Theo BS. Nguyễn Thị Thúy, Bộ Y tế, dị ứng thuốc có thể xảy ra do tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc và tùy thuộc vào cơ địa của từng người. Đặc biệt, BS. Vân cũng cảnh báo rằng, dị ứng thuốc là một tai biến nhiều khi rất nguy hiểm, gây tổn thương ở hầu hết các cơ quan, từ ngoài da đến nội tạng. Cấp cứu và điều trị nhiều khi rất phức tạp, kéo dài, tỉ lệ tử vong cao, đặc biệt là với bệnh nhân ở xa cơ sở y tế.
Vậy khi bị dị ứng chúng ta nên làm gì để giảm những biến chứng có thể xảy ra. Những kiến thức này sẽ được BS. Vân tư vấn và giải đáp.
Câu hỏi 1: Em bị dị ứng thuốc tây. Mỗi lần uống thuốc là người nổi mẩn ngứa. Xin hỏi Bác sĩ có cách nào điều trị mẩn ngứa. Cảm ơn Bác sĩ!
Trả lời:
Chào em,
Em chỉ nói em bị dị ứng với thuốc tây, không biết em bị dị ứng thuốc gì? Kháng sinh, thuốc hạ sốt giảm đau hay vitamin? Biểu hiện sau uống thuốc, ngoài nổi mẩn ngứa, em có kèm theo các triệu chứng khác không? Thuốc do bác sĩ chỉ định hay thuốc em tự mua? Tôi không thể tư vấn chính xác cho em được. Em có thể tham khảo một số cách xử trí dị ứng sau uống thuốc dưới đây:
Dị ứng có thể xảy ra do việc sử dụng thuốc của người dân, uống thuốc, tiêm thuốc không theo đơn, không theo hướng dẫn của bác sĩ, không đúng bệnh và liều lượng cũng là nguyên nhân gây ra dị ứng thuốc.
- Một số thuốc hay gây dị ứng là dòng thuốc kháng sinh (penicilin, streptomycin, chlorocid, sulfamid), thuốc hạ nhiệt, giảm đau (aspirin, pyramidon, paracetamol, butadion), thuốc an thần, gây ngủ, gây tê (luminal, gardenal, novocain), thuốc chữa bệnh phong, lao, sốt rét, đái tháo đường, đau khớp, gút, một số loại thuốc bổ, vitamin, thuốc đông y... với người có cơ địa dị ứng cũng gây nên tai biến dị ứng.
Ảnh minh họa
Triệu chứng khi bị dị ứng thuốc rất đa dạng, nhẹ là các kích ứng gây buồn nôn, nôn, nặng có thể sốt cao, hôn mê, tổn thương các cơ quan như thận, gan… dẫn đến tử vong. Các triệu chứng thường gặp khi bị dị ứng thuốc:
- Mày đay:là biểu hiện lâm sàng nhẹ và thường là triệu chứng ban đầu, gặp phần lớn các trường hợp bị dị ứng thuốc. Sau khi dùng thuốc từ 5-10 phút, hoặc vài ngày, người bệnh cảm thấy nóng người, ngứa, da nổi ban cùng sẩn phù. Trường hợp nặng có thể khó thở, đau bụng, đau khớp, chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, mệt mỏi, sốt cao…
- Phù Quincke: là tình trạng phù cục bộ, thường xuất hiện nhanh, sau khi dùng thuốc, ở những vùng da mỏng như môi, cổ, quanh mắt, bụng, các chi, bộ phận sinh dục... Màu da vùng phù bình thường hoặc hơi hồng nhạt, đôi khi phối hợp với mày đay. Trường hợp phù Quincke ở họng, thanh quản, người bệnh có thể bị nghẹt thở; ở ruột, dạ dày gây đau bụng; ở não gây đau đầu…
- Viêm da dị ứng:biểu hiện là ban đỏ, ngứa, phù da, mụn nước và tiến triển theo nhiều giai đoạn. Thời gian xuất hiện nhanh sau một vài giờ, trung bình sau vài ba ngày, có khi hàng tuần sau khi dùng hoặc tiếp xúc với thuốc.
- Đỏ da toàn thân: bệnh thường xảy ra từ 2-3 ngày, trung bình 6-7 ngày, đôi khi 2-3 tuần sau khi dùng thuốc. Người bệnh thấy nóng người, ngứa khắp người, sốt cao, rối loạn tiêu hóa, ban đỏ toàn thân, trên da có vảy trắng, các kẽ chân tay có thể nứt và chảy nước vàng, nếu bị bội nhiễm có mủ.
- Chứng mất bạch cầu hạt: là bệnh nhân sốt cao đột ngột, mệt mỏi, sức khỏe giảm sút nhanh, nổi ban dạng sởi, dạng xuất huyết, loét hoại tử niêm mạc miệng, mũi họng, cơ quan sinh dục, viêm phổi, viêm tắc tĩnh mạch, nhiễm xuất huyết, bệnh nhân dễ bị tử vong.
- Bệnh huyết thanh: thường biểu hiện vào ngày thứ 2 đến ngày thứ 14, sau khi dùng thuốc. Bệnh nhân mệt mỏi, chán ăn, mất ngủ, buồn nôn, đau khớp, sưng nhiều hạch, sốt cao 38-39 oC, gan to, mày đay khắp người. Nếu phát hiện kịp thời và ngừng ngay việc dùng thuốc, các triệu chứng trên sẽ dần hết.
- Hồng ban đa dạng:xuất hiện sau một vài ngày dùng thuốc. Bệnh nhân có thể sốt nhẹ, mệt mỏi, đau khớp, sưng hạch, có cảm giác nóng bỏng toàn thân, trên da xuất hiện các sẩn tròn giống sẩn mày đay, rìa nổi gờ cao, đỏ hơi cộm, vùng trung tâm của sẩn hơi lõm và nhăn. Ngoài sẩn còn có các mụn nước, bọng nước, tổn thương niêm mạc các hốc tự nhiên, tổn thương nội tạng… trường hợp nặng có thể gây tử vong.
- Sốc phản vệ: là tai biến dị ứng nghiêm trọng, dễ gây tử vong. Triệu chứng đa dạng, có thể xảy ra ngay sau khi dùng thuốc vài giây cho đến 20-30 phút, khởi đầu bằng cảm giác lạ như tê môi, lưỡi, bồn chồn, sợ hãi... Tiếp đó là sự xuất hiện nhanh các triệu chứng như khó thở, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt, ngứa khắp người, đau quặn bụng, tiểu tiện, đại tiện không tự chủ, thể cấp tính người bệnh có thể hôn mê, nghẹt thở, rối loạn nhịp tim, ngừng tim và tử vong sau ít phút.
Dị ứng thuốc là một tai biến nhiều khi rất nguy hiểm, gây tổn thương ở hầu hết các cơ quan, từ ngoài da đến nội tạng. Cấp cứu và điều trị nhiều khi rất phức tạp, kéo dài, tỉ lệ tử vong cao, đặc biệt là với bệnh nhân ở xa cơ sở y tế.
Dự phòng dị ứng thuốc không phải dễ, nhiều khi ngay cả bản thân thầy thuốc cũng không thể lường trước được phản ứng của từng bệnh nhân đối một loại thuốc nào đó. Vì vậy, cách tốt nhất mọi người không nên lạm dụng thuốc và đặc biệt không tự mua thuốc để điều trị, nhất là kháng sinh và một số thuốc chuyên khoa đặc trị, kể cả thuốc nhỏ mắt, bôi da có chứa kháng sinh cũng phải tuân theo chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa.
- Khi thấy nổi hồng ban trên da, đặc biệt có kèm thêm tổn thương niêm mạc như mắt, mũi, miệng hoặc bất cứ một biểu hiện bất thường nào sau khi dùng bất cứ một loại thuốc nào... thì bệnh nhân không được tự ý điều trị bằng các biện pháp dân gian mà phải đến bệnh viện ngay để được khám chữa kịp thời.
- Người bệnh nên nhớ tiền sử dị ứng thuốc của mình và báo với bác sĩ khi phải chữa bệnh và sử dụng thuốc.
- Khi có biểu hiện dị ứng thuốc thì phải ngưng sử dụng thuốc ngay lập tức, báo cho bác sĩ điều trị của mình, để có hướng xử lý và điều trị kịp thời.
Chúc sức khỏe!
Câu hỏi 2: Thưa bác sĩ, tôi thường bị dị ứng, bất kể mùa nào, vào thời tiết gì. Vậy có thuốc nào đặc hiệu để tôi trị dị ứng dứt điểm không?
Ảnh minh họa
Trả lời:
Chào bạn,
Bạn không nói rõ biểu hiện dị ứng của bạn như thế nào, có người dị ứng thời tiết thì nổi mẩn, ngứa hay còn gọi là mề đay, có người bị hắt hơi sổ mũi, có người bị hen... Khi bị dị ứng, tùy từng cơ quan bị dị ứng có cách chữa khác nhau. Bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa dị ứng để có phác đồ điều trị thích hợp. Bạn có thể tham khảo phương pháp điều trị dị ứng sau đây:
- Tránh gây dị ứng: Bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân gây và tránh dị ứng. Điều này là bước quan trọng nhất trong việc ngăn ngừa phản ứng dị ứng và làm giảm bớt các triệu chứng.
- Sử dụng một số thuốc để giảm triệu chứng: Thuốc có thể giúp giảm phản ứng của hệ miễn dịch và giảm triệu chứng. Các loại thuốc sử dụng phụ thuộc vào loại dị ứng hiện có. Có thể bao gồm thuốc ở dạng uống, thuốc xịt mũi hoặc nhỏ mắt. Một số loại thuốc dị ứng thông thường bao gồm corticosteroid, kháng histamin, thuốc làm thông đường mũi...
- Miễn dịch liệu pháp: Đối với dị ứng nặng hoặc điều trị không thuyên giảm, bác sĩ có thể khuyên nên có các mũi tiêm ngừa dị ứng (miễn dịch liệu pháp), tiêm các mũi chiết xuất chất gây dị ứng tinh khiết, thời gian tiêm khoảng một vài năm.
- Epinephrine khẩn cấp: Nếu bị dị ứng nặng, bác sĩ có thể cung cấp một mũi tiêm epinephrine khẩn cấp và để thực hiện ở tất cả các lần sau. Do phản ứng dị ứng nặng, một mũi tiêm epinephrine có thể làm giảm triệu chứng cho đến khi nhận được điều trị khẩn cấp.
Chúc sức khỏe!
SongKhoe.vn cung cấp tính năng gửi câu hỏi cho các Chuyên gia, Bác sĩ uy tín miễn phí. Bấm vào đây để gửi câu hỏi. Tham khảo hàng ngàn câu hỏi đã được Chuyên gia, Bác sĩ trả lời tại đây.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!