Điều trị rối loạn thần kinh ngoại biên

Bài thuốc dân gian - 04/29/2024

Điều trị bao gồm điều trị nguyên nhân ẩn dưới, điều trị triệu chứng thần kinh và chăm sóc nâng đỡ.

Câu hỏi 1: Chào Bác sĩ! Tôi năm nay 35 tuổi, tôi thường bị buồn ở cổ và một bên sườn phải. Tôi bắt đầu bị từ cách đây 25 năm càng ngày tôi càng cảm thấy buồn nhiều hơn. Tôi đi khám Bác sĩ chuẩn đoán bị rối loạn thần kinh ngoại biên. Tôi muốn hỏi bệnh này có chữa khỏi được không? và chữa bằng cách nào thì hiệu quả nhất. Xin cảm ơn!

Điều trị rối loạn thần kinh ngoại biên

Tế bào thần kinh - Ảnh minh họa

ThS. Chu Văn Điểu, Bệnh viện Tâm thần TƯ, trả lời:

Chào bạn! 

Bạn nói là bạn bị buồn ở cổ và sườn bên phải. Tôi không rõ 'buồn' có nghĩa là thế nào? Cảm giác buồn hay là tê, hay là cảm giác như kiếm bò hoặc đau? Vậy tôi trao đổi với bạn về rối loạn thần kinh ngoại biên như sau:

Sợi dây thần kinh ngoại biên gồm gồm các sợi về vận động, sợi về cảm giác, các sợi thực vật, các thân tế bào hướng tâm tự đông và cảm giác nằm ở ngoài hệ thống thần kinh trung ương. Người bị mắc rối loạn thần kinh ngoại biên khoảng từ 2-7%, đa số là người trung niên trở lên. Đa số là bị rối loạn các sợi cảm giác hơn là sợi vận động.

Biểu hiện của rối loạn cảm giác: Có thể mất cảm giác, cảm giác bất thường, hay đau. Từ 'tê' thường được bệnh nhân sử dụng để mô tả sự mất cảm giác. Các triệu chứng dị cảm biểu hiện ngứa râm ran, đau nhói, cảm giác tê như kim chích hay nóng bỏng. loạn cảm là cảm giác bất thường rất khó chịu, có thể xẩy ra tự phát hay gây ra do một kích thích và thường không đau.

Trường hợp của bạn là rối loạn thần kinh ngoại biên thuộc các sợi thần kinh cảm giác. Triệu chứng biểu hiện ở bạn là rối loạn sợi cảm giác của thần kinh ngoại biên gây lên hiện tượng dị cảm ở cổ và mạn sườn bên phải, với biểu hiện là 'buồn' hay 'tê'….

Điều trị rối loạn thần kinh ngoại biên là chăm sóc nâng đỡ và điều trị triệu chứng. Điều trị nội khoa thường khó khăn và hiệu quả hạn chế. Có thể sử dụng một số thuốc chống trầm cảm loại ba vòng và chống co giật. Bạn cần đến khoa thần kinh để được kê đơn và hướng dẫn điều trị. Vì điều trị theo triệu chứng nên việc dứt điển rất khó khăn. 

Chúc bạn kiên trì và mau lành bệnh!

Câu hỏi 2: Em xin chào Bác sĩ! Em bị mỏi và nóng 2 bắp chân vào buổi tối khi nằm ngủ, rất khó chịu nên em không ngủ được. Em có đi khám Bác sĩ chẩn đoán em bị thần kinh ngoại biên và kê đơn thuốc: didicera ngày 3 lần, mỗi lần 1 gói; vitamin3b ngày 3 lần mỗi lần 2 viên. Em uống mà không đỡ. Xin Bác sĩ tư vấn cho em cách điều trị. Em xin cảm ơn!

Điều trị rối loạn thần kinh ngoại biên

Ảnh minh họa

ThS. Vũ Thị Tuyết Mai, Bộ Y tế, trả lời:

Chào em,

Bệnh thần kinh ngoại biên là một rối loạn thần kinh hay gặp. Biểu hiện của bệnh tùy thuộc vào dây thần kinh bị tổn thương (cảm giác hay vận động). Nguyên nhân gây bệnh có thể do tổn thương ở một dây thần kinh vì chấn thương hoặc chèn ép ở người bị bó bột hoặc phải dùng nạng lâu ngày, ngồi lâu trong một tư thế gò bó như đánh máy tính, xem tivi, hoặc có khối u ở xương; bệnh tiểu đường; nghiện rượu; HIV/AIDS; tiếp xúc với một số chất độc và thuốc,...

Điều trị bao gồm điều trị nguyên nhân ẩn dưới, điều trị triệu chứng thần kinh và chăm sóc nâng đỡ. Tùy từng trường hợp và mức độ của bệnh, việc điều trị có thể bao gồm:

- Điều trị căn nguyên:Điều trị tiểu đường, bổ sung vitamin, điều trị các rối loạn tự miễn, giảm chèn ép dây thần kinh, ngừng tiếp xúc với các chất hoặc thuốc gây độc,...

- Thuốc để giảm triệu chứng, bao gồm thuốc giảm đau, thuốc chống co giật, cao dán lidocain,…

- Các liệu pháp:Kích thích điện dây thần kinh qua da, phản hồi sinh học, châm cứu, các kỹ thuật thư giãn,…

Điều trị bệnh thần kinh ngoại biên rất phức tạp và khó khăn. Theo tôi, em nên tuân thủ liệu trình điều trị và tái khám của Bác sĩ. Thuốc Bác sĩ kê cho em là những thuốc điều trị bệnh thần kinh ngoại biên. Sau khi dùng hết đơn thuốc, em nên đến Bác sĩ khám lại để Bác sĩ điều chỉnh liều lượng và thuốc dùng phù hợp cho em. Ngoài việc dùng thuốc, em nên có chế độ ăn uống giàu rau củ quả, ngũ cốc, tăng cường thực phẩm giàu vitamin B12; tập luyện thể lực nhẹ nhàng; tránh tư thế đứng hoặc ngồi gò bó…

Chúc em sớm khỏi bệnh!

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!