Suy ngẫm từ mô hình hay, khích lệ niềm tự hào 'Mình là con gái'

Thời sự - 11/24/2024

Học giỏi, nữ sinh Nguyễn Thị Ánh Hằng ở Quảng Ngãi còn là thành viên tích cực của các hoạt động ngoại khoá, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến bình đẳng giới.

'Tự hào vì mình là con gái!'

Nguyễn Thị Ánh Hằng là học sinh lớp 8, Trường THCS Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Suốt 8 năm qua, em luôn là học sinh giỏi, không thua kém các bạn trai.

Học giỏi, Hằng còn là thành viên tích cực của các hoạt động ngoại khoá, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến bình đẳng giới.

'Tự hào vì mình là con gái' - Hằng nói và cho biết, từ khi tham gia CLB 'Các bạn gái tiêu biểu' của Trường, niềm tự hào đó càng nhân lên gấp bội. CLB của Hằng có 16 thành viên, ai cũng đều giỏi như cô nữ sinh này, đặc biệt, các em sinh ra trong gia đình sinh con một bề là gái.

Hằng kể, vào CLB, em được trang bị các kiến thức về giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên, các biện pháp chống xâm hại tình dục, kiến thức tự bảo vệ mình hay những hiểu biết về bình đẳng giới, kỹ năng sống.

Hiện nay toàn huyện Nghĩa Hành có 10 CLB tại 10 xã trên địa bàn huyện, với gần 183 học sinh nữ tham gia, sinh hoạt. Các CLB được Trung tâm Y tế huyện hỗ trợ sản phẩm truyền thông. CLB sinh hoạt 1 lần/quý, cũng có thể họp đột xuất khi cần thiết. Mỗi tuần vào giờ chào cờ, nhà trường dành 10 – 15 phút để các thành viên trong CLB tuyên truyền các kiến thức được trang bị đến các bạn trong trường. Tính trên toàn tỉnh, hiện có 43 CLB đang hoạt động.

Không chỉ ở Quảng Ngãi, mô hình này cũng đang thể hiện hiệu quả tại Thái Bình. Tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 45 CLB 'Các bạn gái tiêu biểu' đã được thành lập tại 8 huyện, thành phố, với hơn 2.000 học sinh nữ tham gia, sinh hoạt định kỳ hàng tháng.

Suy ngẫm từ mô hình hay, khích lệ niềm tự hào 'Mình là con gái'

Một góc sinh hoạt CLB 'Các bạn gái tiêu biểu' tại Thái Bình. Ảnh: Hà My

Không chỉ là nơi chia sẻ kinh nghiệm học tập, nêu gương những học sinh điển hình, động viên khuyến khích sự vươn lên của nữ sinh, CLB cũng là nơi để các em mạnh dạn chia sẻ với bạn bè, thầy cô để xóa bỏ định kiến giới tính, tiến tới bình đẳng giới thực chất và bền vững.

Biết nhiều gia đình vẫn ưa thích con trai, khiến tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh đang chênh lệch cao, Hằng và nhiều thành viên CLB nói sẽ cố gắng là tuyên truyền viên tích cực trong việc nâng cao vị thế nữ giới, bảo vệ sức khỏe phụ nữ và trẻ em gái - những người đều có quyền tự hào về giới tính mình được tạo hoá ban cho, từ đó, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Suy ngẫm từ mô hình hay, khích lệ niềm tự hào 'Mình là con gái'

Ra mắt CLB 'Các bạn gái tiêu biểu' tại xã Hành Tính Đông, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: A.Kiều

Tại Quảng Ngãi, số liệu chuyên ngành cho thấy tỷ số giới tính khi sinh 6 tháng đầu năm 2020 là 117,8 bé trai/100 bé gái). Còn tại Thái Bình, con số này năm 2019 là 111/100. Để hướng đến mục tiêu duy trì có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, đưa tỷ số giới tính khi sinh ổn định ở mức cân bằng tự nhiên, Chi cục DS-KHHGĐ các địa phương này đã và đang thực hiện nhiều hoạt động, chương trình, nỗ lực giảm thiểu tình trạng này, đặc biệt củng cố hoạt động CLB 'Các bạn gái tiêu biểu' nhằm khẳng định vị thế của bé gái trong gia đình và trường học...

Truyền thông, giáo dục ngay về mất cân bằng giới tính cho học sinh

Ông Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục thuộc Tổng cục Dân số (Bộ Y tế), cho biết để ngăn chặn tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, Tổng cục Dân số đã chỉ ra giải pháp then chốt là phải tăng cường công tác bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức của người dân, phát huy hơn nữa sự tham gia của nam giới vì bình đẳng giới. Cần có những hành động thiết thực bảo vệ trẻ em để các em sinh ra được bình đẳng, dù là trai hay gái.

Qua thực tế cho thấy công tác truyền thông để thay đổi nhận thức của người dân về việc 'trọng nam khinh nữ' vẫn gặp rất nhiều khó khăn vì quan niệm này đã 'ăn sâu' vào tư tưởng của một bộ phận không nhỏ người dân. Vì vậy, việc thay đổi phương thức, đối tượng truyền thông và tập trung ngay vào đối tượng là những học sinh nam ở tuổi vị thành niên, thanh niên để sau này khi kết hôn, sinh con, thế hệ này không còn tâm lý ưa thích con trai hơn con gái nữa là hoàn toàn cần thiết.

'Chúng tôi đã, đang và sẽ tích cực phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo bằng các chương trình phối hợp, kế hoạch cụ thể để có những nội dung và phương thức truyền thông phù hợp cho các học sinh các cấp ở tuổi vị thành niên/thanh niên' - ông Phương nói.

PGS.TS Lưu Bích Ngọc, Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho hay hiện giáo dục giới tính và bình đẳng giới đã được đưa vào trong hệ thống nhà trường từ mầm non đến phổ thông đến các bậc đào tạo nghề nghiệp, đào tạo đại học. Phương thức tích hợp và lồng ghép đã được áp dụng trong nhiều môn học. Những bài học giáo dục trực tiếp về giới tính và bình đẳng giới cũng được thiết kế trong những môn học phù hợp, đặc biệt là trong môn đạo đức và giáo dục công dân. Các hoạt động trải nghiệm ngoài giờ lên lớp cũng có chương trình về giáo dục giới tính và bình đẳng giới (các cuộc thi, các cuộc giao lưu…).

Tuy nhiên, theo bà Ngọc, phải thừa nhận hiệu quả và mức độ đầu tư trong thời gian gần đây còn rất hạn chế. Giáo dục về mất cân bằng tỷ số giới tính trẻ sơ sinh chưa được nhận diện và cũng chưa được thiết kế bài bản như những vấn đề giáo dục dân số trước đây.

Do đó, theo PGS.TS Lưu Bích Ngọc, mức độ quan tâm và đầu tư cần phải được đẩy mạnh trong thời gian tới.

'Đầu tiên cần hướng tới nhận thức của các cán bộ lãnh đạo và quản lý giáo dục, tiếp đến là nhận thức của đội ngũ giáo viên giảng viên. Nội dung giáo dục về mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh cần phải được nghiên cứu và đưa vào hệ thống các môn học, các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp tương tự như đã từng thực hiện đối với giáo dục dân số sức khỏe sinh sản trong những giai đoạn trước đây' - bà Ngọc nêu quan điểm.

Nguồn lực hỗ trợ cho công tác giáo dục để học sinh hiểu về tình trạng mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh trong hệ thống nhà trường đòi hỏi rất lớn; cần phải có chủ trương phân bổ nguồn lực cho hoạt động này dưới dạng các đề án, dự án có đóng góp vốn từ ngân sách nhà nước, tài trợ quốc tế và các nguồn xã hội hóa khác.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!