Định nghĩa
Định nghĩa
Đục thủy tinh thể (cườm khô, cườm đá) là gì?
Đục thủy tinh thể là hiện tượng đục mờ thủy tinh thể. Thủy tinh thể giống như một thấu kính mà chúng ta nhìn xuyên qua. Thủy tinh thể được cấu tạo chủ yếu từ nước, protein và một số chất hóa học khác. Dần theo tuổi tác, các chất protein này sẽ kết đám và cản trở đường đi của ánh sáng. Khi thủy tinh thể bị đục càng nhiều, bạn càng khó có thể nhìn rõ. Đục thủy tinh thể là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mù lòa trên toàn thế giới.
Những ai thường mắc phải đục thủy tinh thể (cườm khô, cườm đá)?
Đục thủy tinh thể thường xảy ra đối với người lớn tuổi. Bệnh có liên quan đến quá trình lão hóa. Ngoài ra, di truyền và một số các loại bệnh khác có thể dẫn đến đục thủy tinh thể.
Triệu chứng và dấu hiệu
Triệu chứng và dấu hiệu
Những dấu hiệu và triệu chứng của đục thủy tinh thể (cườm khô, cườm đá) là gì?
Triệu chứng chủ yếu của đục thủy tinh thể là mờ mắt. Đôi khi nhìn xa sẽ mờ hơn nhìn gần hoặc ngược lại. Ngoài ra, người bệnh còn không nhìn rõ kể cả khi đeo kính hoặc kính sát tròng, hình ảnh mờ, chói mắt hoặc thấy vầng hào quang xung quanh nguồn sáng.
Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Cần gọi ngay cho bác sĩ khi bạn bị đau dữ dội ở mắt. Trong trường hợp bạn có thay đổi đột ngột về thị lực ví dụ như khả năng nhìn bị mờ đi hoặc nhìn một thành hai, hãy gặp bác sĩ ngay lập tức.
Nguyên nhân
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra đục thủy tinh thể (cườm khô, cườm đá) là gì?
Nguyên nhân gây đục thủy tinh thể chưa rõ ràng. Đục thủy tinh thể thông thường là do lão hóa. Thủy tinh thể dần dần trở nên đục, dày, cứng và khô và cuối cùng sẽ bị đục thủy tinh thể. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể gây ra bởi dùng steroid trong thời gian dài, do mắt bị đỏ và sưng, nhiễm trùng mắt và các bệnh như tiểu đường.
Nguy cơ mắc bệnh
Nguy cơ mắc bệnh
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị đục thủy tinh thể (cườm khô, cườm đá)?
Những yếu tố làm tăng nguy cơ bị cườm khô bao gồm:
- Tuổi tác: tuổi càng cao càng có nguy cơ bị đục thủy tinh thể;
- Gia đình có thành viên bị đục thủy tinh thể;
- Đã bị tổn thương hoặc viêm mắt trước đó;
- Đã từng phẩu thuật mắt;
- Uống quá nhiều rượu;
- Phơi nắng nhiều;
- Bệnh tiểu đường;
- Huyết áp cao;
- Hút thuốc;
- Béo phì;
- Dùng thuốc costicosteriod trong thời gian dài;
- Tia bức xạ ion hóa chẳng hạn như tia X-quang hoặc tia bức xạ dùng trong trị liệu ung thư.
Không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những yếu tố trên chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.
Điều trị
Điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những phương pháp nào dùng để điều trị đục thủy tinh thể (cườm khô, cườm đá)?
Đục thủy tinh thể không làm tổn thương mắt mà chỉ làm mờ mắt. Nếu bạn cảm thấy hài lòng về thị lực của mình thì không cần phải phẫu thuật đục thủy tinh thể.
Một khi bạn không còn cảm thấy hài lòng với khả năng nhìn của mình nữa và bác sĩ thấy thị lực sụt giảm đáng kể, bạn nên cân nhắc việc phẫu thuật đục thủy tinh thể. Đôi lúc với bệnh ở giai đoạn đầu, thị lực có thể được cải thiện bằng việc đeo kính. Nhưng khi bệnh tiến triển nặng, thay kính cũng không giúp cải thiện thị lực.
Trong phẫu thuật, mắt sẽ được làm tê liệt bằng thuốc nhỏ mắt và tiêm thuốc gây mê cho bệnh nhân. Sau đó thủy tinh thể bị đục sẽ được loại bỏ và thường được thay thế bằng thủy tinh thể nhân tạo. Sau khi phẫu thuật nên hạn chế tối đa các hoạt động.
Phẫu thuật đục thủy tinh thể không bao giờ thực hiện trên cả hai mắt cùng một lúc. Bệnh nhân thường được phẫu thuật mắt yếu hơn trước để có thể dựa vào mắt khỏe hơn trong khi mắt được phẫu thuật bình phục.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán đục thủy tinh thể (cườm khô, cườm đá)?
Bác sĩ sẽ chẩn đoán dựa trên tiền sử bệnh và kết quả khám mắt của người bệnh. Bạn nên gặp chuyên gia mắt (chuyên gia đo thị lực hoặc bác sĩ khoa mắt) để được chẩn đoán cụ thể hơn.
Phong cách sống và thói quen sinh hoạt
Phong cách sống và thói quen sinh hoạt
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của đục thủy tinh thể (cườm khô, cườm đá)?
Những thói quen sinh hoạt và phong cách sống dưới đây sẽ giúp bạn hạn chế diễn tiến bệnh đục thủy tinh thể:
- Gặp bác sĩ ngay nếu bạn đột ngột gặp vấn đề về thị lực;
- Đi khám lại nếu bạn bị đục thủy tinh thể và nhận thấy thị lực ngày càng tệ hơn. Có thể có các vấn đề khác nữa xảy ra với mắt;
- Bảo vệ cho mắt không bị tổn thương. Đeo kính râm chặn cả 2 loại tia cực tím UVA và UVB, đặc biệt là khi trời nắng;
- Giữ lượng đường trong máu ổn định nếu bạn bị tiểu đường. Đục thủy tinh thể phát triển nhanh hơn khi đường huyết cao.
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay đề nghị nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để được có giải đáp tốt nhất.
Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!