Để răng trẻ chắc khỏe phải chăm sóc ngay từ nhỏ

Nuôi dạy con - 04/28/2024

Làm cha mẹ, ai cũng mong muốn cho con mình có một hàm răng đẹp

Ngoài nhiệm vụ nhai nghiền, nhào trộn thức ăn, răng còn có vai trò thẩm mỹ làm nổi bật gương mặt của trẻ. Tuy nhiên, để bảo vệ răng cho trẻ chắc, khỏe ngay từ nhỏ không phải là điều cha mẹ nào cũng biết.

Làm thế nào để bảo vệ răng cho bé ngay từ khi còn nhỏ?

Hạn chế cho trẻ ăn thức ăn ngọt, không cho trẻ ăn quà vặt, bánh kẹo, tăng cường cho trẻ ăn thức ăn giàu protein, canxi, phốt pho, vitamin A và D... để giúp cho răng phát triển vững chắc. Nếu cơ thể không được dung nạp đầy đủ các chất dinh dưỡng, răng của bé không những mọc chậm mà sau khi mọc còn bị vi khuẩn xâm nhập, gây sâu răng. Khi bé được 8 tháng đến 2,5 tuổi là thời điểm quan trọng cho răng phát triển. Phụ huynh nên lưu ý cho bé ăn đầy đủ chất và tăng cường: sữa, thịt, cá, tôm, cà rốt... Ngoài ra cũng nên cho bé ăn thức ăn có chứa flo, như tôm cua, sò... Flour là yếu tố vi lượng không thể thiếu được cho việc bảo vệ răng. Chất flour có trong men răng có tác dụng ngăn ngừa sâu răng và làm trắng răng.

Giúp bé có thói quen giữ gìn vệ sinh răng miệng. Phụ huynh nếu bị sâu răng không nên nhai thức ăn cho trẻ, để tránh vi khuẩn từ người sâu răng truyền sang. Trẻ được 1 tuổi trở đi, sau khi ăn cơm, hoặc trước khi đi ngủ không được ăn bánh kẹo. Bé dưới 1 tuổi trước khi đi ngủ có thể dùng khăn mềm lau răng lợi cho trẻ. Nếu răng của bé có hiện tượng sâu, phụ huynh nên kịp thời đưa con đến bệnh viện hoặc bác sĩ nha khoa càng sớm càng tốt.

Để răng trẻ chắc khỏe phải chăm sóc ngay từ nhỏ

Thường xuyên khám răng cho trẻ để bảo vệ răng cho bé. Ảnh: TM

Nếu con bị sún răng

Trẻ từ 2-3 tuổi, có hiện tượng răng cửa đen dần rồi cụt đi, người ta gọi đó là răng sún. Sún răng là một loại bệnh ở tổ chức cứng của răng sữa bị tổn thương, thường xảy ra ở nhóm răng hàm trên. Lúc đầu ở phần giữa mặt ngoài răng cửa trên sát cổ răng xuất hiện một chấm đen sau lan rộng theo một đường ngang sang mặt bên, men bị vụn làm gãy thân răng.

Thường trẻ sún răng ít khi bị đau, các bậc cha mẹ thường lo lắng than răng sẽ bị cụt đi sẽ khó nhổ và ảnh hưởng tới răng vĩnh viễn. Do đó chỉ có các chân răng nào gây biến chứng sưng đau nhiều mới cần nhổ trước tuổi, còn các thân răng khác không gây biến chứng chỉ nhổ khi đến tuổi thay răng.

Đến thời kỳ trẻ thay răng

Tất cả các răng cửa đều được thay thế bằng răng vĩnh viễn theo các thứ tự:

Răng cửa giữa thay khi bé 6-7 tuổi.

Răng cửa bên thay khi bé 7-8 tuổi.

Răng hàm sữa thứ nhất thay khi bé 9-10 tuổi.

Răng nanh sữa thay khi bé 10-11 tuổi.

Răng hàm sữa thứ hai thay khi bé 11-12 tuổi.

Răng hàm lớn vĩnh viễn (răng 6, 7, 8) chỉ mọc một lần không thay, răng số 6 mọc lúc 6 tuổi,  răng số 7 mọc lúc 12 tuổi, răng số 8 mọc khi 15 tuổi trở lên và còn gọi là răng khôn...

Những thói quen xấu ảnh hưởng chất lượng răng của trẻ

Nghiến răng: Một số trẻ nghiến siết các răng mạnh đến nỗi làm vỡ men bờ cắn của các răng sữa hoặc gây mòn nhiều răng.

Thở miệng: Trẻ thở miệng có thể do đường mũi bị cản trở, do có thói quen thở miệng hoặc trẻ thở bằng mũi nhưng vì môi trên quá ngắn nên miệng vẫn hở khi thở mũi. Điều này dễ dẫn đến răng bị mọc lệch lạc.

Mút môi: Lâu ngày dẫn đến các răng cửa dưới nghiêng vào trong về phía lưỡi và các răng cửa trên nghiêng ra trước, về phía môi gây nên tình trạng răng chìa quá mức và răng trên che phủ răng dưới nhiều.

Mút ngón tay: Mút ngón tay hay gặp ở trẻ em, khoảng 50% ở trẻ 1 tuổi. Nếu thói quen này kéo dài đến thời kỳ mọc răng cửa vĩnh viễn hàm trên, sẽ gây ra những rối loạn cho việc mọc răng hoặc sắp xếp răng hoặc cả hai.

Đẩy lưỡi hoặc nuốt lệch: Tật đẩy lưỡi làm các răng cửa trước ở hàm trên và hàm dưới nghiêng ra phía trước và răng bị thưa có thể gây cắn hở (do lưỡi đặt vào giữa răng cửa trên và dưới, cản trở sự mọc lên bình thường của các răng này).

Chăm sóc răng cho trẻ là công việc thường nhật của cha mẹ. Không nên quan niệm là răng sữa sẽ thay và không cần điều trị, nhổ rồi sẽ thay bằng răng khác. Nếu nhổ răng sớm chưa đến thời kỳ thay răng trẻ sẽ không có răng để ăn, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và ảnh hưởng tới việc mọc răng sau này.

BS. Lê Hà

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!