Cùng con yêu phòng các bệnh mùa Hè

Nuôi dạy con - 11/24/2024

Tránh cho trẻ nghịch đất, cát bẩn. Cho trẻ uống thật nhiều nước rau quả. Không tự ý nặn hoặc bôi thuốc lên mụn.

1. Những bệnh phổ biến trẻ thường gặp trong mùa Hè

- Bệnh mụn nhọt, rôm sảy

Trẻ bị rôm sảy có thể gặp triệu chứng mẩn đỏ trên da, mụn nước dưới da, chủ yếu ở đầu, cổ, vai, ngực và lưng nhưng cũng có thể có thêm ở kẽ nách, háng. Thông thường rôm sảy có thể tự khỏi nhưng cũng có 1 số trường hợp phải được điều trị.

Khi trẻ bị rôm sảy, mụn nhọt, cha mẹ cần thường xuyên tắm rửa sạch sẽ và gội đầu cho trẻ để trẻ đỡ ngứa ngáy khó chịu. Tránh cho trẻ nghịch đất, cát bẩn. Cho trẻ uống thật nhiều nước rau quả. Không tự ý nặn hoặc bôi thuốc lên mụn vì có thể gây nhiễm trùng nặng hơn. Đưa trẻ đi khám khi các triệu chứng xuất hiện nặng hơn.

Cùng con yêu phòng các bệnh mùa Hè

Ảnh minh họa: Internet

- Bệnh tiêu chảy

Bệnh tiêu chảy do vi khuẩn (như E.Coli) hoặc do vi-rút gây ra và thường gặp ở trẻ em trong mùa nắng nóng. Khi bị tiêu chảy, cơ thể trẻ nhanh chóng bị mất nước và điện giải, do đó, trẻ dễ bị suy dinh dưỡng. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể khiến trẻ bị suy kiệt sức lực và dẫn tới tử vong.

Khi trẻ bị tiêu chảy, việc đầu tiên các bậc cha mẹ cần làm là cho con uống nước oresol để bù lượng điện giải và bổ sung dưỡng chất đầy đủ cho trẻ. Không được uống bất cứ loại thuốc nào nếu như không được bác sĩ chỉ định. Ngoài ra, cần đưa trẻ trở lại ngay cơ sở y tế nếu trẻ có một trong các dấu hiệu sau: Trẻ không ăn uống được và bỏ bú, sốt cao hơn, trẻ rất khát nước hoặc trong phân có máu.

- Bệnh tay chân miệng

Những triệu chứng của bệnh: sốt, đau họng, sổ mũi. 1-2 ngày sau khi bị sốt, các nốt mụn lở đau rát có thể xuất hiện trong miệng hoặc cổ họng. Chứng phát ban có thể nhìn thấy rõ ràng trên bàn tay, bàn chân, miệng, lưỡi, bên trong má và đôi khi cũng gặp ở mông.

Đây là một bệnh dễ lây lan. Bệnh lây truyền từ người sang người do tiếp xúc với các dịch tiết mũi họng, nước bọt, chất dịch từ các bọng nước hoặc phân của trẻ.

Hiện nay, chưa có thuốc đặc trị cho bệnh này nên việc phòng bệnh là hết sức quan trọng. Khi trẻ bị tay-chân-miệng, cha mẹ cần giữ vệ sinh cho con và tuân thủ việc điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ.

2. Biện pháp phòng ngừa bệnh cho trẻ trong mùa Hè

Những bệnh này do vi-rút, vi khuẩn xâm nhập qua đường miệng gây ra nên bệnh có nguy cơ tái phát cao, nhiều bệnh chưa có thuốc đặc trị. Vì vậy, cần chú ý “phòng hơn chữa” với các phương pháp sau:

- Tiêm vắc-xin đầy đủ cho trẻ

- Tắm gội, rửa tay, vệ sinh cơ thể hàng ngày với các loại sản phẩm vệ sinh đã được kiểm định, đặc biệt là nước rửa tay hoặc xà phòng diệt khuẩn, hạn chế cơ hội vi-rút xâm nhập vào cơ thể bé. Đặc biệt với bệnh tay chân miệng, cần chú ý các thời điểm rửa tay cho trẻ: rửa tay sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi chăm sóc trẻ, trước khi ăn và chế biến thức ăn, sau khi tiếp xúc với người bệnh…

- Cho trẻ uống đủ nước, ngoài nước lọc có thể uống thêm các loại nước hoa quả khác. Tránh ăn uống thức ăn lạnh.

- Giữ vệ sinh môi trường sạch sẽ và giữ vệ sinh an toàn thực phẩm để tránh ngộ độc thực phẩm.

- Cần phải nằm màn khi đi ngủ, kể cả ngủ ban ngày (muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thường hút máu ban ngày) kể cả người lớn và trẻ em.

- Tích cực diệt muỗi và diệt bọ gậy bằng mọi hình thức.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!