Giáo dục giới tính: Nỗi niềm trăn trở không của riêng ai

Nuôi dạy con - 05/03/2024

Diễn ra trong vòng 30 phút nên dường như vẫn chưa đủ cho một tiết học giáo dục giới tính tại trường THCS Lý Thường Kiệt (Hải Châu, Đà Nẵng).

Chủ đề của tiết học xoay quanh 'Sự thay đổi về thể chất, cơ thể tuổi dậy thì'. Sau khi nghe cô giáo giới thiệu về bài học mới, cả lớp nhanh chóng triển khai chia nhóm, giấy bút đã sẵn sàng trên bàn.

Đầu tiên, giáo viên đưa ra tình huống và cho học sinh lên đóng. Không giống như những trẻ khác còn nhiều bỡ ngỡ về giới tính, các em học sinh ở đây rất thích thú giơ tay phát biểu, mong muốn mình được tham gia vào vai diễn. Cách diễn tự nhiên, sinh động và đầy hào hứng của các em thể hiện niềm vui khi được tham gia môn học này in rõ lên từng nét mặt, ánh nhìn. Với mỗi câu hỏi nhóm, giáo viên đều phát giấy bút cho mỗi nhóm, để các em tự do viết hoặc vẽ tùy thích để bài viết thêm trực quan, sinh động.

Em Dư Nguyên Minh (học sinh của lớp) hào hứng cho biết :'Em bắt đầu được học môn giáo dục giới tính khi vào lớp 6. Môn học giúp em hiểu về mình nhiều hơn, đặc biệt khi đã trưởng thành'. Em cũng cho biết, nhờ môn học mà em có thể biết những điều không hay và biết cách phòng tránh. Môn học trang bị cho em những kiến thức quan trọng trước khi nhận thấy sự bất thường trong tâm sinh lý tuổi dậy thì.

Giáo dục giới tính: Nỗi niềm trăn trở không của riêng ai

Học sinh thảo luận theo chủ đề giáo dục giới tính tại lớp

Còn em Lê Hoài Thương lại cho rằng, nhờ môn học mà em có thể giải thích được những thắc mắc khi cơ thể đang lớn lên. 'Những băn khoăn đó đôi khi em muốn hỏi ba mẹ nhưng lại ngại, lại sợ mọi người nói mình hư nên chẳng dám thổ lộ cùng ai, cho đến khi em học môn giáo dục giới tính. Em thấy môn học rất hữu ích, giúp bọn em - nhất là con gái phòng tránh được những vấn đề đáng tiếc do thiếu hiểu biết tuổi dậy thì, thay đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì', em hào hứng nói.

Chỉ trong vòng 30 phút ngắn ngủi, buổi học đã tóm tắt được những câu hỏi như: Những thay đổi trên cơ thể khi bạn trai/ bạn gái dậy thì? Vì sao cơ thể lại mọc lông? Vì sao tiếng bạn gái lại trở nên cao, trong hơn còn tiếng bạn trai lại trầm, ồm hơn? Đặc biệt, buổi học không ngần ngại nói thẳng vào các vấn đề như: Ở tuổi dậy thì, bạn gái bắt đầu có kinh nguyệt, bạn trai có thể xuất tinh; Sự kết hợp giữa trứng (ở bạn gái) và tinh trùng (ở bạn trai) sẽ sản sinh ra một sản phẩm là em bé… Những lý giải trực quan, sinh động bằng bài giảng, hình ảnh của cô giáo khiến các em học sinh không khỏi tròn mắt, giòn tan cười vui khi hiểu rõ vấn đề và càng ý thức hơn về chăm sóc sức khỏe của mình ở lứa tuổi này.

Cô giáo Nguyễn Thị Thuận (Giáo viên bộ môn Giáo dục công dân) - người dạy giáo dục giới tính cho lớp chia sẻ, giờ học môn giáo dục giới tính được lồng ghép vào những giờ sinh hoạt ngoại khóa. Mỗi tháng, học sinh sẽ được học 2 tiết, giáo án do giáo viên biên soạn.

'Trong quá trình giảng bài, lúc đầu cả giáo viên và học sinh đều có những lúc ngại ngùng, đặc biệt là học sinh lớp 8, lớp 9. Những lúc thế này, tôi phải gọi các em lên đọc lại bài cũng như kết quả thu được trong buổi học nhằm giúp các em tiếp thu bài hiệu quả hơn', cô Thuận cười nói.

Giáo dục giới tính: Nỗi niềm trăn trở không của riêng ai

Cô giáo Nguyễn Thị Thuận (bên trái) đang trợ giúp học sinh gắn câu trả lời trên bảng

Theo cô Thuận, chương trình giáo dục giới tính thực sự rất bổ ích. Tuy nhiên, giáo viên cần có những hướng dẫn cơ bản để cung cấp kiến thức tốt nhất về lĩnh vực này cho các em, đặc biệt nếu có sách dạy thì rất tốt.

Buổi học trên chỉ là một trong 12 chủ đề về giáo dục sức khỏe sinh sản cho trẻ vị thành niên. Theo đó, giáo viên sẽ hướng dẫn tổ chức các buổi sinh hoạt theo chủ đề truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên với chủ đề như: Thay đổi thể chất và sinh lý tuổi vị thành niên; Hướng dẫn tổ chức hoạt động truyền thông nhóm (tập trung vào sự thay đổi thể chất và sinh lý tuổi dậy thì); Thay đổi tâm lý tình cảm tuổi vị thành niên; Vệ sinh kinh nguyệt; Phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em; Sự thụ thai; Có thai ngoài ý muốn và hậu quả; Tình dục và an toàn tình dục; Các biện pháp tránh thai; Phòng tránh bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản; HIV/AIDS…

Cô Nguyễn Thị Cảnh, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, chương trình giáo dục giới tính của trường dạy theo tài liệu 'Thế giới tuổi hoa' – một dự án được đầu tư bởi nước ngoài. Theo đó, giáo viên sẽ được cử đi tập huấn và được tính thù lao giảng dạy đồng thời được cung cấp toàn bộ tài liệu, phương tiện học tập.

'2 năm trở lại đây, việc này đã bị yếu kém đi ít nhiều, chủ yếu do dự án kết thúc. Sau đó, chúng tôi cũng được tài trợ bởi chương trình Hành trình yêu thương để giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên', bà cho biết. Khi hoạt động dạy giáo dục giới tính đã vào nề nếp, giáo viên mặc dù không được hỗ trợ kinh phí nhưng cac cô đều xem như đây là một hoạt động giảng dạy của chính mình.

Đến bây giờ, 4 năm đã trôi qua nhưng Cô Cảnh vẫn không thể quên những ngày tháng ấy. Vào những ngày đầu tiên có môn giáo dục giới tính, tổ chức Thế giới tuổi hoa phải có buổi truyền thông cho toàn bộ phụ huynh và học sinh. Nguyên nhân cũng bởi họ ngại ngùng, mang tính cách truyền thống. Nhiều phụ huynh lắc đầu nguầy nguậy: 'Thế này chẳng khác gì vẽ đường cho hươu chạy', nhiều người khác phát hiện có bao cao su trong cặp sách của trẻ thì đánh mắng con thậm tệ.

Giáo dục giới tính: Nỗi niềm trăn trở không của riêng ai

Tài liệu tham khảo thêm cho buổi học được phát cuối buổi

Vì thế, để có được sự tiếp thu tự nhiên cho trẻ về giáo dục giới tính, có được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh 'vẽ đường cho hươu chạy đúng' là cả quá trình phấn đấu, truyền thông lâu dài của nhà trường.

'Hãy dạy cho các em càng sớm càng tốt. Để đến lớp 6 mới dạy môn học này thực tế là quá muộn rồi. Dạy cho các em bộ môn này cũng là một trong những hoạt động để bồi dưỡng kỹ năng sống', Cô khẳng định.

Chung nhận định với Cô Cảnh, ông Đinh Anh Tuấn (Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế) cho biết thêm, hiện nay các hoạt động giáo dục giới tính đang được hỗ trợ trong khuôn khổ dự án mục tiêu quốc gia đang được triển khai trên toàn quốc, tuy nhiên vẫn còn hạn chế do nguồn kinh phí hạn hẹp.

'Đà Nẵng có thể phát triển nhưng những vùng sâu vùng xa thì phải làm sao để phát triển? Rõ ràng, mô hình này cần sự đầu tư, quan tâm hơn nữa của chính quyền, của nhà nước. Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em cũng như nhà trường đều rất trăn trở, tìm cách duy trì', ông Tuấn bày tỏ mong muốn.

Nguyễn Hòa

(Nội dung do Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em duyệt)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!