Đau mỏi cánh tay trái có thể là do bạn đã sử dụng quá nhiều sức bên tay trái để nhấc vật nặng, hay tập trung làm một việc gì đó. Tuy nhiên, người bị đau mỏi cánh tay trái thường cảm thấy khó chịu, nhức nhối, gặp khó khăn trong các sinh hoạt hàng ngày và dường như không biết rõ nguyên nhân gây ra triệu chứng này là do đâu. Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về hiện tượng đau mỏi cánh tay trái qua những thông tin trong bài viết này bạn nhé!
Nguyên nhân gây đau mỏi cánh tay trái
Ngoài do vận động quá sức bên tay trái thì nguyên nhân gây ra cơn đau này còn có thể là do một trong các yếu tố sau:
- Gặp bệnh lý về cơ xương khớp như thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, viêm khớp...
- Thời tiết thay đổi, trời chuyển lạnh đột ngột cũng có thể là nguyên nhân khiến cánh tay trái bị đau nhức.
- Mạch máu và dây thần kinh bị chèn ép khiến máu khó lưu thông khi ngồi, đứng, nằm...
- Do chấn thương nên gây tổn thương cơ, hay dây chằng nên gây đau cánh tay trái.
- Cơ thể thiếu một số chất dinh dưỡng như canxi, kali, B1, B12...
- Rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid máu, xơ vữa động mạch... nên gây ra hiện tượng đau tay trái.
- Béo phì, thừa cân cũng là một nguyên nhân gây nhức mỏi cánh tay trái, bởi lúc này, áp lực đè xuống cánh tay nhiều hơn.
- Phản ứng với tác dụng phụ khi dùng một số thuốc nên gây ra tình trạng cánh tay đau mỏi.
Cách khắc phục hiện tượng đau mỏi cánh tay trái
Nếu đột nhiên gặp phải triệu chứng đau mỏi cánh tay trái, người bệnh cần chủ động đi khám chuyên khoa cơ xương khớp để được biết rõ hơn về tình trạng sức khỏe của mình. Ngoài những chẩn đoán lâm sàng, các bác sĩ sẽ làm xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân của bệnh nhờ vào việc kiểm tra hoạt động của hệ thần kinh, hoặc có thể là chụp CT, chụp X-quang...
Còn nếu cơn đau chỉ hơi nhói lên và không quá ảnh hưởng đến các hoạt động trong ngày thì bạn chỉ cần nghỉ ngơi nhiều hơn, tránh vận động mạnh sẽ càng gây đau mỏi mà nên xoa bóp, chườm đá, dùng cao dán... để giảm đau.
Đặc biệt, để phòng ngừa nguy cơ gặp phải hiện tượng đau mỏi cánh tay trái, người bệnh nên chủ động thực hiện những việc sau:
- Tăng cường vận động, rèn luyện thể dục thể thao đều đặn, vừa với sức mình để giúp cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai hơn.
- Tuân theo một chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và các khoáng chất thiết yếu.
- Hạn chế thói quen đứng, ngồi, nằm sai tư thế. Không làm việc quá sức khi phải mang vác nặng, hay làm việc nhiều giờ trước máy tính mà không thay đổi tư thế.
- Tránh sử dụng đồ uống có cồn như rượu, bia... đồng thời cũng nên tránh hút thuốc lá vì không mang lại lợi ích gì cho sức khỏe.
- Khám sức khỏe định kỳ khoảng 6 tháng/lần để tầm soát bệnh và ngăn chặn kịp thời các bệnh lý không mong muốn.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!