Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) đã tiến hành thu hồi 2 sản phẩm Zymar và Efticati. Các sản phẩm này có chứa hoạt chất cấm Gatifloxacin, có thể gây hại cho người dùng. Bộ cũng tiến hành điều tra thành phần các loại thuốc nhỏ, tra mắt được bày bán trên thị trường.
Việc sử dụng thuốc nhỏ mắt là thói quen của nhiều người. Họ mong muốn có đôi mắt khoẻ đẹp, loại bỏ bụi bẩn. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách nhỏ mắt đúng cách, phát huy tác dụng của sản phẩm.
Thuốc nhỏ mắt có những thành phần gì?
Một số thành phần trong thuốc nhỏ mắt thường có là Natri sulphacetamid, Clopheniramin malea, Naphazolin nitrat, Berberin hydroclorid... Tuy nhiên, tùy cơ địa từng người, bạn có thể bị nhạy cảm với sulfamid hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc. Để đảm bảo an toàn, bạn nên dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để tránh những sản phẩm có chất bị cấm hoặc gây dị ứng.
Ngoài ra, tuyệt đối không sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được kiểm duyệt.
Việc sử dụng thuốc nhỏ mắt là thói quen của nhiều người (Ảnh minh họa: Internet)
Số giọt mỗi lần nhỏ
Số giọt tuỳ vào bệnh lý của mắt. Với người chỉ dùng dung dịch natri clorua để rửa bụi, số giọt có thể lên đến 3 - 4 giọt. Với bệnh nhân đang điều trị, số giọt giảm xuống 1 - 2 giọt. Thông thường, bạn chỉ nên nhỏ 1 giọt, sau khi thuốc ngấm vào mắt, bạn mới tiếp tục nhỏ giọt thứ 2. Liên tục nhỏ thuốc khiến các giọt bị trào ra ngoài, tụ lại phần da của mí mắt, dễ gây dị ứng.
Khoảng cách giữa 2 lần nhỏ thuốc
Các trường hợp điều trị về mắt, khoảng cách giữa mỗi lần nhỏ thuốc thường khác nhau. Việc này giúp tăng hiệu quả điều trị. Người bệnh nên nghe theo hướng dẫn của bác sỹ. Với dung dịch natri clorid 0,5%, người dùng không nên quá lạm dụng, dễ gây ảnh hưởng xấu cho mắt. Một ngày chỉ nên nhỏ 2 - 3 lần, những lúc mắt có nhiều bụi bẩn nhất.
Với bệnh nhân phải dùng 2 loại thuốc, tuỳ theo hướng dẫn của bác sỹ để phát huy hiệu quả.
Cách nhỏ thuốc
Với thuốc nước
- Trước tiên bạn cần rửa tay sạch sẽ.
- Vệ sinh mắt bằng bông ẩm.
- Nhỏ thuốc vào góc trong của mắt.
Với dung dịch dạng treo
- Cần lắc kỹ trước khi nhỏ.
- Khẽ kéo mi dưới xuống để thuốc lan ra khắp mắt.
- Không nên vừa nhỏ vừa kéo, dễ gây khó chịu cho mắt.
- Lau các giọt thừa nếu có.
Với thuốc mỡ
- Bạn nên nhỏ trước khi đi ngủ, tư thế nằm sẽ tạo cảm giác thoải mái nhất.
- Bóp thuốc mỡ vào mi dưới khoảng 3 - 5cm.
- Giữ mi đứng yên, tránh để chớp khiến thuốc rơi ra ngoài.
- Sau khi thấy phần thuốc mỡ loang ra khắp mắt, nhẹ nhàng đóng hai mi lại.
Ngoài hạn sử dụng, thuốc nhỏ mắt còn tính hạn dùng kể từ sau khi mở nắp (Ảnh minh họa: Internet)
Lưu ý:
- Tránh để mắt tiếp xúc trực tiếp với phần đầu ống, khoảng cách lý tưởng là 3 cm.
- Nắp tháo ra không đặt úp xuống, tốt nhất là cầm trong tay hoặc đặt ngang để tránh nhiễm bụi.
- Để giảm lượng thuốc đi xuống mũi, họng, người bệnh nên dùng 2 ngón trỏ đặt vào 2 thành mũi sát mắt rồi giữ 1 - 2 phút.
Bảo quản thuốc nhỏ mắt
Thuốc nhỏ mắt thường được cất giữ nơi khô mát, một số thuốc phải bảo quản dưới nhiệt độ thấp. Không sử dụng thuốc nhỏ mắt quá hạn sử dụng.
Ngoài hạn sử dụng, thuốc nhỏ mắt còn tính hạn dùng sau khi mở nắp. Với các loại thuốc có tính năng rửa bụi, thời gian thường chỉ từ 7 - 14 ngày. Sau thời gian này, thuốc giảm hiệu quả, thậm chí có thể gây hại cho mắt. Tại Úc, một lọ thuốc nhỏ mắt sẽ trở thành phế phẩm sau 28 ngày mở nắp. Vì thế, người dùng cần loại bỏ các sản phẩm thuốc nhỏ mắt đã mở nắp lâu ngày, tránh những ảnh hưởng cho sức khoẻ. Bạn nên mua các thuốc nhỏ mắt có kích cỡ vừa phải, dùng trong thời gian thích hợp.
Trong trường hợp phát hiện các phản ứng của mắt, cơ thể với sản phẩm thuốc nhỏ mắt, cần nhanh chóng đi khám để xác định bệnh và chữa trị kịp thời.
Thanh Nguyên
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!