Hãy khéo léo để con yêu mở lòng

Nuôi dạy con - 11/24/2024

Những tình huống cùng giải pháp đơn giản sau đây có thể sẽ giúp con bạn cởi mở hơn và duy trì sự kết nối giữa hai mẹ con.

Con bạn từng là một cô bé/cậu bé nói và hỏi không ngừng nghỉ? Đã có thời kỳ bạn ước mình có được chút bình yên và tĩnh lặng bên con? Nhưng rồi bỗng nhiên, đối diện với bạn là một đứa trẻ luôn im lặng. Nói chuyện với mẹ lúc này có vẻ như là điều cuối cùng trẻ nghĩ tới. Nhiều người đã cảm thấy bất lực khi chứng kiến khoảng cách vô hình ngày càng lớn chia cắt tình mẫu tử.

Những tình huống cùng giải pháp đơn giản sau đây có thể sẽ giúp con bạn cởi mở hơn và duy trì sự kết nối giữa hai mẹ con.

Hãy khéo léo để con yêu mở lòng

Ảnh minh họa (Diễn viên Kim Hiền và con trai Sonic)

1. ‘Tôi nghĩ con trai tôi đang lo lắng và căng thẳng, nhưng cháu không nói cho tôi biết vì sao’

Sẽ như thế nào nếu bỗng nhiên một ngày cậu con trai yêu quý của bạn nói: ‘Mẹ ơi, con bắt đầu có cảm tình đặc biệt với các bạn gái. Mẹ con mình nói chuyện về vấn đề này được không?’. Điều này sẽ không bao giờ xảy ra. Chắc chắn con bạn sẽ cảm thấy vô cùng xấu hổ và bối rối khi nói về chủ đề nhạy cảm như vậy với mẹ.

Trong tình huống đó, hãy khéo léo hỏi trẻ về những điều bạn đang nghi ngờ. Ví dụ như: ‘Có vẻ như con đang bận tâm về điều gì đó. Con có muốn mẹ đoán xem là gì không?’. Hoặc bạn cũng có thể bảo con viết điều băn khoăn của mình ra một tờ giấy cho bạn đọc ngay lúc đó hoặc sau khi trẻ đã ngủ.

Và nếu trẻ vẫn chưa sẵn sàng chia sẻ thì hãy nhẹ nhàng cho trẻ biết rằng, bạn luôn sẵn sàng lắng nghe, bất kỳ lúc nào.

Ngoài ra, cách tiếp cận gián tiếp đôi khi lại có thể mang lại hiệu quả cao hơn. Khi hai mẹ con đi chơi và trẻ có vẻ thoải mái, hãy đặt cho trẻ những câu hỏi xa xôi, ví dụ như: ‘Nếu con được hỏi điều gì là tuyệt vời nhất và điều gì là tồi tệ nhất trong năm học này thì con sẽ trả lời thế nào?’; hoặc: ‘Nếu có một vị thần cho con ba điều ước thì con sẽ ước gì?’…

Có thể trẻ sẽ đoán được mục đích các câu hỏi đó của bạn. Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn bình thường. Nếu thực sự muốn chia sẻ những gì đang khiến mình bận tâm thì trẻ cần một cách an toàn để làm điều đó.

2. ‘Con tôi rất ít nói. Tôi phải làm sao?’

Một bà mẹ đã chia sẻ rằng, cô không biết phải làm sao để cậu con trai 10 tuổi nói ra những gì cậu bé đang nghĩ. Và cô đã thay đổi chiến thuật.

‘Tôi bắt đầu chơi điện tử, xem phim hoạt hình, đọc truyện tranh – những hoạt động mà con trai tôi thích’, cô chia sẻ, ‘và bất kỳ khi nào chúng tôi bàn luận về những chủ đề này, tôi đều khéo léo chen vào những chủ đề tôi muốn’. Đó có thể là một ‘cách chơi xấu’ nhưng cũng chính là biểu hiện của lòng yêu thương, khi bạn đang tìm kiếm tiếng nói chung với con.

Ngoài ra, hãy cố gắng để ý tới những thời điểm khác khi đứa con ít nói của bạn có vẻ sẵn sàng trò chuyện hơn. Các cậu bé thường có vẻ cởi mở hơn khi ngồi bên cạnh bạn thay vì ngồi đối diện. Chính vì thế, hãy luôn lắng nghe và hiểu những thông điệp trẻ muốn chia sẻ khi hai mẹ con đang trên xe hay làm bếp. Hãy để trẻ chủ động cuộc trò chuyện. Việc bạn cần làm là lắng nghe mà không chen ngang bằng bất kỳ phán xét hoặc lời khuyên nào.

Hãy khéo léo để con yêu mở lòng

Ảnh minh họa (Jennifer Phạm và con trai Bảo Nam)

Kể cả khi trẻ phàn nàn về bạn bè hay trường lớp bạn cũng không nên gạt bỏ những gì trẻ đang nói hoặc tìm cách dẹp bỏ cảm xúc của trẻ. Bởi lẽ, đó chính là cách nhanh nhất để trẻ quay trở lại vỏ bọc im lặng của mình. Thay vào đó, hãy gật đầu để trẻ biết rằng bạn đang chăm chú lắng nghe, hoặc nói điều gì đó mang tính trung lập, ví dụ như: ‘Ồ, hóa ra đó chính là lý do khiến con khó chịu’…

3. ‘Tôi nghĩ con tôi đang nói dối. Làm thế nào để cháu thú nhận?’

Trước tiên, cần lưu ý rằng: Chỉ vì con bạn đang nói dối điều gì đó thì cũng không có nghĩa là trẻ đã hư hỏng hoặc có nguy cơ phạm tội. Có ai chưa từng nói dối? Có ai chưa từng ít nhất một lần thêm mắm thêm muối hoặc ‘sắp xếp lại’ sự việc? Và bạn có biết vì sao trẻ thường nói dối? Đó là bởi chúng sợ cách bạn phản ứng khi chúng nói thật. Chúng sợ sẽ gặp rắc rối hoặc sợ bạn sẽ mất bình tĩnh.

Vì thế, trong trường hợp bạn nghi ngờ con mình chơi game trong khi lẽ ra con phải làm bài tập thì điều trước tiên là phải lựa chọn đúng thời gian và địa điểm để trao đổi với con.

Tránh đề cập đến chuyện đó với thái độ tức giận và lo lắng ngay sau khi trẻ vừa đi học về hoặc khi trẻ đi ngủ. Đó là thời gian trẻ cần nghỉ ngơi và thư giãn. Hãy tìm cách tiếp cận vấn đề khi hai mẹ con đang cùng nhau dọn dẹp sau bữa tối hoặc một sáng đẹp trời cuối tuần. Thay vì vòng vo thì hãy thẳng thắn cho trẻ biết vì sao bạn đang nghi ngờ con. Ví dụ: ‘Mẹ rất lo lắng vì mẹ nghĩ rằng con đang làm việc khác, ví dụ như lướt web hay chơi game trong khi lẽ ra con phải học bài’. Và nếu bạn nhận được câu trả lời trung thực thì hãy hít thở thật sâu. Đây là thời điểm bạn nên đặt ra các câu hỏi và lắng nghe hơn là ‘lên lớp’ con. Ví dụ: ‘Con có nghĩ rằng lướt web là cách tốt nhất để sử dụng thời gian học tập của mình không?’… Hãy nhớ rằng con bạn cần giúp đỡ để giải quyết các vấn đề của mình chứ không chỉ là những cảnh báo nghiêm khắc và khô khan từ bố mẹ.

4. ‘Điểm số của con gái tôi kém dần và cháu có vẻ không vui mỗi khi đi học về. Tôi hỏi lý do nhưng không nhận được câu trả lời’

Mỗi khi bị gặng hỏi, con bạn luôn khẳng định rằng mọi chuyện ở trường đều ổn. Nhưng bạn có linh tính mọi việc không ổn chút nào khi cô bé thậm chí không muốn nói cho bạn biết hôm nay ở trường đã học những gì. Và sau khi liên lạc với giáo viên chủ nhiệm của con, bạn biết trực giác của mình hoàn toàn chính xác. Con gái của bạn đang bị tụt lại so với các bạn trong lớp.

Nếu bạn đã tìm mọi cách để trò chuyện với con những vẫn không thể tiếp cận thì đó là lúc bạn phải liên lạc với nhà trường. Bạn có thể sẽ có được một vài thông tin mới để dễ dàng nói chuyện với con hơn khi ở nhà. Có thể có rất nhiều lý do khiến trẻ không vui nhưng thấy khó có thể chia sẻ cùng cha mẹ, ví dụ như bị bắt nạt, bạn bè thay đổi, những khó khăn trong giờ tập thể dục… Giáo viên của trẻ có thể biết những việc này; và một cách tiếp cận mới có thể chính là điều bạn cần để gần gũi con hơn.

Hãy khéo léo để con yêu mở lòng

Ảnh minh họa(Người mẫu Thúy Hạnh và hai con gái)

5. ‘Tôi không hiểu sao con tôi lại không trò chuyện với tôi như trước đây nữa’

Con trai bạn đã từng chia sẻ với mẹ mọi thứ, từ những trận chiến giả với bạn bè trong khu phố đến gu âm nhạc mới nhất của giới trẻ. Nhưng bây giờ, cậu bé chỉ tròn mắt nhìn bạn và nói: ‘Mẹ chẳng hiểu gì cả’. Điều đó có thể khiến bạn cảm thấy bị tổn thương. Tuy nhiên, tình trạng này chỉ diễn ra trong một thời gian nhất định. ‘Thật ra thì không phải trẻ đang dần rời xa bạn. Chúng chỉ đang trở nên gần gũi hơn với bạn bè mà thôi’. Ở độ tuổi này, trẻ thường quá nhạy cảm trước những gì bạn bè nghĩ về mình và cách để hòa hợp với bạn. Chính vì thế, đây là thời điểm mà trẻ chú trọng nhiều hơn vào mối quan hệ với bạn bè thay vì gia đình.

Trong tình huống này, hãy thử một vài biện pháp gián tiếp. Ví dụ như đưa con cùng bạn bè của con đi chơi, và chủ động khiến mình trở nên mờ nhạt trong các hoạt động của trẻ. Và bạn có thể sẽ tình cờ nghe được những gì bạn muốn, ví dụ như bạn nào đang hẹn hò với bạn nào, bạn nào đang gặp rắc rối… Bọn trẻ sẽ quên mất là bạn đang có mặt ở đó.

Bên cạnh đó, hãy hết sức lưu ý đến những khoảnh khắc dù hiếm hoi mà con bạn chủ động hướng đến bạn. Nếu trẻ vẫn muốn cùng bạn ăn sáng như thường lệ thì hãy bám lấy thói quen đặc biệt đó. Hoặc nếu cô con gái thường xuyên rụt rè ngồi xuống bên cạnh khi bạn đang xem ti vi thì cũng đừng bỏ sót điều đó. Trong ngôn ngữ của trẻ, nó có nghĩa là ‘Mẹ, con cần mẹ!’.

Nhật Khôi

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!