Đau ở trẻ nhỏ: chuyện không nhỏ

Làm mẹ - 11/24/2024

Nhiều cha mẹ còn rất chủ quan khi trẻ khóc vì đau, hoặc không tìm ra giải pháp cho trẻ hết đau.

Nhiều người nghĩ rằng trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, không biết đau hoặc cảm nhận đau như người lớn. Do đó, các bậc cha mẹ thường ít tìm hiểu về phương thức điều trị các dạng đau và lựa chọn thuốc giảm đau thích hợp cho bé.

Những quan điểm sai lầm và cách lượng giá

Hầu hết các bà mẹ không thể đánh giá được mức độ đau của trẻ, vì trẻ khó biểu đạt sự đau đớn để điều trị kịp thời. Mặc khác họ lo sợ về sự ức chế hô hấp và các tác dụng không mong muốn khác của thuốc giảm đau. 'Tất cả những điều này đều là quan điểm sai lầm, dẫn đến việc điều trị đau không thỏa đáng ở trẻ em', GS.TS. Nguyễn Văn Chương, Chủ tịch Hội chống đau Hà Nội chia sẻ.

Theo GS.TS. Nguyễn Văn Chương, từ tuần thứ 23 trong bụng mẹ, thai nhi đã có thể cảm nhận được đau. Giai đoạn trước khi sinh, hệ thần kinh của trẻ đủ phát triển để cảm thụ đau. Nhưng sự nhận biết cảm giác đau và đau như thế nào được bắt đầu từ khi trẻ sinh ra trở đi. Các nghiên cứu cho thấy nhiều dạng đau thường gặp ở trẻ em: đau đầu, đau bụng, đau do viêm khớp, đau do viêm niêm mạc miệng, đau họng do viêm hô hấp, đau do bỏng… Trẻ bị đau, cha mẹ rất xót xa khi chứng kiến trẻ la khóc vì đau đớn nhưng lại khó đánh giá vị trí đau và mức độ đau của con mình.

Đau ở trẻ nhỏ: chuyện không nhỏ

Ảnh minh họa: Internet

Giáo sư Chương lưu ý các bậc cha mẹ trong việc lượng giá đau ở trẻ em: 'Trẻ từ 3 tháng tuổi đến 7 tuổi, cha mẹ có thể theo dõi các phản ứng của cơ thể trẻ, quan sát hành vi của trẻ, kết hợp việc lắng nghe thông tin do trẻ tự báo để tìm hiểu nguồn cơn của sự đau và đau ở chỗ nào. Trẻ từ 8 tuổi trở lên, có cảm giác và miêu tả chính xác mức độ, vị trí đau như người lớn'. Theo đó, giáo sư Chương đưa ra một số quan điểm dựa trên nghiên cứu và kinh nghiệm rằng có những tổn thương hoặc bệnh tật không hề nhìn thấy lại rất đau đớn. Đừng nghĩ rằng trẻ sẽ không bị đau khi ta không nhìn thấy nguyên nhân gây đau.

Đối với trẻ lớn từ 8 tuổi trở lên, sự tự báo chính xác như người lớn nên có thể dễ dàng nhận biết để có cách điều trị hiệu quả. Còn với trẻ nhỏ, việc quan sát hành vi rất quan trọng vì trẻ có thể biểu hiện sự đau đớn qua thay đổi hành vi. Chính cha mẹ phải quan sát để cung cấp thông tin ban đầu lại với bác sĩ, nếu phải đưa trẻ đến bệnh viện điều trị. Sau đó, bác sĩ mới theo dõi bằng cách thức chuyên môn như đo nhịp tim, hơi thở, làm các xét nghiệm… Đối với trẻ dưới 18 tháng tuổi chưa có thể diễn đạt sự đau bằng lời, có thể căn cứ vào biểu hiện: bứt tai, khóc thét và khóc dai, nghiến răng, run môi, giẫy đạp, không cử động hoặc khư khư ôm giữ một phần cơ thể…

Điều trị đau ở trẻ em

Trong số các dạng đau thường gặp ở trẻ em, đau đầu và đau bụng phổ biến hơn khi các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, 85% trẻ em từ 5 - 7 tuổi và 100% trẻ em từ 14 - 16 tuổi có bị đau đầu do nhiều nguyên nhân bệnh và tâm lý. Còn đau bụng lại rất tập trung ở trẻ trong độ tuổi từ 3 - 12 tuần, thường xảy ra do chứng đầy hơi trong dạ dày của trẻ do dạ dày đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Ngoài ra, viêm khớp cũng thuộc loại bệnh gây đau đớn cho trẻ khi đứng hàng thứ 5 trong các bệnh mạn tính thường gặp ở trẻ với tỉ lệ 130/100 000 trẻ. Các triệu chứng thường gặp nhất là: đau - cứng khớp - mệt mỏi. Cường độ đau ở hầu hết trẻ em là nhẹ và vừa. ThS. BS. Tăng Hà Nam Anh, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Trung tâm phẫu thuật thực nghiệm ĐHYD TP.HCM, cho biết: 'Nguyên nhân đau thường gặp tại khớp và quanh khớp của trẻ em là do chấn thương, yếu tố cơ học và các hội chứng phần mềm. Còn với các bệnh nhi nhỏ bị viêm khớp là do liên quan tới nhiễm trùng như: viêm khớp do di chứng của viêm gan B, C, do sốt thấp cấp, viêm nội tâm mạc, do nhiễm độc… hoặc là mắc u ác tính, bệnh bạch cầu. Với trẻ lớn thì có dạng viêm khớp thanh thiếu niên vô căn JIA thường là do viêm cột sống khởi phát thiếu niên, viêm khớp phản ứng, viêm khớp do bệnh lý đường ruột, viêm khớp liên quan tới chỗ bám gân…'.

Về việc điều trị các dạng đau bằng thuốc giảm đau, các bác sĩ đều chung quan điểm là nên sử dụng các loại thuốc giảm đau dạng nhẹ, không gây nghiện cho trẻ. Trước đây loại thuốc được lựa chọn là Paracetamol do tính năng giảm đau, hạ sốt vì có những dạng đau có thể sẽ gây nên những cơn sốt do hệ miễn dịch của cơ thể đang tự bảo vệ lại với tác nhân bên ngoài. Ngoài Paracetamol thì Nurofen trẻ em có chứa hoạt chất Ibuprofen thường được sử dụng trong giảm đau cho trẻ do liều độc thấp hơn nên mức độ an toàn khá cao. Trong quá trình sử dụng, có nhiều trẻ bị dị ứng với Paracetamol thì cha mẹ nên lưu ý, có thể chọn Nurofen dành cho trẻ em (Ibuprofen) để giảm đau cho trẻ. 'Khi thấy trẻ đau, không nên bỏ qua coi như chuyện nhỏ, hãy tìm cách giải quyết sự đau ấy, ngay cả khi trẻ không tự báo', GS. Chương nhấn mạnh.

Lời khuyên của thầy thuốc

Trong quá trình điều trị các dạng đau ở trẻ em, giáo sư Chương cũng lưu ý ngoài dùng thuốc giảm đau, xoa bóp, chườm nước nóng hoặc đá lạnh vào chỗ đau, tuỳ từng dạng đau, để khống chế cơn đau kịp thời, cha mẹ phải kết hợp cả phương pháp điều trị tâm lý bằng cách quan tâm chăm sóc, vỗ về, an ủi. Điều này, sẽ giúp trẻ giảm cơn đau về mặt cảm xúc vì cảm giác sợ đau nhiều khi làm gia tăng sự đau của trẻ nhỏ. Còn với trẻ lớn, sự giáo dục của cha mẹ trong việc tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh, gần gũi với trẻ sẽ giúp trẻ hạn chế.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!