Để con không chạy vòng vòng mà ngồi yên tự xúc ăn thun thút không khó, chỉ là bố mẹ có chịu khó hay không

Làm mẹ - 11/24/2024

Để con trẻ chịu ăn là một điều không khó. Chỉ là bố mẹ hãy cho con quyền được ăn như con muốn, ăn bao nhiêu tùy ý con và đừng lo sợ con đói.

Con tôi đã tự xúc ăn từ khi 16 tháng tuổi, đến khi 22 tháng, thằng bé đã tập tành dùng đũa và giờ thì ngồi ăn 'ngon lành' như người lớn. Tôi viết những điều này không phải để dạy đời hay 'lên mặt' gì với các bậc phụ huynh đang phải chạy theo con bón từng thìa cơm, tôi chỉ muốn chia sẻ và đồng cảm với những tâm tư mà các bạn đã và đang trải qua thôi.

Tôi hiểu mọi người đã rất vất vả nấu những bữa ăn ngon miệng cho con, kì công dụ dỗ, đút ép con hết món này đến món khác, nhưng con không ăn vẫn là không ăn, con ngậm cơm, con chạy lung tung trong bữa ăn vẫn xảy ra ngày ngày. Tôi hiểu nỗi lo con ốm, con sụt cân, con mất sức của các bạn nhưng để con thay đổi việc ăn uống, trước hết chính các bạn cần phải thay đổi.

Để con trẻ chịu ăn là một điều không khó. Chỉ là bố mẹ hãy cho con quyền được ăn như con muốn, ăn bao nhiêu tùy ý con và đừng lo sợ con đói. Đừng ép con ăn bằng bốn chữ: 'Con có ăn không!' mà thay vào đó hãy làm những việc thiết thực hơn. Bạn hãy thử tham khảo những cách thức tôi đã áp dụng với con tôi, điều chỉnh đôi chút cho phù hợp với con của mình và theo dõi kết quả ra sao nhé. Đừng vội nản khi thấy đã luyện cả tháng mà con vẫn chưa làm theo. Bạn nên nhớ rằng người lớn chúng ta mất 28 ngày để hình thành một thói quen, trẻ nhỏ cũng như thế thôi bạn à.

Một điều quan trọng nữa, đừng so sánh, đừng sốt ruột khi thấy những đứa trẻ cùng lứa được áp dụng cách tương tự nhưng đã tự xúc ăn, ngồi yên ăn mà con bạn vẫn chưa được như thế. Mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt, thể chất, tâm lý và tính cách bé cũng sẽ khác nhau. Bạn hãy kiên trì, thật kiên trì nhé.

Vào chủ đề chính, để con tự giác xúc cơm ăn từ khi 16 tháng như thế, tôi đã áp dụng những cách sau:

Rèn cho con thói quen ăn uống càng sớm càng tốt

Tôi đã phải tập luyện cho con thói quen ăn uống ngay từ khi con đã ngồi vững vàng. Khi ấy con chưa được 12 tháng tuổi. Có thể bạn sẽ nghĩ rằng tôi tập luyện cho con quá sớm nhưng thực tế thì không. Càng bắt đầu sớm, bé sẽ càng có nhiều thời gian để thích nghi, làm quen và duy trì thói quen đó.

Để con không chạy vòng vòng mà ngồi yên tự xúc ăn thun thút không khó, chỉ là bố mẹ có chịu khó hay không

Càng bắt đầu sớm, bé sẽ càng có nhiều thời gian để thích nghi, làm quen và duy trì thói quen đó (Ảnh: Internet)

Khi con đã ngồi vững vàng, tôi cho con vào ghế ăn vào mỗi khi gia đình quây quần bên mâm cơm, nếu khi đó con không khóc đòi ngủ. Lúc đó, tôi sẽ cho con ít bánh ăn dặm, hoa quả hay rau củ đã được hấp nhừ, cắt vừa ăn. Bữa ăn nào cũng thế, người lớn ăn, con cũng sẽ được ngồi chung mâm, và dĩ nhiên trong bữa ăn, gia đình tôi sẽ không xem tivi gì cả. Đó là một cách tôi tạo thói quen ăn uống cho con.

Luôn phải ngồi trên ghế ăn

Để con không chạy vòng vòng mà ngồi yên tự xúc ăn thun thút không khó, chỉ là bố mẹ có chịu khó hay không

Dù là bữa chính hay bữa phụ, ăn ít hay nhiều, con vẫn luôn phải ngồi trên ghế ăn (Ảnh: Internet)

Có lẽ đây là nguyên tắc mẹ nào cũng nghe nhưng ít mẹ thực hiện. Khi con bắt đầu ăn dặm, tôi đã cho con vào ghế ngồi ăn, dù ăn vài thìa cũng ngồi trong ghế. Ăn hoa quả, bánh ăn dặm, sữa chua… bất kì là ăn món gì tôi cũng cho con vào ghế ngồi ăn cả. Nếu con có dấu hiệu muốn rời khỏi ghế, tôi sẽ nói: 'Nếu con không ngồi ghế nữa thì mẹ dọn thức ăn', đồng thời dọn hẳn. Nhiều lần như thế, bé sẽ quen. Tôi giữ đúng nguyên tắc 'rời khỏi ghế ăn là không được ăn nữa' cho đến nay, khi con đã gần 3 tuổi.

Một điều nữa là tôi tuyệt đối không cho con đi rong để con có thể ăn thêm được vài thìa nữa.

Cho con tự xúc khi con muốn

Đa phần bố mẹ có một điểm chưa hay là dù con đòi tự xúc ăn nhưng vì sợ con chưa quen dùng muỗng, sợ con làm đổ nên đã không cho con được tự làm việc này. Đó là sai lầm bố mẹ nên thay đổi. Con đã có ý thức muốn tự làm nhưng bố mẹ lại ngăn cản, dần dà con sẽ chẳng tìm thấy niềm vui ăn uống nữa, mà chỉ thấy đó như một nghĩa vụ, bố mẹ đút, mình phải ăn.

Khi con tôi đã có thể cầm đồ vật một cách chắc chắn, tôi đưa con một chiếc thìa bé, cầm tay con xúc cháo trong chén rồi đưa vào miệng. Tôi một thìa, con một thìa, cứ thế hai mẹ con 'chơi' đến khi xong bữa ăn. Chuyện con xúc rồi cháo vương vãi ra ngoài là thường xuyên, chuyện con đang xúc bỗng 'hứng chí' quăng thìa xuống đất rồi cười khanh khách là quá bình thường. Con lỡ làm đổ cháo thì tôi lau dọn, con cố ý quăng thìa thì tôi nghiêm mặt, bảo con không được làm thế nữa.

Để con không chạy vòng vòng mà ngồi yên tự xúc ăn thun thút không khó, chỉ là bố mẹ có chịu khó hay không

Chuyện con xúc rồi cháo vương vãi ra ngoài là thường xuyên, chuyện con đang xúc bỗng 'hứng chí' quăng thìa xuống đất rồi cười khanh khách là quá bình thường (Ảnh: Internet)

Khi lớn hơn, đã có nhận thức hơn, con muốn dùng thìa tôi cho dùng thìa, muốn dùng nĩa tôi cũng cho dùng nĩa. Bé sẽ tự nhận ra đâu là vật dụng sẽ giúp bé xúc được thức ăn mà không bị rơi rớt ra ngoài. Đừng dập tắt ý muốn được khám phá và tự chủ trong bữa ăn của con.

Và dĩ nhiên, con tôi vẫn phải ngồi trong ghế mỗi bữa ăn như vậy.

Duy trì thói quen ngồi ăn cùng gia đình

Tôi giữ cho bé thói quen ngồi chung mâm cơm với người lớn từ khi bé ngồi vững cho đến bây giờ. Dù con đã ăn bữa chính rồi nhưng khi người lớn ngồi vào bàn ăn, tôi vẫn cho con ngồi vào ghế ăn như khi bé. Khi con được hơn 1 tuổi, đã chán những món như bánh ăn dặm hay trái cây như trước, tôi chà cơm hơi nát rồi cho vào bát để con tự xúc ăn mỗi khi người lớn dùng bữa. Khi thì ngoan ngoãn dùng thìa xúc, khi thì dẹp thìa, dùng tay bốc ăn ngon lành. Tôi cũng mặc, để con muốn ăn bằng cách nào cũng được và chịu khó dọn dẹp mỗi khi con ăn xong.

Kêu gọi sự hỗ trợ từ gia đình, cô giáo

Sự hỗ trợ ở đây là tính nhất quán từ nhà đến trường, từ bố mẹ đến ông bà. Khi con đến tuổi đi nhà trẻ, tôi nhắn nhủ cô giáo nếu được hãy cho con tự xúc ăn và may mắn, cô giáo đồng ý, thậm chí là luôn khích lệ con tự xúc. Ở nhà, tôi kêu gọi bố mẹ, chồng cũng thống nhất theo cách tôi cho con ăn. Tuyệt đối không bế đi rong, không cho rời khỏi ghế ăn…

Không tivi, không đồ chơi, không điện thoại

Khi con không muốn ăn, tôi sẽ không dùng tivi hay đồ chơi để dụ dỗ. 'Lôi kéo' vài lần con không chịu ăn nữa, tôi sẽ cho con ngưng xuống chơi đồ chơi và dọn dẹp hẳn bữa ăn. Tuyệt đối không bao giờ có việc: 'Ăn đi mẹ cho đi công viên', 'Ăn một muỗng mẹ lấy đồ chơi cho', hay 'Mẹ mở tivi cho con xem nhé'. Điều này đòi hỏi bố mẹ phải có lập trường kiên định, dứt khoát, nếu muốn tạo thói quen cho con.

Không ăn quá 30 phút

Khi bữa ăn kéo dài quá 30 phút, tôi sẽ dọn bữa, không cho con ăn nữa. Bạn đừng lo con sẽ đói, không đủ chất dinh dưỡng. Bữa ăn này bé đói, bữa kế tiếp bé sẽ tự biết ăn để đủ no.

Bố mẹ phải kiên trì

Đó là chìa khóa quan trọng nhất trong việc rèn cho con thói quen ăn uống. Như tôi đã nói ở trên, người lớn chúng ta mất 28 ngày để hình thành thói quen, thế nên bố mẹ hãy để con cũng có một khoảng thời gian thích nghi với thói quen ấy. Thời gian có thể lâu hơn người lớn nên vì thế, bố mẹ hãy thật kiên trì và nhẫn nại nếu muốn con tự giác trong chuyện ăn uống nhé.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!