Đừng để thói quen phàn nàn cản trở bạn thành công

Tâm lý - 11/24/2024

Dưới góc độ phân tích tâm lý, chuyên gia của Hello Bacsi giúp bạn nhận định kiểu người phàn nàn và bí quyết để đối phó với họ.

Có rất nhiều nguyên nhân giải thích vì sao phàn nàn là một thói quen xấu. Phàn nàn khiến tâm trạng bạn trở nên tồi tệ hơn, khiến bạn chỉ chăm chăm nhìn vào những vấn đề và lỗi lầm, làm cho bạn trở nên đáng nghi ngờ và không đáng tin tưởng. Việc phàn nàn còn khiến những người xung quanh cảm thấy khó chịu khi những lời trách cứ của bạn làm họ cảm thấy mình yếu kém và không thể giúp được gì cho bạn. Nhìn chung, việc phàn nàn chỉ khiến cho cuộc sống của chính bạn cũng như người xung quanh thêm bực dọc và chán ngán hơn mà thôi.

Điều quan trọng nhất mà bạn cần nhận thức là việc phàn nàn sẽ chẳng thể giải quyết được những vấn đề của bạn mà chỉ có tác dụng trong việc đánh lạc hướng và khiến bạn quên đi những điều thực sự cần làm. Và như vậy, tất cả những gì bạn làm chỉ còn là càm ràm, đổ lỗi và dập tắt mọi hy vọng tương lai của bạn.

Ai thường thích phàn nàn?

Phàn nàn là dạng ngôn ngữ của quan điểm mang tính tiêu cực, áp đặt và chủ quan trong cuộc sống. Bạn có thể chia phàn nàn thành 3 nhóm chính: nhóm thương hại bản thân, nhóm chỉ trích và nhóm “làm quá”. Việc chia nhóm này dựa trên đối tượng phàn nàn của  mỗi người: phàn nàn về bản thân, người khác hay đơn giản chỉ là một nỗi bất an vô hình về tương lai.

Nhóm thương hại bản thân

Nhóm này thường chỉ nhìn thấy một màu xám với cuộc sống của họ. Họ luôn cảm thấy sự nghiệp hay việc tình cảm cá nhân đầy khó khăn, bất công và không hình dung được tương lai sẽ như thế nào. Thường người phàn nàn sẽ nói về việc họ cảm thấy thất vọng về bản thân, về việc công sức của họ bị xem nhẹ như thế nào và họ kém may mắn ra sao khi thử làm một điều gì đó. Khi cứ liên tục cảm thấy bị hiểu lầm, xem nhẹ và không được yêu thương, người này sẽ cảm thấy rất khó chịu. Thông thường những người thuộc nhóm này mong muốn tìm kiếm sự đồng cảm và công nhận của người khác.

Nhóm chỉ trích người khác

Nhóm người này thường chỉ chăm chăm chỉ trích và đổ lỗi cho người khác. Ngoài ra, họ cũng sẽ liên tục chỉ ra những điểm yếu và khuyết điểm của mọi người xung quanh. Thường nhóm này sẽ tìm cách chỉ ra sự bất tài, ngu ngốc, ngạo mạn của những người khác. Không những thế, những ai không đạt được tiêu chuẩn của riêng cá nhân này cũng  sẽ bị nói xấu, bị lấy ra làm trò cười, bị thóa mạ hoặc thậm chí đưa ra những phản hồi tiêu cực. Những người thích chỉ trích thường tự tìm kiếm sự đồng thuận với những gì họ nói và nghĩ rằng những kẻ nào không đồng ý với mình thì chắc hẳn là đầu óc “có vấn đề”.

Nhóm “làm quá”

Nhóm những người hay phàn nàn này thường có phản ứng thái quá về bất cứ một sự việc bình thường nào. Họ luôn luôn lo lắng về hậu quả của mọi việc và luôn cảm thấy rất bi quan. Trong khi mọi người cảm thấy an tâm về sự việc nào đó, họ lại luôn nhìn nhận nó dưới góc độ rủi ro và nguy hiểm. Vậy nên, họ thường sẽ cảnh báo với mọi người xung quanh về những điều đại loại như: hãy cẩn trọng vì nền kinh tế đang ngày một đi xuống, nạn thất nghiệp ngày càng gia tăng, tệ nạn ngày càng hoành hành và chính trị đầy những kẻ lạm quyền tham nhũng… Những lời nói như trên đều nhằm mục đích chia sẻ cảm giác bất an và lo sợ của họ cho người khác.

Cách đối phó với thói quen phàn nàn trong cuộc sống

Trong cuộc sống, không khó để chúng ta bắt gặp một, thậm chí cả ba dạng người hay phàn nàn này. Nếu như bạn không may trở thành nạn nhân của họ, hãy cố gắng giữ vững lập trường bản thân để không bị tác động bởi những lời phàn nàn đáng ghét kia. Để có thể cùng lí luận và thuyết phục kiểu người phàn nàn, bạn cần phải tìm kiếm logic của vấn đề, hiểu rõ nó cùng với một thái độ kiên nhẫn nhưng cương quyết để giải thích với họ.

Bên cạnh đó, bạn có thể chỉ ra cho họ rằng đó không phải là một thói quen tốt. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là chúng ta phải chắc chắn rằng mình không phải là một người hay phàn nàn và luôn giữ cho mình một năng lượng sống lạc quan, tích cực cho mọi tình huống trong cuộc sống.

Ngoài ra, để tránh trở thành kẻ phàn nàn khó chịu, bạn cần phải trau giồi kiến thức, nghiệp vụ và đặt ra những kế hoạch ngắn hạn, dài hạn của bản thân, đồng thời học cách kiềm chế bản thân. Vì cốt lõi của trạng thái phàn nàn là sự kém tin tưởng vào người đối diện và chính mình. Muốn giải quyết điều đó, trước hết, bạn phải tự tin vào những gì mình đã đặt mục tiêu, cố gắng thực hiện tốt nhất có thể.

Có thể bạn quan tâm:

  • Lòng trắc ẩn là gì?
  • Tại sao khi làm việc tốt, bạn thường cảm thấy hạnh phúc?
  • Cách để cuộc sống trọn vẹn từng khoảnh khắc.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!