Công tác dân số 6 tháng đầu năm 2020: Khẩn trương hoàn thiện Đề án về mô hình bộ máy làm công tác dân số

Thời sự - 04/29/2024

Tổ chức bộ máy làm công tác dân số ở địa phương bị xáo trộn, thiếu nhất quán đang là khó khăn, thách thức lớn đối với công tác dân số trong thời gian tới. Do vậy, việc kiện toàn và ổn định bộ máy làm dân số là vấn đề cấp bách, cần được ưu tiên hàng đầu.

Công tác dân số 6 tháng đầu năm 2020: Khẩn trương hoàn thiện Đề án về mô hình bộ máy làm công tác dân số

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên trao Bằng khen của Bộ Y tế cho các Chi cục DS-KHHGĐ có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác dân số năm 2019. Ảnh: Quỳnh Trang

Khó khăn trong tổ chức bộ máy, nhiều chỉ tiêu không đạt kế hoạch

Tại Hội thảo chuyên đề về công tác dân số năm 2020 do Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) tổ chức ngày 2/7, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số cho biết: Bước sang giai đoạn mới, công tác dân số cũng đứng trước nhiều thách thức và vấn đề mới nảy sinh.

Báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm cho thấy, một số chỉ tiêu kế hoạch không đạt kế hoạch giao như: Tỷ lệ tầm soát các bệnh, tật trước sinh và sơ sinh; tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại hàng năm; các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số ở địa phương chậm triển khai, thậm chí có những tỉnh chưa triển khai. Trong đó, công tác tổ chức bộ máy ở địa phương, nhất là mô hình tổ chức tuyến huyện, xã đang gặp nhiều khó khăn, bất cập làm ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý và việc triển khai các hoạt động chuyên môn về công tác dân số. Cùng với đó, nguồn ngân sách Nhà nước bị cắt giảm; nguồn hỗ trợ của quốc tế không còn nhiều càng khiến công tác dân số gặp nhiều trở ngại trong việc hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.

Đề cập rõ hơn về thực trạng tổ chức bộ máy làm công tác dân số ở địa phương, ông Lê Văn Hợi, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Tổng cục Dân số) cho biết, tại tuyến tỉnh, hiện có 3 tỉnh là Sơn La, Bình Thuận, Kiên Giang đã xây dựng Đề án chuyển Chi cục DS-KHHGĐ thành Phòng Dân số trực thuộc Sở Y tế (đã chuyển bộ phận chung về Sở Y tế; có con dấu nhưng không có tài khoản). Tỉnh Phú Yên trước đã xây dựng Đề án để chuyển đổi, tuy nhiên, sau khi Bộ Y tế có văn bản gửi UBND các tỉnh và Sở ngành có liên quan đề nghị giữ nguyên hệ thống tổ chức DS-KHHGĐ nên tỉnh này đã dừng không xây dựng Đề án sáp nhập. Còn tại Bình Phước đã tiến hành nhập Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Truyền thông vào Chi cục DS-KHHGĐ và giữ nguyên tên Chi cục DS-KHHGĐ.

Theo ông Lê Văn Hợi, tổng số biên chế được giao của 63 Chi cục DS-KHHGĐ là 1.032 biên chế. Tuy nhiên, tổng số người đang làm việc hiện có là 985 người, giảm 66 biên chế so với cuối năm 2019. Trong đó, 9 tỉnh dưới 10 biên chế là: Ninh Bình, Sơn La, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kiên Giang và Tây Ninh.

Công tác dân số 6 tháng đầu năm 2020: Khẩn trương hoàn thiện Đề án về mô hình bộ máy làm công tác dân số

Toàn cảnh Hội thảo.

Tại cấp huyện, hiện có 57 tỉnh đã sáp nhập Trung tâm Dân số vào Trung tâm Y tế; 4 tỉnh đã và đang xây dựng Đề án sáp nhập; 2 tỉnh chưa có chủ trương sáp nhập (TPHCM và Phú Thọ). Cấp xã, hầu hết các tỉnh, viên chức dân số xã thuộc Trạm Y tế xã quản lý trực thuộc Trung tâm Y tế. Riêng đối với đội ngũ cộng tác viên dân số, theo báo cáo, hiện nay tổng số cộng tác viên dân số trên cả nước là 146.247 người, giảm 17.439 người so với năm 2019. Trong đó, khoảng 65% số cộng tác viên dân số hiện tại là kiêm nhiệm, đa số là các cán bộ y tế thôn bản và cán bộ phụ nữ.

Ổn định bộ máy để hoàn thành nhiệm vụ một cách hiệu quả

Trước việc xáo trộn, không ổn định của bộ máy làm công tác dân số ở địa phương, ngày 22/5 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã ký Công văn số 2822/BYT-TCDS gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc ổn định tổ chức, bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ.

Theo đó, tại tuyến tỉnh, giữ nguyên tổ chức Chi cục DS-KHHGĐ thuộc Sở Y tế. Tại tuyến huyện, đối với những tỉnh đã sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ với Trung tâm Y tế, tiến hành lập Khoa/Phòng Dân số thuộc Trung tâm Y tế trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm DS-KHHGĐ. UBND các tỉnh cần giao nhiệm vụ cho Trung tâm Y tế thực hiện nhiệm vụ công tác dân số để triển khai thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ, truyền thông giáo dục về công tác dân số trên địa bàn huyện…

Đối với viên chức/chuyên trách dân số xã, giao cho Trạm Y tế thực hiện nhiệm vụ về công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn xã. Đối với cộng tác viên dân số thôn, bản, tổ dân phố, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế tham mưu cho UBND tỉnh trình Hội đồng Nhân dân tỉnh tiếp tục bố trí chức danh cộng tác viên dân số ở thôn, bản, tổ dân phố phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, đồng thời ban hành các chính sách mới về công tác dân số, trong đó có chế độ khuyến khích (thù lao) đối với cộng tác viên dân số để khuyến khích, động viên họ hoàn thành nhiệm vụ.

Đề cập đến mô hình tổ chức bộ máy làm công tác dân số dự kiến trong thời gian tới, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Lê Văn Hợi cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Y tế và đầu mối là Tổng cục Dân số xây dựng Đề án để hoàn thiện mô hình, tổ chức bộ máy làm công tác dân số. Theo đó, Tổng cục Dân số đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo Đề án Nghiên cứu xây dựng mô hình tổ chức bộ máy, mạng lưới và cơ chế phối hợp liên ngành làm công tác Dân số và Phát triển ở các cấp.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số cho biết, năm 2020 có rất nhiều Chương trình, Đề án về công tác dân số cần được triển khai thực hiện. Trong đó, một số Chương trình đã được Thủ tướng phê duyệt như: Chương trình Truyền thông Dân số đến năm 2030; Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030; Đề án về nâng cao năng lực nghiên cứu về Dân số và Phát triển. Để triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình, Đề án này cũng như hoàn thành tốt các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, Tổng cục trưởng Nguyễn Doãn Tú đề nghị các tỉnh chủ động tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn nội tại của cơ sở mình. Cùng với đó, ổn định tâm lý cán bộ, tập trung triển khai, đẩy mạnh thực hiện các Chương trình, Đề án về công tác dân số trong 6 tháng cuối năm để đạt được các chỉ tiêu, kế hoạch được giao.

Công tác dân số 6 tháng đầu năm 2020: Khẩn trương hoàn thiện Đề án về mô hình bộ máy làm công tác dân số

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên. Ảnh: Quỳnh Trang

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của lãnh đạo, cán bộ làm công tác dân số những tháng đầu năm vừa qua trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn từ bộ máy tổ chức bị xáo trộn, nguồn kinh phí bị bắt giảm đến những yếu tố khách quan như ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Trong bối cảnh mới của công tác dân số, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh việc chuyển trọng tâm từ DS-KHHGĐ sang Dân số và Phát triển, đặc biệt là vấn đề nâng cao chất lượng dân số. Để làm được nhiệm vụ này, Thứ trưởng đề nghị, Tổng cục Dân số tích cực tham mưu cho Bộ Y tế để phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, Bộ, ngành liên quan để tập trung hoàn thành thể chế, cụ thể hóa Nghị quyết 20-NQ/TW; Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới và cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết 137/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình Hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW, đưa các Nghị quyết này vào thực tiễn cuộc sống. 

Liên quan đến vấn đề tổ chức bộ máy, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đặc biệt nhấn mạnh, Tổng cục Dân số cần khẩn trương hoàn thiện Đề án về tổ chức, mô hình làm công tác dân số để trình Bộ Y tế trong tháng 10 năm nay. Từ đó, Bộ sẽ trình Thủ tướng xem xét, ban hành. Thứ trưởng cũng chỉ đạo Tổng cục tham mưu ngay cho Bộ Y tế để xây dựng kế hoạch và tính toán nguồn kinh phí cho công tác dân số giai đoạn 2021-2025.

Với các tỉnh, thành phố, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị địa phương cần tích cực triển khai xây dựng kế hoạch về kinh phí hoạt động dân số đến năm 2025. Các Chi cục cần chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đưa các chỉ tiêu dân số vào đại hội Đảng các cấp. Bên cạnh đó, triển khai các giải pháp đồng bộ hơn nữa để làm thay đổi hành vi, nhận thức của người dân về công tác dân số trong tình hình mới.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!