Bệnh nhi là bé N.H.N., 15 tháng tuổi, nhập viện tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng mất máu nặng: da xanh, niêm mạc nhợt nhiều.
Theo gia đình kể, hai ngày trước đó cháu đi ngoài ra máu đỏ tươi liên tục, đã nhập viện tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An và được điều trị tích cực bằng truyền máu và kháng sinh, tuy nhiên trẻ vẫn đi ngoài phân máu và thiếu máu gia tăng nên được vận chuyển cấp cứu đến Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị tiếp.
Hình ảnh viên sỏi đã được đẩy ra ngoài ruột thừa và chảy máu ruột thừa đã giảm
Tại khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, tình trạng đi ngoài ra máu của bé N. vẫn tiếp diễn. Bệnh nhi được cho thở oxy, truyền máu và hội chẩn cấp cứu với các bác sĩ nội soi, bác sĩ ngoại trong đêm. Nội soi đại tràng phát hiện hình ảnh một viên sỏi đại tràng cắm vào vị trí lỗ ruột thừa.
Đây chính là nguyên nhân gây chảy máu đường tiêu hóa ở trẻ. Sau khi gắp viên sỏi ra ngoài cơ thể và bơm rửa sạch ruột thừa bằng Adrenalin pha loãng, vết thương đã ngừng chảy máu.
Bé N. được chuyển đến khoa tiêu hóa theo dõi tiếp. Sau đó trẻ không còn đi ngoài ra máu, sức khỏe dần bình phục. Sau 5 ngày, bệnh nhi đã được ra viện trong tình trạng sức khỏe ổn định mà không phải trải qua phẫu thuật.
Tiến sĩ – bác sĩ Phan Thị Hiền, Phụ trách Khoa Nội soi Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: đây là trường hợp đầu tiên có sỏi ruột thừa gây chảy máu nặng đường tiêu hóa được chẩn đoán bằng nội soi. Do đó, đối với các bệnh nhi chảy máu đường tiêu hóa nặng cần tiến hành hội chẩn sớm với bác sĩ nội soi tiêu hóa để tìm điểm chảy máu và với nhiều trường hợp có thể cầm máu tại chỗ.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!