Trong những ngày hè nắng nóng đỉnh điểm như hiện nay, việc sử dụng sắn dây để pha thành nước uống hay dùng để chế biến đều sẽ giúp cơ thể trở nên khoan khoái và dễ chịu hơn. Theo nhiều nghiên cứu khoa học, bột sắn dây có khá nhiều tác dụng như: Làm giảm đường huyết, chống loạn nhịp tim, chống lão hóa da và ung thư, nâng cao sức chịu đựng của cơ thể khi bị thiếu oxy, thanh nhiệt…
Sắn dây vốn là nguyên liệu dân dã, quen thuộc với chúng ta, tuy nhiên không phải ai cũng biết cách sử dụng cho đúng. Thậm chí, một số còn có những lầm tưởng tai hại về bột sắn dây, khiến chúng không thể phát huy hết dược tác dụng vốn có.
Những lầm tưởng
- Bột sắn dây gây ra sỏi thận: Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thành phần có trong thực phẩm này chủ yếu là tinh bột, không chứa nhiều chất kali. Chính vì vậy khả năng tạo sỏi là rất ít. Do đó, bạn hoàn toàn có thể uống mà không lo bị sỏi thận.
- Bột sắn với mật ong gây chết người: Thực tế thì sự kết hợp này không hề nguy hiểm như nhiều người vẫn nghĩ. Nguyên do là vì 2 loại thực phẩm này đều không nằm trong nhóm tương khắc nhau, vì vậy mà không gây ảnh hưởng cho sức khỏe của con người.
Trong những ngày hè nắng nóng đỉnh điểm như hiện nay, việc sử dụng sắn dây để pha thành nước uống hay dùng để chế biến đều sẽ giúp cơ thể trở nên khoan khoái và dễ chịu hơn (Ảnh minh họa: Internet)
Và cách uống tốt nhất cho sức khỏe
Thay vì những suy nghĩ không đúng, bạn cần tìm hiểu thật kỹ lưỡng cách sử dụng bột sắn dây sao cho tốt nhất cho sức khỏe. Sau đây là một số lưu ý cơ bản dành cho bạn:
- Không nên uống quá nhiều 1 ly sắn dây/ngày, nên uống chín để đảm bảo sức khỏe. Lưu ý, bạn chỉ nên cho thêm 1 chút đường, không nên uống với quá nhiều đường.
- Nhiều người thường có thói quen ướp hoa bưởi vào bột để nước có mùi vị thơm ngon hơn. Tuy nhiên, đây là thói quen không được đúng đắn, bởi vì hoa bưởi sẽ làm giảm đáng kể dược tính của sản phẩm.
- Bột có tính hàn rất mạnh. Chính vì vậy, nếu cho trẻ em sử dụng tinh bột sắn dây ở dạng 'sống', các bé dễ bị lạnh bụng và có thể bị tiêu chảy. Chính vì vậy bạn nên nấu chín khi cho trẻ ăn.
- Đối với phụ nữ mang thai, cơ thể thường bị nóng, nếu uống nước sắn dây sẽ rất tốt. Tuy vậy, nếu bạn thấy người mình đang bị lạnh, cơ thể yếu ớt, mỏi mệt, có biểu hiện huyết áp bị tụt tuyệt đối không nên uống vì chúng có thể khiến cơ thể mệt mỏi hơn.
Không nên uống quá nhiều 1 ly sắn dây/ngày, nên uống chín để đảm bảo cho sức khỏe (Ảnh minh họa: Internet)
Lựa chọn bột sắn dây nguyên chất
Hiện nay ở nước ta có hai loại là sắn dây ta và sắn dây Trung Quốc. Sắn dây Trung Quốc thường có lượng bột nhiều hơn, nhưng khả năng giải nhiệt và hương thơm thì không bằng sắn dây ta. Chưa kể trên thị trường hiện nay, nhiều người bán thường trộn lẫn lộn bột sắn dây với các loại bột thường.
Bột sắn thật hạt to, màu trắng tinh khiết, các hạt góc cạnh và có hương thơm đặc trưng tự nhiên, khô ráo và không bị ẩm mốc. Khi đưa bột lên miệng cắn, bạn sẽ cảm nhận thấy vị giòn tan, ấm nơi đầu lưỡi và tan nhanh trong miệng, cảm thấy mềm mịn và không có bất cứ hạt sạn nào.
Còn bột sắn dây giả chứa nhiều tạp chất thì hạt thường không sắc cạnh, nhỏ, màu không được trắng tự nhiên, không có mùi thơm hoặc nếu có thì rất nặng mùi. Khi bạn cắn thử bột sắn dây sẽ cảm thấy bột bị mềm, không có vị giòn tan.
Bên cạnh đó, bạn tránh mua loại bột sắn dây đã được ướp hoa bưởi vì sẽ dễ bị mốc hoặc có thể do người làm giả bột sắn ướp hoa bưởi lên trên để khử bớt mùi ẩm mốc của bột sắn giả. Do vậy, bạn chỉ nên mua những gói bột sắn dây thật khô, giòn mới để được lâu dài. Bạn cũng có thể mua củ sắn dây tươi để tự chế biến hoặc có thể thuê những cơ sở uy tín cho đảm bảo vệ sinh.
Hồng Nam
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!