Đây là những bộ phận chịu nhiều tác động nhất trong cơ thể. Vậy có cách nào có thể khắc phục được tình trạng trên hay không?
Nguyên nhân do đâu?
Những bệnh lý cơ xương khớp hay gặp ở người lớn tuổi như: thoái hóa khớp - cột sống, loãng xương, viêm khớp dạng thấp và chứng đau mạn tính...Trong số những bệnh lý kể trên, khi thời tiết thay đổi, người lớn tuổi hay bị khởi phát nhiều nhất là các cơn gút cấp và viêm khớp mạn tính.
Nguyên nhân là sức đề kháng của cơ thể giảm sút và các yếu tố gây bệnh như vi khuẩn, vi-rút dễ dàng tấn công. Đối với những bệnh nhân bị thoái hóa khớp mạn tính, cơn đau sẽ biểu hiện rõ rệt hơn khi thay đổi thời tiết đột ngột. Đối với bệnh nhân mắc các bệnh lý xương khớp mạn tính dễ bị tái phát, các gân cơ thường bị co rút gây nên chứng vẹo cổ cấp, các khớp đầu gối, bàn chân và tay thường bị đau nhức.
Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp do cơ thể thiếu một số khoáng chất như magie, canxi, sắt kẽm... mọi người có thể dựa vào sự nhức mỏi của cơ thể để đoán được mình đang bị thiếu chất gì. Nếu đau nhức mỏi xương, nhất là về đêm đau nhức các ống xương tay, chân,… người bệnh đau nhức khó chịu muốn trở mình, cảm giác buồn bực là do cơ thể thiếu can xi. Nếu hay bị kích thích cơ, chuột rút, đau cơ có thể thiếu magie. Người mỏi mệt, hay bị táo bón, da xanh có thể đang bị thiếu sắt.
Đau xương khớp thường gặp khi giao mùa (ảnh: Internet)
Đối với người hoạt động quá nhiều và căng thẳng, làm việc thụ động cơ bắp như ngồi lâu trước máy tính, làm việc bàn giấy, trực máy quá lâu …, khiến lượng acid lactic trong tế bào cơ tăng cao, lượng ion kali trong tế bào bị thoát ra bên ngoài dẫn ra tình trạng đau nhức, mỏi mệt, uể oải.
Một số thói quen hàng ngày cũng là nguyên nhân gây nhức mỏi như tư thế ngồi học, làm việc không đúng gây đau lưng, cổ, đầu gối, chân tay nhức mỏi, đi giày cao gót làm đầu gối, hông, lưng đau nhức.
Biện pháp khắc phục
- Vận động, xoa bóp
Để khắc phục chứng nhức mỏi cần gia tăng sự tuần hoàn máu bằng cách vận động sau khoảng thời gian làm việc thụ động quá lâu. Luyện tập được xem như một liều thuốc quý, rất có ích đối với sức khỏe con người và đặc biệt cực kỳ công hiệu trong việc giảm đau nhức. Có rất nhiều hình thức luyện tập mà có thể lựa chọn phù hợp theo độ tuổi, sức lực và sở thích, ví như những môn thể thao bơi lội, aerobic hay chỉ đơn giản là hình thức đi bộ.
Nếu do lao động nặng nhọc cần giảm sự hoạt động quá sức của cơ bắp. Đau, mỏi vai thì xoa bóp vùng gáy cổ, các đốt sống cổ, bả vai, mục đích là làm lưu thông máu, thư giãn cơ, sẽ đem lại hiệu quả. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng biện pháp xoa bóp, bấm huyệt có thể trị chứng đau, nhức mỏi người . Cách day ấn các huyệt dọc theo hai bên sống lưng, từ đốt sống cổ đến tận vùng thắt lưng, khoảng 10 - 15 phút mỗi ngày rất hiệu nghiệm.
Người hay đau nhức cũng có thể sử dụng biện pháp xông hơi cổ truyền trị đau nhức, mỏi vai, cơ bằng các loại lá cây có tinh dầu ở tại nhà. Lưu ý là khi xông xong phải lau khô, tránh gió lùa kẻo bị đau nhức nhiều hơn. Sau khi xông không được tắm nước lạnh, mà uống một tách trà chanh nóng, hoặc trà gừng có ít đường. 2 giờ sau khi xông hơi mới nên tắm lại bằng nước lạnh.
Đối với người mắc bệnh lý mạn tính xương khớp ngoài việc uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ thì cũng có thể sử dụng phương pháp tập luyện, y học cổ truyền nhưng cần có sự tư vấn của các nhà chuyên môn cho phù hợp với thể bệnh và cơ địa.
-Chế độ ăn cân bằng
Chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp bạn chống chọi với bệnh tật (ảnh: Internet)
Chế độ dinh dưỡng thật khoa học cũng góp phần tích cực trong việc giảm đau nhức các khớp xương. Một chế độ ăn uống được coi là hiệu ích bao gồm: Cân bằng và đa dạng hóa việc thu nạp vitamin, khoáng chất, chất chống ô xy hóa và các chất dinh dưỡng khác… Thực hiện chế độ ăn uống giảm cân nếu bạn thuộc nhóm thừa cân, bởi béo phì cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới chứng đau nhức xương khớp…Hạn chế các chất béo từ mỡ động vật, thay vào đó hãy sử dụng dầu thực vật, dầu omega 3 và dầu cá… Thực hiện chế độ ăn uống nhiều rau xanh và trái cây. Ưu tiên thực phẩm giầu canxi, vitamin khoáng chất. Thực phẩm giàu canxi có trong các sản phẩm làm từ đậu tương, cây họ đậu, hạnh nhân, hạt vừng, quả óc chó... Các loại rau lá xanh sẫm (rau muống, rau mồng tơi, cải xanh...), cá hồi, cá mòi, sữa không béo vừa calo thấp, vừa giàu canxi và còn bổ sung các vitamin, khoáng chất, vitamin D giúp tăng hấp thụ canxi.
Thực phẩm giàu magie có trong các loại rau xanh nhiều diệp lục, lúa mì, đậu các loại, quả cứng các loại, thịt, hải sản... Sữa bò, sôcôla cũng giàu magie, nhưng thực phẩm công nghiệp lại rất nghèo magie.
Điều lưu ý, mọi người cần tuyệt đối không tự ý điều trị thuốc đau nhức xương khớp .Vì bệnh lý cơ xương khớp có nhiều thể, chỉ bác sĩ mới biết chính xác và có thể đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
BS. Mai Thanh Tâm
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!