Một ca cấp cứu trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Nhi đồng 1
Theo thống kê của Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), sự cố y khoa xảy ra ở hầu hết cơ sở y tế công và tư, chiếm khoảng 3,2 đến 16,6% tổng các ca điều trị. Nguyên nhân do thiếu hụt về nhân lực có chất lượng, trang thiết bị thiếu thốn, trình độ quản lý còn hạn chế…
Khi sự cố y khoa xảy ra, thường kéo theo sau đó là những vụ khiếu kiện của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đối với nhân viên y tế và cơ sở khám chữa bệnh. Đặc điểm chung nhất của các vụ khiếu kiện này là khó khăn trong xác định nguyên nhân của sự cố nên thường dẫn đến giải quyết không thỏa đáng.
Nhiều vụ khiếu kiện dù đã được hội đồng khoa học kỹ thuật của bệnh viện, sở y tế, thậm chí cả Bộ Y tế vào cuộc điều tra, kết luận nhưng bệnh nhân, người nhà bệnh nhân vẫn không tin tưởng, tiếp tục khiếu kiện kéo dài khiến cơ sở khám chữa bệnh bị ảnh hưởng, mất uy tín, bác sĩ mệt mỏi, bất an khi hành nghề.
Theo ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), sự cố y khoa là một phần không thể tránh khỏi của ngành y tế, nhất là trong lĩnh vực sản nhi, bởi vì các vụ tử vong liên quan đến bà mẹ và trẻ em luôn là vấn đề nhạy cảm, dễ gây ra bức xúc trong xã hội.
Thống kê từ năm 2016 đến tháng 7/2018 đã xảy ra 134 sự cố y khoa trong lĩnh vực này được phản ánh, trong đó có 45 trường hợp tử vong mẹ, 16 trường hợp tử vong trẻ sơ sinh, 23 sự cố kế hoạch hóa gia đình và các sự cố khác…
Chỉ ra nguyên nhân, ông Nguyễn Đức Vinh cho rằng, ngoài các lý do khách quan như quá tải bệnh viện, sàn nhà trơn trượt, thiết bị cũ, hỏng…thì đa số các sự cố y khoa là do nhân viên y tế không tuân thủ quy trình chuyên môn như: Khám thai không đủ chín bước, xử trí thai nguy cơ không đúng quy định, không tuân thủ chặt chẽ quy trình theo dõi chuyển dạ, không theo dõi sát bà mẹ và trẻ sơ sinh ngay sau đẻ, phát hiện tai biến khi đã muộn…
Bên cạnh đó, các hạn chế về năng lực như không phát hiện bất thường khi khám thai, xử trí không đúng, phát hiện muộn dấu hiệu nguy hiểm, chẩn đoán và tiên lượng sai, không phát hiện bệnh lý đi kèm, thiếu kinh nghiệm… của nhân viên y tế cũng gây nên các tai biến y khoa.
Đặc biệt, thái độ ứng xử, giải quyết của cơ sở y tế khi có sự cố, tai biến xảy ra như đùn đẩy trách nhiệm, sợ trách nhiệm, né tránh, quy kết đổ lỗi cá nhân, thiếu thông tin chia sẻ là nguyên nhân gây nên những khiếu nại kéo dài.
“Đa số người bệnh và gia đình bức xúc chủ yếu do thái độ ứng xử hơn là do chuyên môn kỹ thuật. Do đó các bệnh viện cần có kỹ năng, thái độ ứng xử với người bệnh, không né tránh trách nhiệm, không đổ lỗi khi có sự cố y khoa xảy ra”, ông Vinh khẳng định.
Là bệnh viện sản khoa lớn nhất khu vực phía Nam với khoảng 70.000 ca sinh mỗi năm nên việc đối mặt với các tai biến sản khoa là điều mà Ban giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM luôn phải sẵn sàng ứng phó. Theo bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, băng huyết sau sinh là tai biến phổ biến nhất trong lĩnh vực sản khoa hiện nay do sự cố này không thể tiên lượng trước hoặc diễn ra rất nhanh khiến cho các bác sỹ không kịp xử trí.
Thống kê sơ bộ tại Bệnh viện Từ Dũ cho thấy, năm 2013 có 130 ca tai biến sản khoa thì năm 2017 có đến 400 ca liên quan đến băng huyết sau sinh, mà cụ thể là nhau tiền đạo và nhau cài răng lược. Sở dĩ có sự gia tăng này, theo bác sĩ Mỹ Nhi, là do tình trạng mổ lấy thai quá nhiều lần. Hiện Bệnh viện Từ Dũ đang cố gắng giảm tỷ lệ mổ lấy thai xuống dưới 40% trong tổng số các ca sinh.
Dù thực hiện rất nghiêm túc các hoạt động chuyên môn nhưng bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi cũng thừa nhận, bệnh viện vẫn nhận được các khiếu nại, than phiền của người nhà bệnh nhân do bác sĩ giải thích không cặn kẽ trước cuộc mổ hoặc nhân viên y tế chậm trễ khiến gia đình bệnh nhân bức xúc.
Để giải quyết tốt các sự cố y khoa, Bộ Y tế khuyến cáo các bệnh viện cần phải tuân thủ đúng các quy trình chuyên môn; cải thiện kỹ năng, thái độ ứng xử; chủ động chia sẻ, cung cấp thông tin và đặc biệt khi xảy ra sự cố cần xử lý sớm và dứt điểm, tránh khiếu kiện kéo dài.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!