Đầy hơi trướng bụng - Dùng thuốc sao cho đúng?

Cần biết - 05/10/2024

Đầy hơi, trướng bụng là một triệu chứng rất hay gặp trong cuộc sống hàng ngày. Vậy khi bị đầy hơi, trướng bụng người bệnh cần làm gì và nên dùng thuốc như thế nào?

Nguyên nhân gây đầy hơi, trướng bụng

Thời gian tiêu hóa thức ăn ở dạ dày và hấp thu ở ruột non thông thường từ 3-5 giờ. Nếu quá 3 -5 giờ mà thức ăn vẫn chưa được tiêu hóa sẽ sinh ra trướng bụng, đầy hơi.

Nguyên nhân của chứng bệnh này bắt nguồn từ những thói quen không tốt như: Ăn quá nhiều, ăn những thực phẩm khó tiêu (thức ăn giàu tinh bột; nhiều chất xơ; nhiều chất béo; sử dụng rượu bia, thuốc lá, đồ uống có ga...) hoặc ăn không đúng cách: Ăn quá nhanh, nhai không kỹ, ăn không đúng bữa, đúng giờ, vừa ăn no đã nằm ngay, vừa ăn vừa xem tivi...

Ngoài ra, bệnh còn gặp ở những người bị các bệnh rối loạn tiêu hóa lâu năm, viêm đại tràng, hội chứng ruột kích thích, viêm loét dạ dày, những người hay lo âu, thần kinh căng thẳng hoặc dùng thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau... làm lợi khuẩn đường ruột suy giảm trầm trọng, hại khuẩn phát triển mạnh, chính hại khuẩn sinh ra nhiều các khí hư gây ra đầy bụng, trướng hơi.

Đầy hơi trướng bụng - Dùng thuốc sao cho đúng?

Cần biết được nguyên nhân gây đầy bụng để dùng thuốc phù hợp.

Các nhóm thuốc thông dụng

Để giảm bớt chứng trướng bụng, đầy hơi, có nhiều loại thuốc, trong đó có 3 nhóm thuốc thông dụng:

Nhóm thuốc chống acid, chống tiết acid và chống đầy hơi:Thuốc chống acid: Một số thuốc thường dùng có chứa magnesium hydroxyd và aluminium hydroxyd... Các thuốc này vừa có tác dụng trung hòa acid, vừa chống đầy hơi trong dạ dày. Thuốc có tác dụng kháng acid tại chỗ, hầu như không hấp thu vào máu, do đó ít gây tác dụng toàn thân. Thuốc sử dụng tốt nhất là sau bữa ăn 1-3 giờ và trước khi đi ngủ, dùng 3-4 lần (hoặc nhiều hơn) trong một ngày.

Có thể dùng thuốc bao phủ niêm mạc đường tiêu hóa như gastropulgite, ngoài tác dụng bảo vệ niêm mạc đường tiêu hóa (dạ dày), gastropulgite còn có khả năng hấp phụ khí (hơi) và độc chất, hạn chế đầy hơi, trướng bụng.

Thuốc kháng thụ thể H2 (ranitidin, cimetidin): Có tác dụng ức chế bài tiết acid trong những trường hợp rối loạn tiêu hóa (đầy bụng, khó tiêu, ợ nóng, ợ chua...) chưa chẩn đoán được nguyên nhân, có thể điều trị bằng thuốc này ở người trẻ, nhưng phải thận trọng với người già vì có thể do ung thư dạ dày.

Thuốc ức chế bơm proton (omeprazol, lansoprazol): Có tác dụng ngăn chặn enzym trong thành dạ dày sản sinh acid, nên làm giảm acid dạ dày. Khi sử dụng thuốc này, người bệnh cần uống nguyên viên thuốc để giữ được toàn vẹn các dược chất trong thuốc không bị hòa tan khi gặp môi trường acid trong dạ dày. Thời điểm sử dụng thuốc tốt nhất là trước bữa ăn 30 phút. Như vậy thuốc sẽ có đủ thời gian để phát huy tác dụng ức chế tiết quá nhiều acid dạ dày khi ăn.

Nếu bị chứng khó tiêu đầy bụng kèm theo ợ chua do trào ngược dạ dày thực quản nên dùng các thuốc có chứa thêm thành phần là alginat (gasvicon). Do khi trào ngược alginat có tác dụng tráng bảo vệ niêm mạc thực quản không để acid dịch vị làm tổn thương thực quản.

Nhóm giúp điều hòa sự co bóp của dạ dày: Được dùng khi sự co bóp dạ dày kém dẫn đến việc chuyển đẩy thức ăn từ dạ dày xuống ruột chậm. Có thể dùng thuốc chứa dược chất làm tăng trương lực dạ dày như metoclopramid, domperidon (motilium-M), cisaprid... Khi dùng, thuốc có tác dụng kích thích, điều hòa, phục hồi lại nhu động đường tiêu hóa, do đó làm giảm triệu chứng bệnh.

Nhóm chứa men tiêu hóa:Được sử dụng trong trường hợp xác định đầy hơi, trướng bụng do rối loạn men tiêu hóa. Có thể dùng nhóm thuốc có chứa men tiêu hóa hoặc dược chất có tác dụng lợi mật, thông mật…

Thông dụng nhất là dùng enzym dịch tụy (alipase, festal, pancréalase, néo-peptin) được chiết xuất từ các cơ quan của lợn, bò được phối hợp trong các chế phẩm hỗn hợp gồm nhiều loại enzym với công dụng chuyển hóa thức ăn chủ yếu là các chất đạm, đường, bột và chất béo.

Mặc dù men tiêu hóa có tác dụng tốt nhưng phải dùng đúng cách: Không uống vào lúc đói (sẽ gây kích ứng niêm mạc dạ dày, dẫn đến viêm loét dạ dày), không dùng vào thời điểm trước bữa ăn, tốt nhất nên dùng sau bữa ăn khoảng 1 giờ.

Thời gian dùng tối đa là 2 tuần bởi việc dùng men tiêu hóa kéo dài có thể làm thay đổi chức năng cơ quan tiêu hóa, tác động vào các cơ quan và bộ phận tiết men, làm các cơ quan này giảm tiết dịch tiêu hóa và mất chức năng vốn có.

Lời khuyên cho người bệnh

Người bệnh tuyệt đối không nên sử dụng các loại thuốc bừa bãi, không tự ý mua thuốc uống nếu không được sự chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, nên có chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý để giúp cải thiện tình trạng bệnh của mình được tốt nhất.

Để phòng ngừa các triệu chứng đầy hơi, trướng bụng, người bệnh cần được thăm khám, làm các xét nghiệm cần thiết để tìm nguyên nhân gây đầy hơi, trướng bụng, điều trị tận gốc các bệnh gây ra triệu chứng này.

Trong ăn uống sinh hoạt, người bệnh cần tránh ăn uống thất thường, không đúng giờ, ăn quá nhanh, vội, tránh căng thẳng tâm lý, tránh stress dễ gây đầy hơi, trướng bụng.

Tránh ăn các thức ăn có nhiều dầu mỡ, nhiều đạm. Hàng ngày nên vận động, tập luyện đều đặn giúp tăng cường hấp thu, tiêu hóa, tránh các triệu chứng đầy hơi, trướng bụng do ít vận động, ngồi lâu gây ra...

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!