PV: Xin ông cho biết trong năm 2019, tình hình dịch HIV tại Việt Nam có gì đáng chú ý?
PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long: Trong 9 tháng đầu năm 2019, cả nước xét nghiệm phát hiện mới 7.779 trường hợp nhiễm HIV, số bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS 2.984, số bệnh nhân tử vong 1.428 trường hợp. Số người mới phát hiện nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở độ tuổi 16-29 (39,4%) và 30-39 (34,3%). Đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (65%) và qua đường máu (17%), mẹ sang con 2%, còn lại không có thông tin về đường lây truyền.
Tính đến hết 30/9/2019, cả nước có 215.661 người nhiễm HIV được các tỉnh báo cáo hiện đang còn sống và 103.616 người nhiễm HIV đã tử vong. Tuy nhiên, trong số 215.661 người hiện đang báo cáo nhiễm HIV được phát hiện, có khoảng 10% người nhiễm HIV trùng lặp hoặc đã tử vong nhưng chưa được ghi nhận.
Kết quả giám sát trọng điểm HIV năm 2018 trên nhóm phụ nữ bán dâm (13 tỉnh) và nam quan hệ tình dục đồng giới/MSM (8 tỉnh), tỷ lệ nhiễm HIV nhóm phụ nữ bán dâm là 3,58% và nhóm MSM là 10,78%. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ bán dâm thay đổi không đáng kể so với năm 2017 và tăng hơn 1% so với năm 2016, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM có xu hướng giảm so với năm 2017 (12,19%).
Số liệu phát hiện nhiễm mới nhìn chung không có nhiều thay đổi so với năm 2018. Dịch HIV tập trung chủ yếu ở nam giới (chiếm 75%) và đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy đang có xu hướng giảm thay vào đó tỷ lệ này nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới đang ngày càng gia tăng và có khả năng sẽ trở thành nhóm chính trong lây nhiễm HIV. Ngoài ra, các nhóm có nguy cơ thấp như nhóm vợ, chồng, bạn tình người nhiễm HIV vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm lây truyền HIV do khó tiếp cận với các dịch vụ tư vấn xét nghiệm và can thiệp dự phòng.
Ảnh minh họa
PV: Tại sao Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2019 Việt Nam lại chọn chủ đề 'Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020!'?
PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long: Năm 2019, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm chọn chủ đề cho Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS với chủ đề 'Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS' mang nhiều ý nghĩa.
Thứ nhất, nó nhấn mạnh vai trò của cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS: Mặc dù nhiễm HIV là nhiễm bệnh truyền nhiễm mãn tính, tuy nhiên các giải pháp để kiểm soát dịch HIV không chỉ là các giải pháp y tế mà mang tính xã hội tức cần có sự tham gia của tất cả lãnh đạo các cấp, ngành y tế, các ban ngành đoàn thể và cả cộng đồng.
Khác với nhiều bệnh khác, khi một cá nhân mắc bệnh có thể đến các cơ sở y tế để khám, phát hiện và điều trị. Tuy nhiên với HIV là đại dịch xảy ra trên tất cả các quốc gia và châu lục trên thế giới nên ở bình diện rộng cần sự chung tay của cả cộng đồng thế giới phòng, chống HIV/AIDS, nhất là hiện nay xu hướng thế giới phẳng, người đã nhiễm HIV thậm chí vẫn không chẩn đoán được (trong giai đoạn cửa số) nên không thể áp dụng các biện pháp cấm đoán di chuyển hay cách ly. Cộng đồng các quốc gia nếu không chung tay sẽ không thể bảo vệ được quốc gia mình khỏi HIV/AIDS.
Tương tự vậy, ở phạm vi nhỏ hơn là một quốc gia, một tỉnh, thành phố hay nhỏ hơn là một gia đình, chúng ta không thể dùng các biện pháp cách ly để dập dịch như với nhiều dịch khác. Hơn nữa, các giải pháp kiểm soát dịch ngoài việc lấy ngành y tế là chủ đạo thì rất cần sự chung tay của cả cộng đồng, từ việc lãnh đạo chỉ đạo chương trình đến dự phòng lây nhiễm HIV, điều trị, chăm sóc HIV/AIDS, chống kỳ thị và phân biệt đối xử v.v... nếu chỉ ngành y tế thực hiện sẽ không thể thành công.
Vai trò của cộng đồng ở đây còn muốn nhấn mạnh đến sự tham gia của các tổ chức xã hội, của các mạng lưới, cộng đồng người dễ bị tổn thương bởi HIV như người nghiện ma túy, người quan hệ tình dục đồng giới, người hoạt động mại dâm, người nhiễm HIV v.v... họ không chỉ là đối tượng của chương trình mà còn phải tham gia như đối tác của chương trình.
Thứ hai, nhấn mạnh đến mục tiêu quan trọng mà cả thế giới quan tâm và Việt Nam đã cam kết đó là kết thúc dịch AIDS'. Kết thúc dịch AIDS là mục tiêu cao nhất hiện nay để AIDS không còn là vấn đề sức khỏe cộng đồng của bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Liên Hiệp quốc cũng đã khuyến cáo các quốc gia muốn kết thúc dịch AIDS vào năm 2030 thì cần đạt được các mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020, các mục tiêu 90-90-90 đó là: 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân; 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 90% người điều trị ARV có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế.
Thực tế Việt Nam năm 2018 kết quả 3 mục tiêu này là 80-70-95. Như vậy, trừ mục tiêu thứ 3 chúng ta đã đạt được, còn hai mục tiêu đầu nhất là mục tiêu thứ 2 còn khá xa so với đích đạt ra trong khi chúng ta chỉ còn có 1 năm để thực hiện. Do vậy, nếu không có sự chung tay hành động của cả cộng đồng thì có thể chúng ta cũng sẽ không đạt được các mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 và tiến tới kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.
PV: Việt Nam đang có kế hoạch mở rộng dự phòng lây nhiễm HIV mới như dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP). Ông có thể nói rõ hơn về biện pháp này được triển khai cho nhóm đối tượng nào và hiệu quả ra sao, khuyến cáo với đối tượng đích.
PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long: Từ năm 2017, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã phối hợp với các tổ chức như Path, UNAIDS, WHO triển khai thí điểm điều trị PrEP tại Hà Nội và TP.HCM với 10 cơ sở, điều trị cho hơn 1.000 khách hàng có hành vi nguy cơ cao như MSM, chuyển giới nữ… Tháng 9/2018, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc kháng HIV (PrEP) giai đoạn 2018-2020.
Theo đó, đến cuối năm 2019 sẽ cung cấp cho 5.600 khách hàng có nguy cơ cao lây nhiễm HIV tại 11 tỉnh có tình hình dịch cao gồm các địa phương: TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Tiền Giang, Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng.
Tháng 9/2019, Bộ Y tế đã phê duyệt bổ sung 15 tỉnh do dự án Quỹ toàn cầu hỗ trợ cũng tham gia cung cấp dịch vụ PrEP từ cuối năm 2019 và mục tiêu đến cuối năm 2020 triển khai ít nhất ở 26 tỉnh/thành phố với số khách hàng trên 15.000 người. Trong kế hoạch những năm tiếp theo, Cục Phòng, chống HIV/AIDS sẽ tiếp tục mở rộng chương trình PrEP ra các tình/thành phố khác trong cả nước.
Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) là sử dụng thuốc ARV để dự phòng lây nhiễm HIV cho những người chưa nhiễm HIV nhưng có nguy cơ cao nhiễm HIV như: Nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), người chuyển giới nữ, người tiêm chích ma tuý, phụ nữ bán dâm và những người có nguy cơ cao nhiễm HIV khác (vợ/chồng của người nhiễm HIV chưa được điều trị ARV hay điều trị ARV chưa đạt ngưỡng không phát hiện)
Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy PrEP có hiệu quả dự phòng lây nhiễm HIV cao lên tới trên 90% nếu tuân thủ điều trị tốt. Với những người có nguy cơ cao nhiễm HIV thì cần đến các phòng khám có cung cấp dịch vụ PrEP để được đánh giá và chỉ định điều trị dự phòng PrEP.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!