Nguồn gốc và biểu tượng của lễ Halloween
Ngày lễ Halloween còn được gọi là ngày Hóa lộ quỷ hay Ma lộ hình, thường diễn ra vào ngày 31/10 ở hầu hết các quốc gia. Lễ này được tổ chức chủ yếu ở các nước Mỹ, Canada... sau đó trở nên phổ biến ở Úc và New Zealand. Ngày nay, lễ hội này không chỉ diễn ra ở các nước phương Tây mà được mọi người chào đón, đặc biệt là các em nhỏ ở khắp các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam.
Halloween nghĩa là Đêm vọng Lễ Các Thánh (buổi tối thánh thiêng), là một lễ hội truyền thống được tổ chức vào ngày 31/10 hàng năm. Lễ hội nhằm tưởng nhớ những người đã chết là các vị thánh, vị tử đạo và các tín hữu trung kiên đã qua đời.
Nhiều người cho rằng Halloween là lễ hội của Kito giáo chịu ảnh hưởng bởi lễ hội thu hoạch của người Celt. Nhưng cũng có nhiều học giả nói đây là lễ hội độc lập của Kito giáo. Halloween đang dần càng phổ biến đến nhiều quốc gia trên thế giới.
Đèn lồng bí ngô là nét đặc trưng nhất của lễ hội Halloween
Hoạt động chính của lễ hội
Trong ngày hội Halloween, trẻ em thường chơi trò đục khoét bí ngô, bí đao hoặc khoai tây. Sau đó, khắc hình thù những khuôn mặt kì quái lên đó và đặt những cây nến vào bên trong để thắp sáng rồi nối đuôi nhau rước đèn khắp mọi nơi. Đặc biệt hơn mọi người sẽ tìm những bộ trang phục kinh dị, ma quái, để hóa trang thành các nhân vật yêu thích hay người nổi tiếng.
Thêm nữa, không thể bỏ qua trò ‘Trick or treat’ – hoạt động chính của hầu hết trẻ em vào đêm Halloween. 'Trick' có nghĩa là đánh lừa, trò đùa nghịch ngợm, còn 'Treat' là tiếp đón, tiếp đãi. Các em nhỏ hóa trang với áo quần và mặt nạ hình ma quỷ, rồi cầm lồng đèn đi từ nhà này sang nhà khác trong xóm, gõ cửa và nói 'trick or treat'. Câu này có nghĩa là: 'Nếu muốn chúng tôi không chơi xấu thì hãy thiết đãi chúng tôi thật tử tế'. Thông thường người lớn sẽ tặng cho trẻ em kẹo, trái cây, thậm chí là những đồng tiền xu đã được chuẩn bị từ trước.
Ý nghĩa của lễ hội Halloween
Lễ hội Halloween đã trở thành một phần của văn hóa phương Tây và ngày càng được yêu thích ở nhiều nơi. Đây là dịp để cả người lớn và trẻ em được vui chơi, giải trí. Tuy nhiên, mọi người thường bị thu hút bởi các hoạt động thú vị của lễ hội Halloween mà ít quan tâm đến ý nghĩa nhân văn độc đáo đằng sau nó.
Trong lễ hội, trẻ nhỏ sẽ gõ cửa từng nhà để xin bánh kẹo
Trước kia, người ta đã dùng củ cải và khoai tây để khắc thành những chiếc lồng đèn trong ngày Halloween. Nhưng nạn đói năm 1846 tại Ailen đã khiến củ cải và khoai tây trở nên vô cùng khan hiếm. Khi di cư tới Hoa Kỳ để tránh nạn đói và ảnh hưởng của suy thoái kinh tế người dân Ailen đã bắt đầu dùng những quả bí ngô/đỏ, có giá bán vô cùng rẻ, được trồng phổ biến tại vùng đất Bắc Mỹ để tạo ra những chiếc đèn lồng, gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Và kể từ đó, truyền thống đã dần thay đổi, tục khắc bí đỏ bắt đầu phát triển và được ưa chuộng từ đó cho đến ngày nay.
Những chiếc lồng đèn trong lễ hội Halloween còn có tên 'Jack O'Lantern', xuất phát từ câu chuyện về chàng trai tên Jack Hà tiện do tính keo kiệt và những cú lừa với quỷ nên khi chết không được lên thiên đường cũng không được xuống địa ngục. Jack phải đi lang thang nhiều nơi tìm kiếm một chỗ trú chân. Hơi ấm duy nhất sưởi ấm cho anh trong giá lạnh là ngọn nến leo lét trong củ khoai tây thối.
Jack chỉ đơn thuần là một nhân vật trong tưởng tượng nhưng đã thực sự hiện thân trong cuộc đời. Khi chết, anh trở thành một hồn ma, không chỗ dung thân, Thiên Đàng và Địa Ngục đều từ chối. Truyền thống lễ hội Âu Mỹ đã dành cho Jack một ngày được trở lại với cõi dương. Trong ngày đó, Jack có thể sống vui chơi thoải mái, vì người sống đã hóa trang thành ma quỷ để linh hồn Jack không bị xua đuổi, sống yêu thương trong tình thân đồng loại.
Lễ hội ngày càng phổ biến với mọi lứa tuổi và nhiều quốc gia trên thế giới
Hành động và cuộc đời của Jack đã trở thành những kinh nghiệm để tuổi trẻ rút ra bài học làm người hết sức nhân văn, đó là: Sống trên đời đừng tham lam,keo kiệt, phải có lòng bác ái, từ bi, biết giúp đỡ kẻ khó khăn hoạn nạn, và không nên chơi đùa với ma quỷ. Ma quỷ hiểu theo nghĩa là những trò lừa lọc, đe dọa, làm cho người khác sợ hãi, những việc làm tinh quái nông nổi, nhất thời có thể làm hại đến người, đến xã hội.
Bên cạnh đó trong ý nghĩa nhân bản, Halloween và Rằm tháng Bảy âm lịch ở Việt Nam đều có thể xem như là ngày hai cõi Âm, Dương hội ngộ, để người chết có dịp quay trở về đoàn tụ bên người thân. Đó là những dịp để người sống tưởng nhớ, tiếc thương những người đã khuất và để họ được một ngày vui thú dương gian.
Lễ Hội Halloween ở Mỹ thường được tổ chức vào tiết thu, có mưa và gió lạnh. Chính vì thế ngày lễ được cho là rất thiêng này được mọi người và đặc biệt là các bạn trẻ tại Việt Nam trên khắp mọi miền nồng nhiệt đón nhận.
Ảnh minh họa: Internet
Thu Hường
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!