Chạy bộ dưới cái nắng gay gắt luôn tiềm tàng những rủi ro nguy hiểm như cháy da, say nắng, mất nước và kiệt sức. Tuy nhiên, luôn có cách để bạn vận động mọi nơi mọi lúc, miễn là bạn thực hiện đúng cách.
Nếu bạn vẫn thích dành thời gian để chạy bộ ngoài trời, dù trong thời tiết nóng bức như thế này, bạn nên tham khảo các mẹo sau để giúp cơ thể thích nghi tốt hơn với việc chạy bộ mùa nắng nóng nhé.
Lựa chọn thời điểm thích hợp cho việc chạy bộ
Từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều là khoảng thời gian nóng nhất trong ngày, bạn cần trách thực hiện những hoạt động mạnh. Nếu không thể chạy lúc sáng sớm, bạn nên đợi đến tối khi thời tiết mát mẻ hơn.
Vào những ngày quá nóng hoặc độ ẩm quá cao, bạn có thể tạm nghỉ một ngày hoặc đến phòng gym để chạy. Bạn đừng đặt nặng vấn đề này đối với bản thân mà lao ra đường, vì nhiệt độ quá cao sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và sẽ mất rất nhiều thời gian để cơ thể hồi phục sau một buổi chạy với thời tiết không mấy dễ chịu như thế. Tập thể dục rất tốt, nhưng bạn nên luyện tập một cách thông minh.
Mặc quần áo thoải mái
Bạn nên mặc quần áo rộng, đeo kính mát và dùng kem chống nắng khi ra ngoài chạy bộ.
Nếu bạn thích trang phục màu đen, hãy tạm cất nó vào tủ đồ vì quần áo màu tối sẽ gây bức xạ nhiệt khiến bạn cảm thấy oi bức hơn. Bạn nên thay thế bằng các trang phục màu sáng, rộng rãi và có khả năng thoát nhiệt tốt để giúp bạn luôn cảm thấy thoải mái.
Nghỉ ngơi một chút
Bạn hãy giữ cơ thể bạn mát mẻ bằng cách thêm một phút nghỉ vào mỗi năm phút chạy bộ trong suốt quá trình vận động. Khi thấy khỏe hơn, bạn có thể rút ngắn hoặc bỏ bớt giờ nghỉ để hoàn thành đường chạy.
Bổ sung đầy đủ nước
Trước khi chạy 30 phút, bạn nên uống ít nhất 0,5 lít nước để chuẩn bị. Sau đó, cứ mỗi 15−20 phút, bạn cần uống 200−300 ml nước để bổ sung cho lượng nước bị thất thoát qua mồ hôi.
Nếu chỉ chạy dưới 45 phút, có thể bạn không cần phải bổ sung nước dọc đường, nhưng nếu đường chạy dài hơn mức đó, bạn nên tính toán mang theo đủ nước hoặc nghiên cứu trước các điểm bán nước dọc theo đường chạy để tránh tình trạng cơ thể mất nước dễ bị choáng và ngất xỉu nếu không bổ sung nước kịp thời.
Giảm tốc độ
Tim bạn sẽ đập nhanh hơn bình thường dưới điều kiện nóng bức. Thế nên bạn sẽ cảm thấy nhanh xuống sức hơn so với bình thường khi vận động. Do vậy, bạn hãy chạy từ từ để cơ thể quen với cái nóng và xem máy đo nhịp tim để điều chỉnh tốc độ cho phù hợp với cơ thể, như vậy bạn sẽ chạy bộ hiệu quả hơn.
Khi cơ thể đã làm quen dần với cái nóng, bạn có thể tăng dần tốc độ để chạy ở tốc độ bình thường. Bạn nên hạn chế tối đa các bài luyện tập có cự ly chạy dài hoặc tốc độ cao trong ngày nắng nóng gay gắt.
Chạy trong nhà
Vào những ngày cực kỳ nóng, bạn cần cân nhắc việc tập luyện trên máy chạy bộ. Bạn sẽ không bỏ lỡ buổi tập nào và hiển nhiên không phải mệt mỏi vì cái nắng gay gắt bên ngoài.
Chú ý đến các tín hiệu của cơ thể
Nếu bạn cảm thấy chóng mặt, ngứa mắt hoặc chuột rút, hãy mau ngừng chạy và tìm chỗ râm mát để nghỉ mệt. Bạn hãy luôn mang theo điện thoại bên mình để có thể liên lạc trong trường hợp khẩn cấp.
Hello Bacsi hy vọng bạn sẽ áp dụng những kiến thức trên vào các bài luyện tập thể dục của mình để đạt được kết quả mong muốn bạn nhé.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Chạy bộ có giúp bạn giảm cân?
- Đi bộ, cách vận động tốt nhất cho người cao huyết áp
- 10 chấn thương phổ biến khi chạy bộ mà bạn nên chú ý
- Làm sao để chạy bộ trên máy đạt kết quả tốt nhất?
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!