Bạn có đang nói dối 7 điều này với bác sĩ?

Sống Khỏe - 11/24/2024

Đôi khi một vài câu hỏi của bác sĩ có thể khiến bạn không muốn trả lời, vì thế bạn nói dối. Bài viết sẽ liệt kê 7 câu nói dối kinh điển.

Bạn sẽ có đôi lần cảm thấy ngượng ngùng hay xấu hổ vì những câu hỏi của bác sĩ và không muốn trả lời đúng sự thật. Vì vậy dưới đây là những câu nói dối điển hình, tưởng chừng như vô hại nhưng chúng có ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của bạn. 

“Tôi luôn uống thuốc đúng giờ”

Nếu bạn không như vậy thì hãy thành thật “khai báo”. Bởi vì sự thật là không phải lúc nào bạn cũng có thể uống thuốc đúng giờ. Bạn có thể nghĩ rằng thật khó xử khi nói với bác sĩ bạn đã làm như vậy. Tuy nhiên, nếu nói dối, không những bạn đã bỏ qua một bước trong quá trình chữa bệnh cho chính mình mà bạn còn đưa những thông tin sai lệch cho bác sĩ. Điều này dễ dẫn đến những tác hại khó lường.

Việc liều lượng thuốc tăng giảm không đều dễ gây nên các hậu quả như làm tăng nhịp tim, chóng mặt và mệt mỏi. Vì thế lời nói dối đã phá hoại sức khỏe của bạn, việc hoàn toàn trái ngược với những gì bạn mong đợi khi tìm đến bác sĩ.

Thông thường, bác sĩ vẫn có thể biết được rằng bạn đã uống thuốc đúng cách hay chưa bằng việc để ý huyết áp cao hay kết quả xét nghiệm máu chứa nhiều cholesterol. Vậy nên hãy trung thực khi bác sĩ hỏi rằng bạn đã dùng thuốc đúng theo hướng dẫn hay chưa. Nếu bạn lỡ không uống thuốc đúng cách, bác sĩ sẽ tìm hướng giải quyết kịp thời.

“Tôi chưa ăn hay uống bất cứ thứ gì trước ca phẫu thuật này”

Việc bệnh nhân thành thật thông báo lần họ ăn uống gần nhất trước ca phẫu thuật là vô cùng quan trọng, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch gây mê. Bệnh nhân trước khi phẫu thuật không được ăn uống bất cứ thứ gì.

Nguyên nhân là khi bệnh nhân chìm vào hôn mê bằng khí gây mê, cơ vòng thực quản cũng không còn hoạt động. Trong quá trình này, thực phẩm từ dạ dày có thể tràn lên miệng và khí quản của bệnh nhân, từ đó tràn vào phổi. Một khi đã tràn vào phổi, các thực phẩm có chứa axit sẽ khiến phổi bị viêm và gây nên các bệnh về phổi.

“Tôi đã bỏ hút thuốc”

Có thể bạn cảm thấy vô hại khi không nói ra nhưng thật sự bác sĩ rất cần được biết bạn còn hút thuốc hay không. Thuốc lá có thể tác dụng với nhiều loại thuốc và là nguyên nhân của những triệu chứng bạn gặp phải. Nếu biết được bạn có hút thuốc hay không, bác sĩ có thể tư vấn bạn một số liệu pháp hay loại thuốc để từ bỏ thói quen xấu này.

“Tôi vẫn thường ăn rau”

Nếu việc ăn rau là bắt buộc hoặc cần thiết cho việc điều trị bệnh thì bạn không nên nói dối bác sĩ về vấn đề này. Kết quả điều trị của bạn sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều nếu bạn không nói đúng sự thật về chế độ dinh dưỡng của mình. Do đó bạn nên thành thật với bác sĩ về thói quen ăn uống của bạn, để họ có thể đưa ra lời khuyên tốt nhất. 

“Tôi không mắc bệnh về tình dục”

Nếu như bạn nghĩ có thể mình mắc, đang có bệnh hay đã từng mắc bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, hãy mạnh dạn chia sẻ với bác sĩ. Dù có hơi khó nói nhưng nhiều bệnh tình dục sẽ vô cùng nguy hiểm nếu không được chữa trị kịp thời. Một phút khó xử với bác sĩ có thể cứu lấy cả một quãng thời gian khó xử bên người tình của bạn.

“Tôi không dùng thực phẩm bổ sung”

Bạn cảm thấy ngại khi cùng bác sĩ phân tích các loại vitamin mà bạn đã mua ở hiệu thuốc. Đừng ngại vì bác sĩ cần phải biết chuyện này. Một số loại thực phẩm chức năng sẽ khá nguy hiểm khi dùng chung với thuốc kê đơn hoặc khi bạn đang ở trong tình trạng sức khỏe không thích hợp.

“Tôi không cảm thấy đau chút nào”

Bạn đừng nên nói dối với bác sĩ về những triệu chứng của mình vì lý do gì đi chăng nữa. Một khi không nói đủ triệu chứng, bạn sẽ gây khó khăn cho bác sĩ trong quá trình chẩn đoán bệnh. 

Một số câu hỏi của bác sĩ có thể làm bạn cảm thấy ngại ngùng hay xấu hổ. Tuy nhiên, để việc chữa trị thật hiệu quả, bạn không nên nói dối bác sĩ bất kì điều gì nhé.

Bạn có thể quan tâm đến các bài viết sau:

  • Mẹo để 1-3 phút khám bệnh của bạn có hiệu quả nhất
  • Cân bằng cảm xúc và chữa bệnh chỉ bằng 5 ngón tay
  • Ai sẽ khám bệnh cho con bạn?

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!