Đau vùng chậu khi mang thai có nguy hiểm không?

Chuẩn bị mang thai - 04/30/2024

Hello Bacsi - Đau vùng chậu là điều thường thấy trong thai kỳ nhưng không phải lúc nào điều đó cũng là bình thường. Hãy cũng Hello Bacsi tìm hiểu nhé!

Đau hoặc cảm giác không thoải mái ở vùng chậu là điều thường thấy trong thai kỳ do sự thay đổi của nồng độ các hormone, sự căng các dây chằng và sự thay đổi của các cơ quan khác để tạo ra không gian đủ rộng cho thai nhi phát triển. Tuy nhiên, không phải lúc nào hiện tượng đau vùng chậu cũng là bình thường, và hôm nay, Hello Bacsi sẽ giúp bạn nhận biết những cơn đau bất thường để bạn có thể quyết định khi nào nên đi khám bác sĩ. Hãy cùng bắt đầu nào.

Trằn nặng hay đau?

Phân biệt được 2 cảm giác này là điểm mấu chốt để quyết định xem bạn có thực sự cần phải tới bác sĩ khám hay không. Trằn nặng bụng dưới là cảm giác có một áp lực ở vùng chậu và trực tràng, cảm giác như muốn rặn ra ngoài, đôi khi, nó tương tự như cảm giác bị chuột rút trong thai kỳ và thường kèm với đau lưng dai dẳng. Nó thường là dấu hiệu của chuyển dạ, sự xoá mở cổ tử cung, thường diễn ra vào những tháng cuối của thai kỳ, nhưng đôi khi, nó vẫn có thể xảy ra vào những tháng giữa. Trong khi đó, đau vùng chậu là cảm giác đau dữ dội và khiến bạn khó khăn khi di chuyển.

Nguyên nhân nào thường gây đau vùng chậu?

Nguyên nhân lành tính thường thấy của đau vùng chậu đó là nhằm giúp giãn nở các khớp vùng chậu để phù hợp với sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, nếu cơn đau dai dẳng kéo dài, bạn nên chú ý để đi khám bác sĩ sản phụ khoa.

Nếu mẹ bầu có cảm giác đau bụng dưới giống như hành kinh thường xảy ra từ tuần thứ 8 đến tuần thứ 12 của thai kỳ, và không kèm xuất huyết âm đạo  thì cơn đau này thường chỉ là do tử cung của bạn đang giãn nở mà thôi.

Nang buồng trứng

Nang chức năng, một loại nang sinh ra do sự thay đổi về phóng noãn của buồng trứng, là một loại nang lành tính thường gặp. Do tác động của thai kỳ, các nang này to ra và khi tử cung cũng to ra lúc mang thai, chúng chèn ép nhau gây cho bạn cảm giác khó chịu. Nếu nang bị vỡ, đây sẽ là một điều tồi tệ đối với bạn, vì vậy, hãy báo cho bác sĩ sản phụ khoa của bạn biết về tiền căn có nang buồng trứng trước đó và bạn sẽ được làm siêu âm để kiểm tra lại. Một số trường hợp khác, nang có thể bị xoắn, thường gặp sau khi bạn vận động mạnh. Trong trường hợp này, cơn đau rất dữ dội và liên tục, bạn có thể bị nôn ói và chảy mồ hôi nhiều, hãy gọi bác sĩ ngay lập tức bạn nhé.

Đau dây chằng tròn

Trong ba tháng giữa của thai kỳ, đôi khi bạn cảm thấy đau ở một bên do dây chằng từ đáy tử cung xuống háng giãn ra. Cơn đau này thường xảy ra khi bạn đi bộ hoặc đứng dậy. Nguyên nhân là do tử cung nghiêng kéo theo dây chằng. Bạn có thể giảm cơn đau bằng cách nằm nghiêng về bên đau, cách này hữu hiệu đến 24 tuần tuổi thai.

Áp lực từ cân nặng của bé

Khi bạn bước vào giai đoạn ba tháng cuối của thai kỳ, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy những áp lực trong vùng chậu khi cân nặng của bé càng tăng nhanh chèn ép xuống dây thần kinh chạy từ âm đạo xuống chân. Cơn đau này xuất hiện điển hình khi bạn cử động như khi đi bộ hoặc lái xe. Để giảm đau bạn có thể nằm nghiêng một bên và thư giãn.

Cơn gò Braxton Hicks

Cảm giác áp lực và thắt lại vùng chậu có thể là do sự co thắt, nhưng nếu cơn co thắt không xảy ra thường xuyên và không đau đớn, đó có thể là một cơn gò “thực tập” trước khi bạn lâm bồn, được gọi là cơn gò Braxton Hick, không phải là cơn gò khi bạn lâm bồn. Những cơn gò “thực tập” này có xu hướng xảy ra trong khoảng 20 tuần và do sự mất nước, vậy nên bạn nhớ uống nước đầy đủ nhé!

Các cơn co thắt có thể tự biến mất nhưng nếu bạn có hơn 4 cơn co thắt trong 1 giờ hoặc 2 giờ, bạn nên gọi để hỏi ý kiến bác sĩ.

Giãn khớp chậu

Càng về cuối thai kì bạn sẽ càng cảm thấy hormone relaxin gia tăng, hormone này giúp dây chằng co dãn để sinh. Relaxin có thể làm giãn khớp chậu, thậm chí có thể hơi hơi tách khớp một ít. Bạn sẽ thường cảm thấy đau ở xương mu, và đôi chân có thể có cảm giác không vững. Một vài bà mẹ phải sử dụng đai hỗ trợ vùng chậu để giữ vững.

Táo bón

Đa số phụ nữ mang thai thường hay phàn nàn về táo bón do nó có thể khiến bạn đau vùng chậu hoặc không thoải mái. Bạn nên uống nhiều nước và ăn nhiều chất xơ như trái cây tươi và rau. Nếu việc đó không giúp bạn thấy dễ chịu hơn, bạn có thể đến bác sĩ sản phụ khoa để được cấp một số loại thuốc làm mềm phân hoặc thuốc nhét hậu môn glycerin.

Nhiễm trùng đường tiểu

Một số triệu chứng điển hình của nhiễm trùng đường tiểu là tiểu gấp, tiểu đau, tiểu rát và tiểu ra máu – nhưng một vài bệnh nhân cũng có thể bị đau bụng dưới.

Điều lo ngại vềchứng nhiễm trùng đường tiểu trong suốt thời kì mang thai là việc nhiễm trùng xâm lấn lên thận và làm tăng nguy cơ sinh non. Đó cũng là lý do tại sao bác sĩ thường cho bạn làm kiểm tra nước tiểu mỗi lần khám thai để kiểm tra liệu có bất kì dấu hiệu nào của vi khuẩn có thể dẫn đến nhiễm trùng tiểu không. Hello Bacsi có một tin tốt dành cho bạn đó chính là nếu bệnh được phát hiện sớm thì có thể dùng kháng sinh điều trị một cách dễ dàng.

Bạn có thể quan tâm một số bài viết sau đây:

  • Cách nào giúp mẹ lựa chọn một bác sĩ sản khoa giỏi?

  • Tư thế ngủ tốt nhất cho mẹ bầu.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!