng việc quá tải bệnh viện là nguyên nhân góp phần gây ra ca tử vong. Do đó vấn đề sàng lọc bệnh nhân và phân luồng bệnh cần được hết sức coi trọng. Ngoài ra, có thể đưa ra các phương án mới như mở thêm khoa khám bệnh và điều trị ngoại trú.
Về công tác truyền thông, Bộ trưởng khẳng định truyền thông phòng bệnh cần chú trọng hơn nữa. Thành tựu của các bệnh viện tuyến tỉnh còn chưa được đưa tin hợp lý, kịp thời. Các bệnh viện tuyến dưới cần xây dựng hình ảnh của mình tích cực, mạnh mẽ hơn để người dân đặt niềm tin vào tay nghề đội ngũ y bác sĩ nơi đây.
Chiến dịch diệt loăng quăng/bọ gậy phòng chống bệnh sốt xuất huyết Dengue điển hình của khu vực phía Nam và Hội nghị Tăng cường công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng và viêm đường hô hấp đã thể hiện rõ sự quyết tâm mạnh mẽ của Bộ Y tế trong công tác phòng chống dịch và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Một số hình ảnh trong Chiến dịch và Hội nghị ngày 16/10/2015:
PV
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!