Cấp xã có đủ 'năng lực' ký thỏa thuận quốc tế?
Về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế, đa số đại biểu đồng tình với việc ban hành Luật. Luật quy định theo hướng mở rộng chủ thể được ký thỏa thuận quốc tế phù hợp với xu hướng đa dạng về nội dung, quy mô, cấp độ quản lý trong ký kết hợp tác quốc tế, nghĩa là cơ hội tốt trong việc mở rộng hợp tác quốc tế.
Tuy nhiên, vẫn có các đại biểu băn khoăn về phạm vi có thẩm quyền (chủ thể) thực hiện các thỏa thuận quốc tế. Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân - đoàn Cần Thơ bày tỏ băn khoăn việc quy định UBND cấp huyện, xã, nhất là UBND cấp xã cũng là chủ thể ký thỏa thuận. 'Tôi lo lắng không biết năng lực và am hiểu trong thỏa thuận quốc tế ở cấp này như thế nào, đặc biệt là các lĩnh vực nhạy cảm', đại biểu Nguyễn Thanh Xuân kiến nghị.
Các đại biểu còn lo lắng khả năng xảy ra các tranh chấp và xử lý tranh chấp sau khi ký kết thỏa thuận quốc tế. Những tranh chấp này bản thân các đơn vị có thẩm quyền cũng không dễ giải quyết, chưa nói đến cơ quan cấp xã. Nhất là Việt Nam hiện có khoảng 11.000 xã với trên 600 huyện, mở rộng chủ thể được ký kết hợp tác quốc tế đến cấp xã có thể là quá rộng.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - đoàn TP. Hồ Chí Minh phát biểu: 'Tôi rất băn khoăn khi ta cho ký nhiều quá, rộng quá có thể phát sinh nhiều vấn đề, hệ lụy và đặc biệt là tranh chấp, xung đột, kiện cáo. Tôi đề nghị đối với Nhà nước thì chỉ đến UBND tỉnh, có thể mở rộng đến các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh. Nếu như huyện và xã có thỏa thuận nào đó thì cũng nên để cho các UBND tỉnh đó ký'.
Cháy rừng do tự nhiên là một loại hình thiên tai
Cùng trong ngày 17/6, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều với 92,34% (tương đương 446 đại biểu) tán thành. Theo đó, Luật này bổ sung cháy rừng do tự nhiên là một loại hình thiên tai.
Luật này cũng quy định rõ Thẩm quyền huy động, quyên góp và phân bổ nguồn lực cứu trợ; sửa đổi bổ sung quy định về khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế.
Đối với việc Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đê điều, luật bổ sung hành vi bị nghiêm cấm gồm: Xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều và phạm vi lòng sông không gồm bãi nổi hoặc cù lao, trừ công trình phục vụ phòng, chống lũ, lụt, bão, công trình phụ trợ và công trình đặc biệt; Đổ chất thải trong phạm vi bảo vệ đê điều, ở bãi sông, lòng sông; để vật liệu trong phạm vi bảo vệ đê điều, trừ vật tư dự trữ phòng, chống lũ, lụt, bão'; Khai thác đất, đá, cát, sỏi, khoáng sản khác, đào ao, giếng trong phạm vi bảo vệ đê điều. Các hoạt động khác gây cản trở dòng chảy và thoát lũ nhưng không có biện pháp xử lý, khắc phục.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!