Ghét bản thân cũng là một… cái tội!

Tâm lý - 11/28/2024

Bạn có biết ghét bản thân cũng là một "cái tội" lớn khi không yêu thương và trân trọng giá trị của chính mình?

Khi ghét bản thân, bạn sẽ đánh mất nhiều cơ hội tìm thấy niềm vui và gặt hái thành công. Bạn có biết ghét bản thân cũng là một “cái tội” lớn khi không yêu thương và trân trọng giá trị của chính mình?

Tâm lý ghét bản thân khiến bạn không dám nhận lời yêu ai đó, mất một cơ hội việc làm thú vị hay trầm trọng hơn là làm đau chính mình. Tuy nhiên, bạn có thể học cách yêu bản thân để chấp nhận nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống hơn.

Một chuyện tình hạnh phúc và một sự nghiệp thành công không quá xa vời nếu bạn đủ yêu thương bản thân và cho phép những điều tốt đẹp đến với mình. Để làm được điều này, bạn cần tìm ra lý do mình ghét bản thân để giải quyết vấn đề này.

Vì sao bạn ghét bản thân?

Cảm giác không hài lòng với bản thân không phải tâm lý hiếm gặp mà bất kỳ ai cũng có thể mắc phải những suy nghĩ tiêu cực này bởi các nguyên nhân phổ biến sau đây:

• Thất bại trong quá khứ: Bạn có thể tự ghét bản thân vì một số trải nghiệm không vui. Có thể bạn sẽ thấy mình không đủ tốt khi bị một người mình thầm thương trộm nhớ từ chối tình cảm. Bạn cũng có thể cảm thấy mình chẳng có gì đáng yêu nếu từng bị người yêu phản bội. Không chỉ vậy, bạn cũng có thể cho rằng mình không tài năng nếu từng thi rớt hoặc bị sa thải.

• Những người tiêu cực: Một lý do của tâm lý ghét bản thân là do bạn ở gần những người mang đến những cảm xúc bất an và tiêu cực. Nếu thường xuyên bị bạn bè hay người thân chọc ghẹo, bạn có thể trở nên nghi ngờ giá trị của chính bản thân mình. Bạn sẽ tự hỏi mình có gì không ổn mà ngay cả những người thân thiết nhất như bạn bè hay người thân cũng đối xử với mình không tốt như vậy.

• Không chịu hòa nhập: Bạn có thể ghét chính mình vì cảm thấy cô đơn và bị cô lập. Bạn cảm thấy mình không thể hòa nhập với mọi người xung quanh và không thể kết bạn với bất kỳ ai. Đây là tâm lý thường gặp ở những người có tính cách hướng nội vì không muốn giao tiếp với nhiều người xung quanh. Càng thu mình trong vỏ ốc của người cô đơn, bạn lại càng có xu hướng ghét bản thân nhiều hơn.

• Suy nghĩ quá nhiều: Tính cách hay suy nghĩ cũng có thể khiến bạn ghét bản thân mình. Những người suy nghĩ quá nhiều thường khó chịu với bản thân vì những vấn đề không quá lớn như vô tình nổi nóng khi phục vụ mang đồ ăn ra trễ hay đi làm muộn hơn bình thường. Họ luôn tự tìm kiếm những lý do nhỏ nhất để dằn vặt bản thân.

Nhiều người vẫn nghĩ tâm lý ghét bản thân chỉ là một phần của nét tính cách tự ti. Thật ra, đây cũng là một vấn đề rất lớn khi bạn có tội với chính mình vì khiến bản thân thiệt thòi.

Ghét bản thân khiến bạn thiệt thòi hơn

Ghét bản thân cũng là một… cái tội!

Khi ghét chính mình, bạn sẽ chấp nhận những thứ thấp hơn tiêu chuẩn của bản thân. Ví dụ như bạn có thể chấp nhận một mối quan hệ không lành mạnh vì nghĩ rằng mình sẽ không tìm được tình yêu nào khác. Bạn có thể làm một công việc không hề vui vẻ vì nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ thành công. Bạn cũng có nguy cơ bỏ bê bản thân và sa vào những thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu hoặc thậm chí là tự làm tổn thương bản thân.

Không chỉ bạn mà những người xung quanh cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi tâm lý không yêu thương chính mình. Điều này là vì khi không vui vẻ với chính mình, bạn sẽ không thể cởi mở và hòa đồng với người khác. Bạn cũng sẽ thấy khó khăn trong việc chấp nhận tình yêu và lời khen của mọi người. Những cử chỉ và lời nói tốt đẹp từ người khác đều trở nên đáng ngờ vì bạn luôn cho rằng mình không xứng đáng với những điều đó.

Để thoát ra tâm lý ghét bản thân, bạn cần nhận ra hậu quả của điều này đối với chính mình và người thân. Bạn không thể yêu thương ai một cách chân thành và hết lòng nếu ghét bản thân!

Cách thoát khỏi tâm lý ghét bản thân

Ghét bản thân cũng là một… cái tội!

Bạn có thể áp dụng các lời khuyên sau đây để chuyển suy nghĩ tiêu cực thành tích cực và yêu thương bản thân hơn.

• Suy nghĩ tích cực hơn: Bạn hãy trò chuyện với bản thân một cách vui vẻ hơn. Ví dụ như khi bị từ chối tình cảm, bạn hãy nghĩ rằng người ấy không hề biết bạn tuyệt vời thế nào nên đã bỏ lỡ một cơ hội. Bạn cũng có thể ghi ra những ký ức hạnh phúc và những điểm tích cực của bản thân từ ngoại hình tới tính cách để luôn ghi nhớ giá trị của mình.

• Không so sánh: Thói quen xấu bạn cần bỏ để yêu bản thân hơn là so sánh mình với mọi người xung quanh, đặc biệt là những người có vẻ thành công hay tài giỏi hơn bạn. Mọi người đều không hoàn hảo và đều có những bất an riêng. Những người có hình ảnh hào nhoáng có thể cũng có nhiều mảng tối bạn chưa biết đấy.

• Ở bên cạnh những người tích cực: Một cách đơn giản để cảm thấy tích cực hơn là ở quanh những người mang đến sự vui vẻ. Bạn không cần quan tâm tới những người thường chỉ trích, chọc ghẹo hay cản đường bạn mà hãy kết nối với những ai có thể giúp bạn phát triển bản thân.

• Thử trải nghiệm mới mẻ: Bạn cần thử những việc mới mẻ và táo bạo hơn như gặp nhiều bạn bè hơn, chấp nhận tình cảm của người khác và nắm bắt cơ hội cho mình. Bạn hãy nộp đơn vào một công ty thú vị, hẹn hò với một đối tượng tiềm năng hay học thêm một kỹ năng nào đó. Dù bạn có thể sẽ không có được thứ mình muốn ngay lập tức nhưng bạn vẫn sẽ học được cách yêu bản thân khi thử những trải nghiệm mới.

• Tìm đến bác sĩ tâm lý: Nếu tâm lý tiêu cực kéo dài và những cách bạn thử không hiệu quả, hãy tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ tâm lý. Việc này thể hiện bạn rất quan tâm tới bản thân và đủ mạnh mẽ để tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia.

Tâm lý ghét bản thân mình không hề hiếm gặp và bạn có thể cải thiện tình trạng này nếu chịu cố gắng thay đổi. Bạn nên mở lòng nhiều hơn để yêu thương bản thân và không mắc phải tội ngược đãi chính mình nhé!

Như Vũ | HELLO BACSI

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Người theo chủ nghĩa hoàn hảo có nguy cơ cao bị trầm cảm
  • Rối loạn đa nhân cách: Những mảnh ghép đầy ám ảnh
  • Rối loạn lo âu là gì? Lo âu, mất ngủ kéo dài có nguy cơ cao mắc bệnh trầm cảm

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!