Cơn đau hông có thể do nhiều tác nhân gây ra. Đôi khi bạn bỗng dưng cảm thấy đau hông mà không rõ nguyên nhân và cảm giác rất khó chịu. Trong bài viết này, Hello Bacsi sẽ giải đáp những thắc mắc về cơn đau hông.
Đôi khi nguyên nhân có thể là do các môn thể thao hoặc giải trí bạn chơi yêu cầu bạn tạo áp lực lên hông liên tục gây đau nhức. Bởi vì hông chịu lực chính trên cơ thể, vì thế chứng viêm khớp hông thường xuyên xảy ra.
Chức năng của hông trên cơ thể
Hông là khớp cầu kết nối các xương gồm xương đùi và xương chậu. Xung quanh xương thường có rất nhiều dây chằng có chức năng giúp hỗ trợ xương, góp phần tạo nên sự bền chắc đáng kể đến các khớp. Quanh vùng hông cũng có sự xuất hiện của rất nhiều cơ bắp có chức năng hỗ trợ di chuyển khớp.
Các cơn đau ở hông thường gặp
Hông là bộ phận nằm ở gần thắt lưng và rất khó để xác định liệu cơn đau hông của bạn có thực sự xảy ra ở hông không? 3 triệu chứng về đau hông điển hình dưới đây sẽ giúp bạn xác định vị trí cơn đau.
Đau ở háng hoặc vùng hông trước
Nếu bạn cảm thấy đau ở phía trước vùng hông, có khả năng là do bạn đang bị viêm khớp hông. Đối với những người trẻ tuổi, cơn đau hông trước và háng có thể là kết quả của sự va đập femoro – ổ cối ở hông (hay còn gọi là FAI). Nếu các cơ bắp xung quanh hông bị căng quá mức cũng có thể gây ra cơn đau thắt.
Đau bên hông
Đau ở hông thường cho thấy các cơ bắp hoặc cấu trúc hông của bạn đang gặp vấn đề, như viêm bao hoạt dịch ở hông. Bao hoạt dịch là một túi chứa đầy chất lỏng cho phép các cơ và xương di chuyển trượt qua nhau một cách trơn tru. Trong khi đó, chứng viêm này sẽ gây kích thích bao hoạt dịch.
Bên hông chứa một bao hoạt dịch lớn, nếu bao ở đó bị viêm có thể gây ra kích ứng kèm với sự căng thắt hoặc sự mất cân bằng cơ lặp lại liên tục. Chứng đau thắt dải xương chậu cũng có thể bắt đầu xuất hiện từ phía bên hông.
Đau ở vùng mông hoặc thắt lưng hông
Nguyên nhân cơn đau vẫn có thể xuất phát từ vùng thắt lưng hông. Hãy làm bài kiểm tra nho nhỏ để bạn xác định bằng cách đứng dang rộng hai chân và gập người về phía trước. Chú ý hướng thắt lưng gập xuống. Sau đó đứng thẳng và thực hiện lại động tác khoảng 5–6 lần. Nếu bạn cảm thấy đau dữ dội hơn trong khi gập người thì cơn đau hông có thể xảy ra ở lưng dưới.
Nếu bạn bị đau hông kéo dài hơn 2–3 tuần hoặc đau do chấn thương gây ra, bạn nên đến gặp bác sĩ, chuyên viên trị liệu vật lý hoặc bệnh viện gần nhất để khám và điều trị.
Những biện pháp điều trị cơn đau hông
Nếu bạn bị đau hông (vùng háng), bạn có thể điều trị nhờ vào các liệu pháp vật lý để giúp kiểm soát tình hình các triệu chứng. Chương trình trị liệu vật lý thường tập trung vào việc giúp giảm bớt hoặc loại bỏ hoàn toàn các cơn đau, cải thiện các chuyển động vùng hông. Ngoài ra, nó còn giúp khôi phục các chức năng vận động bình thường của cơ thể.
Chuyên viên điều trị sẽ dùng những dụng cụ vật lý như sử dụng nhiệt và đá lạnh để làm dịu chứng viêm. Các phương pháp điều trị thụ động này tuy giúp bạn cảm thấy đỡ hơn nhưng chỉ có liệu pháp vật lý chủ động như tập luyện có kế hoạch mới là “liều thuốc” tốt nhất khi đau hông.
Chuyên viên trị liệu vật lý có thể khuyên bạn thực hiện các bài tập giúp cải thiện sức mạnh hay độ linh hoạt của cơ hông. Bạn cũng có thể phải tự thực hiện các bài tập tại nhà mỗi ngày như là một phần của chương trình tập thể dục bình thường. Bạn nên tích cực và kiên trì tập luyện trong thời gian dài để nhận được kết quả tốt nhất.
Khi cơn đau hông dần có dấu hiệu cải thiện, các bài tập hông nâng cao có thể là một lựa chọn tuyệt vời cho bạn để tối đa hóa chức năng của cơ hông.
Các cơn đau hông là một triệu chứng phổ biến thường gặp và có nhiều nguyên nhân, vì vậy, bạn phải kiểm tra kỹ càng mới có cách điều trị phù hợp và hiệu quả nhất.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Các cách điều trị bệnh loãng xương hiệu quả cho người lớn tuổi
- Phương pháp đơn giản điều trị chuột rút ngay tại nhà
- Chứng đau bụng và ợ hơi: Nguyên nhân và phương pháp điều trị
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!