Đồ khử mùi trong nhà: Của thơm là của độc

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Túi thơm, sáp thơm, nước hoa xịt phòng… là những sản phẩm được nhiều người ưa chuộng trong việc giúp khử mùi trong nhà. Tuy nhiên...

... việc lạm dụng các loại hóa chất trên được các chuyên gia khuyến cáo, có thể gây hại đối với sức khỏe của người dùng, nhất là đối với trẻ nhỏ. Vì vậy, người sử dụng cần lưu ý để tránh mang bệnh vào người.

Hắt hơi, sổ mũi vì hương thơm xịt phòng

Trong những ngày nồm ẩm cuối tháng 3 vừa qua, mưa phùn kèm độ ẩm cao khiến không gian luôn trong tình trạng ẩm ướt, gây khó chịu cho nhiều người. Để xử lý tình trạng trên, nhiều gia đình đã dùng các loại nước hoa xịt phòng và sáp thơm với hi vọng có thể giúp khử mùi. Chị Kim Thị Minh (ở Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội) là một trong số đó.

Chị Minh cho biết, chị đã mua một lọ nước xịt phòng hương hoa hồng để dùng cho toàn bộ ngôi nhà. Bên cạnh đó, dùng một lọ sáp thơm hương oải hương để trong phòng ngủ của hai vợ chồng và cậu con trai 3 tuổi. Lúc mới sử dụng, bước vào nhà cảm giác rất dễ chịu với hương hoa khắp nơi. Tuy nhiên, sau 2 ngày đặt sáp thơm trong phòng ngủ, chị có cảm giác hơi nhức đầu mỗi buổi sáng ngủ dậy. Không những thế, con trai chị bắt đầu bị hắt hơi và chảy nước mũi.

'Tôi không biết chính xác nguyên nhân của các dấu hiệu trên là do ngửi mùi sáp thơm hay do dị ứng với thời tiết. Chỉ biết, sau khi 'di chuyển' lọ sáp thơm xuống đặt dưới tủ bếp thì thấy cháu hết hắt hơi và tôi cũng không còn cảm giác nôn nao nữa', chị Minh cho hay.

Chia sẻ về thành phần trong các sản phẩm có mùi thơm (sáp thơm, tinh dầu thơm, nước xịt phòng…) PGS.TS Trần Hồng Côn - Khoa Hóa học, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, hiện nay, đa phần những sản phẩm tạo hương thơm đều sử dụng hương công nghiệp, chỉ một số ít sử dụng các hương liệu tự nhiên.

Đồ khử mùi trong nhà: Của thơm là của độc

Các chuyên gia khuyến cáo, nên hạn chế dùng các loại sản phẩm có hương thơm nhân tạo để tránh gây hại cho sức khỏe. Ảnh minh họa

Các loại hương nhân tạo này thường được tạo bằng hóa chất tạo mùi như aldehyde, cetol... Về nguyên lý hóa học, những mùi thơm trên được tạo thành bởi những vòng benzene. Vòng thơm này khi phát tán có thể có khả năng bẻ gãy cấu trúc tế bào. Ngoài ra, khi đốt cháy, những chất hóa học có thể theo đường hô hấp vào cơ thể gây khó thở và một số bệnh lý về hô hấp khác.

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, ngoài chất tạo mùi, người ta phải sử dụng thêm các loại chất định hương để giữ mùi trên sản phẩm. Một số chất tạo keo trong công nghiệp có khả năng định hương rất tốt nhưng độc hại, có thể tác động trực tiếp tới hệ thần kinh của con người, gây nhức đầu, căng thẳng... Nói chung, càng thơm lâu thì càng độc hại.

Rất nguy hại với phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ

Thực tế, các bác sĩ tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội cho biết, đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân nhập viện được chẩn đoán do dị ứng với các sản phẩm có mùi thơm. Trong đó, phần lớn là người già, trẻ nhỏ và những phụ nữ có cơ địa mẫn cảm.

Trao đổi với PV , BS CKII Hoàng Thị Hồng - Trưởng khoa Nội 3 (Bệnh viện Đa khoa Đống Đa Hà Nội) cho hay, Khoa Nội 3 đã từng có bệnh nhân cao tuổi bị lên cơn hen suyễn sau khi tiếp xúc với các sản phẩm có mùi thơm công nghiệp. BS Hoàng Thị Hồng chia sẻ: 'Nhiều người có cơ địa nhạy cảm nên rất dễ bị dị ứng với các mùi hương công nghiệp. Các loại hương thơm này có thể rất dễ chịu nhưng sẽ ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe khi ngửi. Chúng có thể gây tác hại ngay hoặc cũng có thể 'ngấm' từ từ trong một thời gian dài gây nên các triệu chứng dị ứng, kích thích cơn hen, hay thậm chí là viêm đường hô hấp'.

BS Hồng cho biết thêm, hương thơm công nghiệp 'ẩn chứa' trong rất nhiều sản phẩm như: Sáp thơm, nước xịt phòng, túi thơm, nước xả vải hay kể cả những loại tinh dầu giá rẻ. Do vậy, trước khi sử dụng một sản phẩm nào đó, người dùng nên tìm hiểu kỹ các thành phần và hạn chế sử dụng các sản phẩm có quá nhiều chất tạo màu và tạo mùi để tránh gây hại.

Bên cạnh đó, TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hương (Khoa Thần kinh, Bệnh viện Nhi Trung ương) cũng cho biết, nhiều trẻ nhỏ rất dễ dị ứng với thành phần trong một số sản phẩm có hương thơm, nhất là khăn, giấy ướt 'tẩm' mùi thơm, đồ dùng học tập có hương thơm hay có thể là dị ứng mùi nước hoa của bố mẹ.

BS Thanh Hương xác nhận, việc tiếp xúc với các loại hương thơm nhân tạo liên tục trong một thời gian dài có thể gây nguy hại đến hệ thần kinh của trẻ nhỏ. Các triệu chứng có thể từ nhẹ như chóng mặt, nôn nao, mệt mỏi đến nặng như đau nhức và suy nhược hệ thần kinh, ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của đứa trẻ.

'Tùy vào cơ địa và mức độ tiếp xúc với các hóa chất tạo mùi trong bao lâu để đưa ra kết luận chính xác về tình trạng bệnh của đứa trẻ, trên cơ sở đó, đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Tuy nhiên, tốt nhất phụ huynh nên lựa chọn các sản phẩm có mùi thơm được chiết xuất từ thiên nhiên để đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ', BS Thanh Hương chia sẻ.

Các chuyên gia khuyến cáo, nên hạn chế tối đa việc sử dụng các loại hương liệu làm thơm tổng hợp trong nhà, nhất là trong những phòng kín như phòng ngủ hay phòng của trẻ nhỏ. Nên thay thế dần các loại hương liệu tổng hợp bằng hương thơm tự nhiên bằng việc để thêm cây xanh hoặc cắm các loại hoa có hương thơm dịu nhẹ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Theo nghiên cứu của Viện Khoa học Sức khỏe Môi trường Mỹ, việc tiếp xúc với sáp thơm, nước hoa xịt phòng có chứa chất hữu cơ có thể làm giảm một số chức năng phổi. Một số chất hữu cơ khác như acetone, limonene, este có thể gây dị ứng mắt, kích thích đường hô hấp, gây đau đầu và chóng mặt. Chất phthalates có trong nước thơm tẩy mùi có thể làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và phát triển, tổn thương nội tạng, suy giảm miễn dịch… Một nghiên cứu khác tiến hành ở 10 nước châu Âu cho thấy, sử dụng thường xuyên các sản phẩm tạo mùi thơm hàng ngày khiến các bà mẹ mang thai dễ bị đau đầu và trầm cảm, đồng thời con của họ dễ có nguy cơ tiêu chảy, dị ứng, mẩn ngứa.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!