Dành 1 phút hỏi 3 từ, bạn cứu được người khác trong gang tấc

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Theo các bác sĩ, bệnh đột quỵ là bệnh nguy hiểm và gây tử vong cao. Bệnh nhân không tử vong thì di chứng để lại rất nặng nề. Nếu quan sát và hỏi đúng 3 từ này, bạn sẽ cứu được người thân trong thời gian vàng.

Hãy bảo bệnh nhân nói - cười - chào

Theo báo cáo năm 2016 của tổ chức Đột quỵ Thế giới (WSO), hiện có tới 17 triệu trường hợp đột quỵ mỗi năm, với khoảng 6 triệu trường hợp tử vong và 5 triệu người sống sót với các di chứng gây tàn tật trong thời gian dài, thậm chí vĩnh viễn.

Dành 1 phút hỏi 3 từ, bạn cứu được người khác trong gang tấc

Đột quỵ là bệnh nguy hiểm

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 6 người thì có 1 người tiểm ẩn nguy cơ bị đột quỵ. Trong đó, tỷ lệ đột quỵ não được dự báo sẽ tăng nhanh và đạt 1,2 triệu người mắc mới mỗi năm trên thế giới vào năm 2025.

Tại buổi chia sẻ với báo chí về cách sơ cứu khi gặp bệnh nhân đột quỵ của PGS, TS Mai Duy Tôn – Trưởng phòng Cấp cứu 1, Khoa cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, PGS Tôn cho biết, bệnh đột quỵ xảy ra nhanh, nếu không cấp cứu kịp thời bệnh nhân có thể tử vong.

Sau đột quỵ, cứ một phút trôi qua sẽ có khoảng 2 triệu tế bào não chết đi, do vậy bệnh nhân cần được điều trị càng sớm càng tốt.

Đột quỵ não hiện là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3, nguyên nhân gây tàn phế đứng hàng thứ 1. Hàng năm có 700.000 người Mỹ bị đột quỵ. Chính vì thế, nhận biết, đánh giá và xử trí ban đầu rất quan trọng.

PGS Tôn cho biết, tại Việt Nam vào dịp mùa nắng nóng và mùa lạnh là số người bị đột quỵ lại tăng lên. Bệnh đột quỵ là tai biến mạch máu não có thể ở dạng xuất huyết não hoặc tắc động mạch do huyết khối.

Theo bác sĩ Tôn, cách nhận biết dấu hiệu cơn đột quỵ sắp tới đó là các dấu hiệu khó nói, khó uống nước, mắt mờ, liệt nửa người bên trái hoặc bên phải, không giơ tay lên được.

Để xác định dấu hiệu đúng của đột quỵ, những người xung quanh chỉ cần dành 1 phút chú ý và hỏi người bệnh ba từ: nói – cười – chào.

Nếu đứng trước người có biểu hiện của cơn đột quỵ bạn hãy bảo người đó nói. Nếu nói ngọng, khó nói, hoặc không nói được là dấu hiệu báo cơn đột quỵ.

Cười: Khi cười người sắp đột quỵ có dấu hiệu méo mồm và cười nhìn dấu hiệu này rõ hơn.

Chào: hãy nói người đó giơ tay chào, nếu không giơ được tay là dấu hiệu cơn đột quỵ.

Chỉ cần hỏi người đó và chú ý chỉ trong1 phút ta có thể nhận ra dấu hiệu sớm của cơn đột quỵ. PGS Tôn cho biết khi thấy dấu hiệu chính xác, người xung quanh nên gọi điện cho 115 để được cấp cứu thay vì tự sơ cứu.

Không tự chữa bằng các loại thuốc

Các cách dân gian được mọi người hay truyền tai nhau là nặn máu ở tay, chân, dái tai đều không có tác dụng bởi các nghiên cứu về đột quỵ đều cho rằng nó là phương pháp sai khoa học.

Thứ hai, không cho người bệnh ăn bất cứ thứ gì kể cả thuốc tây, thuốc đông y bởi khi đó sẽ có rối loạn về nuốt, nhai có thể gây sặc và sặc vào phổi ảnh hưởng đến hô hấp.

Tốt nhất, nên cho người bệnh nằm nghiêng 45 độ, gọi 115. Trong thời gian chờ 115 tới, bạn có thể giúp người bệnh lau dãi ở miệng để tránh sặc.

Nếu người bệnh có dấu hiệu ngừng tim cần sự hỗ trợ của người xung quanh để sơ cứu. PGS Tôn cho biết gọi 115 để được sơ cứu hồi sức cho bệnh nhân và nhân viên y tế 115 biết được những cơ sở y tế chuyên sâu về đột quỵ để đưa bệnh nhân vào điều trị sớm nhất.

Thời gian vàng từ 4 – 6h đầu của điều trị đột quỵ rất quan trọng, bệnh nhân vào viện càng sớm thì cơ hội cứu sống càng cao, di chứng càng ít.

Tuy nhiên, thực tế, không ít gia đình do chủ quan, thiếu hiểu biết để bệnh nhân ở nhà tự điều trị bằng thuốc khiến họ bị mất cơ hội điều trị. Thậm chí, có trường hợp bệnh nhân xảy ra đột quỵ nhưng người nhà lại nhét thuốc vào miệng khiến bệnh nhân ho sặc, đến Khoa Cấp cứu thường có tình trạng suy hô hấp do viêm phổi, nhiều trường hợp ngừng tim trước khi đến bệnh viện.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!