Theo bác sĩ Lê Thị Kim Dung, Phó Giám đốc Viện Sức khỏe sinh sản (RAFH), Phụ trách khoa sản của Trung tâm y tế 178 Thái Hà (Hà Nội), có rất nhiều phương pháp tránh thai, mỗi người lại phù hợp với một phương pháp tránh thai nhất định.
Đặt vòng tránh thai là một phương pháp phổ biến, nhưng chưa hẳn tất cả chị em đều hiểu rõ phương pháp này.
Vòng tránh thai là gì?
Vòng tránh thai vốn là một dụng cụ nhỏ bằng nhựa được đặt vào tử cung. Gọi là 'vòng' vì mấy chục năm trước ta dùng loại có hình tròn như cái nhẫn hay hình bánh xe, nhưng thật ra đó là một mảnh nhựa nhỏ, có nhiều loại như hình chữ T, hình chữ S… Thông dụng nhất hiện nay phải kể đến vòng hình chữ T và hình cánh cung, có quấn đồng. Đuôi vòng có hai dây nhỏ thò ra âm đạo độ 2 - 3 cm, giúp kiểm tra vòng còn ở đúng vị trí hay không.
Cơ chế giúp tránh thai của vòng tránh thai như thế nào?
Vòng tránh thai làm cho tinh trùng không thể đi vào lòng tử cung để gặp trứng bằng cách thay đổi môi trường của nội mạc tử cung, ngăn không cho trứng làm tổ ở đây. Nó thường chỉ dành cho những người đã có một con vì cổ tử cung lúc này đã mở rộng, đưa vòng vào sẽ ít đau hơn.
Việc đặt vòng có thể đạt hiệu quả tránh thai khá cao, vào khoảng 98%. Thời giai tránh thai tùy thuộc vào loại vòng. Với vòng Tcu 380, hiệu quả tránh thai là 8 - 10 năm, còn với loại vòng Multiload, con số là 5 - 6 năm.
Đặt vòng tránh thai có làm mất 'cảm giác'? (Ảnh minh họa: Internet)
Đặt vòng tránh thai tốt nhất khi nào?
Phụ nữ nếu muốn phòng tránh thai bằng cách đặt vòng nên thực hiện vào ngày đầu tiên, ngay sau khi sạch kinh vì khi đó cổ tử cung còn hé mở, việc đặt vòng sẽ dễ dàng hơn. Phụ nữ sau khi sinh thường, nên đặt vòng tránh thai sau 6 tuần lễ. Còn đối với phụ nữ sinh mổ, thời gian đặt vòng tránh thai thường muộn hơn (khoảng sau 3 tháng).
Chị em nếu sau nạo hút thai hoặc sảy thai, muốn đặt vòng tránh nên chờ tới kỳ kinh nguyệt đầu tiên.
Đặt vòng tránh thai có làm mất 'cảm giác'?
Trước khi đặt vòng tránh thai, khi đi khám phụ khoa, các bác sĩ sẽ xác định vị trí tử cung bằng thước đo buồng tử cung chuyên dùng.
Sau đó, bác sĩ sẽ đưa nhẹ vòng tránh thai qua âm đạo của bạn sau đó qua cổ tử cung và cuối cùng là vào được buồng tử cung của bạn. Toàn bộ quá trình đưa vòng tránh thai vào trong cơ thể vẻn vẹn hết 10 phút và đau nhẹ.
Những ngày mới đặt, chị em phụ nữ có thể cảm thấy hơi vướng víu chút ít, nhưng dần dần khi quen, cảm giác ấy cũng sẽ qua mau. Riêng với đàn ông, đa số đều không có cảm giác gì về sự hiện diện của vòng tránh thai.
Chi phí đặt vòng tránh thai
Hiện nay, theo chương trình Dân số kế hoạch hóa gia đình, việc đặt vòng tránh thai được miễn phí cho các chị em ở trạm y tế phường, xã. Ngoài ra, chị em có thể đặt vòng tránh thai tại các phòng khám sản phụ khoa với chi phí từ 500.000- 1.000.000 đồng/ ca.
Với loại vòng tránh thai thế hệ mới Mirena là một loại vòng chứa nội tiết, hiệu quả tránh thai lên đến 99%, khắc phục được những nhược điểm của vòng tránh thai thế hệ cũ như viêm nhiễm, làm rối loạn vòng kinh,…Tuy nhiên, chi phí cho việc đặt vòng tránh thai khá cao, từ 3,5- 5 triệu đồng/ ca.
Đối tượng nào không nên đặt vòng tránh thai?
Đặt vòng tránh thai rất 'kén' người sử dụng. Phương pháp này chống chỉ định với phụ nữ có thai hoặc nghi ngờ có thai, tử cung bị viêm nhiễm, có bệnh lý về đường sinh dục, dị tật bẩm sinh hoặc u xơ làm biến dạng tử cung, bệnh nhân ung thư vú. Vòng tránh thai cũng không khuyến khích cho phụ nữ chưa sinh con
Biểu hiện nguy hiểm sau đặt vòng?
Sau khi đặt vòng tránh thai nếu chị em thấy đau bụng ngày càng nhiều, âm đạo ra máu nhiều và kéo dài, có biểu hiện sốt, tiểu khó, đau khi quan hệ…hãy báo ngay cho các bác sĩ để được xử lý kịp thời.
>> Xem thêm: Thời điểm tốt nhất để đặt vòng tránh thai sau sinh
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!