Ăn gì để ngăn ngừa bệnh đột quỵ?

Sống khỏe mạnh - 03/29/2024

Rau xanh, trái cây, ngũ cốc,…là những thực phẩm có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ.

Đột quỵ là chứng bệnh có thể để lại những hậu quả và di chứng nặng nề. Không chỉ có những người lớn tuổi mới mắc phải bệnh này mà hiện nay bệnh này càng ngày càng trẻ hóa.

Chính vì thế, việc phòng ngừa bệnh là vô cùng cần thiết. Chế độ dinh dưỡng thích hợp là một yếu tố vô cùng quan trọng để phòng ngừa căn bệnh này.

Bệnh có chiều hướng tăng cao

Bệnh đột quỵ (hay tai biến mạch máu não) xảy ra khi việc cung cấp máu lên não bị ngưng đột ngột, khiến vùng não đó bị thiếu oxy và chất dinh dưỡng.

Theo số liệu tổng hợp từ các bệnh viện có khoa thần kinh trên toàn quốc: Trong 3 năm trở lại đây, số bệnh nhân phải nhập viện vì đột quỵ đang có chiều hướng gia tăng.

Ở Việt Nam, mỗi năm có hơn 200.000 người bị đột quỵ, 50% trong số đó tử vong. Những trường hợp được cứu sống, bệnh nhân cũng có thể mắc phải một số biến chứng như: Nhiễm trùng đường tiết niệu, mất khả năng vận động, rối loạn tâm lý,…

Bệnh đột quỵ trước đây chủ yếu gặp ở những người lớn tuổi (khoảng 50-60 tuổi). Tuy nhiên, thời gian gần đây căn bệnh này có xu hướng trẻ hóa. Điển hình, ngày 9-11, bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho hay vừa cứu sống bệnh nhân VTTN (22 tuổi, ngụ Bình Thạnh) bị nhồi máu não đột quỵ.

Những thực phẩm nên và không nên ăn để phòng ngừa đôt quỵ

Ngoài việc tập thể dục, kiểm tra sức khỏe thường xuyên thì chế độ ăn uống đúng cách cũng góp phần làm giảm nguy cơ đột quỵ.

Ăn gì để ngăn ngừa bệnh đột quỵ?

Ăn rau xanh, cà chua,... có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Theo bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó chủ tịch hội dinh dưỡng Việt Nam, cho biết, thói quen ăn uống hàng ngày cũng có thể giúp chúng ta phòng ngừa đột quỵ.

Theo đó, bác sĩ khuyên chúng ta nên giảm bớt lượng muối và những thực phẩm có nhiều muối (nên ăn dưới 5 gam muối mỗi ngày). Bên cạnh đó, nếu muốn ngăn ngừa đột quỵ, chúng ta nên hạn chế tiêu thụ những thực phẩm có chất béo. Đồng thời hạn chế tiêu thụ thịt đỏ như thịt bò, thịt heo, thịt dê,….

Ngoài những thực phẩm hạn chế, chúng ta nên bổ sung một số loại thực phẩm sau:

Nên ăn những loại ngũ cốc còn nguyên hạt; Các loại rau xanh và các loại quả, hạt có chất chống oxy hóa (như bông cải, cà chua); Một số loại trái cây như cam, chanh, bưởi; Những thực phẩm giàu vitamin E. Những thực phẩm giàu chất béo chưa bão hòa; một số loại cá béo,… Nên sử dụng nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật, cố gắng ăn được 400-500 gam rau/ngày.

Ngoài ra, chúng ta hạn chế bia rượu và các chất kích thích khác. Vì rượu bia và một số chất kích thích khác là một yếu tố khá quan trọng có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, bác sĩ Diệp cho biết thêm.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!